Việt Nam tiến vào ‘guồng quay’ của nền kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 22:29, 09/01/2022

TheLEADERLuật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực đang được quốc tế đánh giá cao, như một bước đi đầu tiên của Việt Nam trong guồng quay của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam tiến vào ‘guồng quay’ của nền kinh tế tuần hoàn
Những ông lớn ngành FMCG cam kết tái chế 100% bao bì năm 2030.

Nằm trong top 10 những quốc gia xả rác thải nhựa ra biển trên thế giới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi rác điện tử toàn cầu. Cùng với đó, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng trở nên nhức nhối.

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn thế giới nhưng cũng ẩn chứa thông điệp về giá trị của sự bền vững. Bối cảnh này đặt ra tính cấp thiết cho những chính sách mới về môi trường ở Việt Nam, mà bước đi đầu tiên là việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, với những nội dung mới mang tính đột phá, tác động tới doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước và cả hoạt động truyền thông.

Nổi bật trong Luật Bảo vệ môi trường là những chính sách hướng tới nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế và sản xuất, tiêu dùng bền vững, những nền tảng đầu tiên cho kinh tế tuần hoàn. Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực và là đại diện đang phát triển hiếm hoi trên toàn thế giới đưa kinh tế tuần hoàn vào trong luật.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. “Lời hứa về một nền kinh tế tuần hoàn có thể trở thành hiện thực hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng doanh nghiệp”, Nikkei Asia Review bình luận.

Đây cũng chính là mục tiêu của công cụ chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), điểm sáng trong luật mới của Việt Nam. Với EPR, doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh phải lựa chọn giữa tự tổ chức tái chế hoặc trả thêm tiền cho công tác thu gom, tái chế.

Thực tế, trước khi có điều chỉnh của pháp luật, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã phải chịu áp lực từ phía người tiêu dùng khi nhu cầu tiêu dùng bền vững ngày càng tăng cao.

Một số tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, HP, Panasonic đã triển khai chương trình thu hồi thiết bị điện tử cũ. Nhiều ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), đặt mục tiêu tái chế 100% bao bì đến năm 2030.

Những sáng kiến khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới về kinh tế tuần hoàn cũng đang nở rộ, được truyền thông giới thiệu rộng rãi như sản xuất giày bằng bã cà phê; ứng dụng thu gom rác thải đô thị…

EPR được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện mở rộng hơn nữa những sáng kiến như trên. Với công cụ chính sách này, doanh nghiệp cần có những thay đổi thực sự thay vì hô hào, khẩu hiệu, lợi dụng danh nghĩa bền vững để làm truyền thông.

“Kinh tế tuần hoàn, nếu được đưa vào thực tế, cần có sự thay đổi mang tính hệ thống”, bà Kim Lê, nhà sáng lập công ty tư vấn CL2B nói với Nikkei Asia Review.

Điều các doanh nghiệp lo lắng nhất khi luật mới, với công cụ EPR được áp dụng sẽ tạo ra thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí tăng lên cao khi doanh nghiệp vật lộn với Covid-19 có nguy cơ tổn thương khả năng phục hồi.

Theo luật sư Minh Nguyễn, cộng sự cấp cao của công ty luật ACSV Legal, đại dịch Covid-19 đã đem lại bài học vô cùng quý giá là “tiền không mua được sức khỏe”. Trả lời Nikkei Asia Review, ông Minh cho biết, doanh nghiệp sẽ phải tiêu thêm chi phí để tuân thủ quy định mới về môi trường. Chi phí phát sinh là điều không ai muốn, tuy nhiên là điều “bắt buộc phải xảy ra trước khi quá muộn”.