Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn nâng hạng thị trường chứng khoán

Trần Anh - 15:37, 30/09/2022

TheLEADERViệt Nam sẽ tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier Market) và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. FTSE đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng của thị trường Việt Nam vào tháng 3/2023

Trong thông báo mới nhất, FTSE Russell vẫn giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier Market). Như vậy, kể từ tháng 9 năm 2018 khi được thêm vào danh sách theo dõi, tới nay Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market).

Theo FTSE Russell, Việt Nam đã được cho vào danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2, tuy nhiên, tiến độ chậm hơn dự kiến một phần do ảnh hưởng của Covid-19. 

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" khi đang bị xếp ở mức "hạn chế". Điều này là do thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.

Xuất phát từ lý do này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa trải qua những lần giao dịch thất bại, từ đó khiến tiêu chí “Cách giải quyết và các chi phí đi kèm với giao dịch thất bại” (hay còn được gọi là “tỷ lệ giao dịch thất bại hiếm) được FTSE đặt ở trạng thái “N/A”.

Ngoài ra, FTSE cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện ở khâu đăng ký tài khoản, trong đó cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết room.

Việt Nam sẽ tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier Market) và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. FTSE đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của Việt Nam vào tháng 3/2023.

Trong thông báo gần đây, Bộ Tài chính cho rằng vấn đề hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam và đã đạt được một số thành quả nhất định.

Theo Bộ Tài chính, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.