Vietnam Airlines tìm cách đối phó với cạnh tranh từ hãng hàng không mới

Trần Anh - 15:17, 13/06/2019

TheLEADERVietnam Airlines sẽ phải đưa ra nhiều chương trình giảm giá vé trong bối cảnh hãng hàng không mới Bamboo Airways tích cực chiết khấu mạnh để giành thị phần.

Sự vươn lên của các hãng hàng không giá rẻ và việc xuất hiện những hãng hàng không mới khiến các hãng bay truyền thống như Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, Vietnam Airlines đã liên tục kiến nghị lên Chính phủ các vấn đề liên quan đến nhân sự, đặc biệt là tình trạng thất thoát phi công. Giữa năm ngoái, nhiều phi công Vietnam Airlines đã nộp đơn xin thôi việc, đầu quân cho các hãng hàng không khác vì cho rằng đang nhận mức lương quá thấp so với các hãng bay khác tại Việt Nam.

Cùng với vấn đề nhân sự, thị phần của Vietnam Airlines cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt. Số liệu cho thị phần vận chuyển hành khách nội địa của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã giảm 4 năm liên tiếp. Năm 2015 thị phần của hãng đạt 47,8% tuy nhiên đến năm 2018 còn 39,7%. Đối với thị phần quốc tế, Vietnam Airlines đã giảm từ 39,4% năm 2015 còn 25,5% năm 2018, các con số này bao gồm Vasco nhưng không bao gồm thuê chuyến.

Trong năm 2019, Vietnam Airlines đặt kế hoạch thị phần tối thiểu ở mức 55%, số lượng khách vận chuyển năm 2019 đạt 24,9 triệu khách, tăng 13,7% thực hiện 2018, số lượng hàng hóa luân chuyển tăng 9,3%. Mặc dù vậy, các công ty phân tích nhận định, trước sức ép của các đối thủ mới như Bamboo Airways, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, biên lợi nhuận dịch vụ vận tải khách hàng trong giai đoạn 2019-2023 sẽ giảm từ 2,5% xuống 1,7%. Nguyên nhân đến từ việc Vietnam Airlines sẽ đưa ra nhiều chương trình giảm giá vé đối với các tuyến bay trong nước và trong khu vực ASEAN, trong bối cảnh Bamboo Airways tích cực mở rộng hoạt động và chiết khấu mạnh để giành thị phần.

Không chỉ biên lợi nhuận giảm, thị phần của Vietnam Airlines cũng khó đạt kế hoạch khi Bamboo Airways dự kiến sẽ tiếp tục giành được thị phần từ các hãng hàng không lớn với các đường bay mới. Hiện tại, Bamboo Airways đã có kế hoạch đến cuối năm 2019 sẽ tăng gấp đôi số tuyến bay trong nước so với hiện nay (17 tuyến), qua đó thâm nhập hoàn toàn mạng lưới tuyến bay trong nước.

Vietnam Airlines tìm cách đối phó với cạnh tranh từ hãng hàng không mới
Tàu bay của Vietnam Airlines tại một sân bay quốc tế

Bên cạnh đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng đang liên tục tấn công vào những thị trường thế mạnh của Vietnam Airlines. Sau khi áp đảo hoàn toàn Jetstar trong phân khúc hàng không giá rẻ, những năm gần đây, Vietjet Air chú trọng mở rộng các đường bay quốc tế, tập chung chủ yếu vào khu vực Đông Á. Năm 2018, số đường bay quốc tế cũng tăng lên 66 đường, chiếm gần 2/3 tổng số đường bay của hãng.

Sự gia tăng số lượng khách ngoại vừa giúp hãng cải thiện doanh thu từ bán vé, vừa thúc đẩy mức độ chi tiêu bình quân mỗi khách tăng lên. Trong vòng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ đã tăng gần 10 lần từ mức 836 tỷ lên 8.410 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018. So với doanh thu vận tải, biên lợi nhuận của mảng phụ trợ tương đối cao, đồng thời ít chịu rủi ro dẫn đến đường tăng trưởng "mượt" hơn và ít biến động hơn so với vận chuyển.

Đối mặt với nhiều khó khăn, song Vietnam Airlines vẫn có lợi thế đặc thù của một hãng hàng không cung cấp dịch vụ đầy đủ (full service) so với các hãng hàng không giá rẻ hay hàng không lai. Thay vì tập trung vào 1 phân khúc cụ thể, hạ tầng dịch vụ cho phép Vietnam Airlines có thể cùng lúc tấn công cả 3 phân khúc khách hàng là giá rẻ, trung và cao cấp.

“Vietnam Airlines vẫn sẽ được hưởng lợi từ vị thế thị trường thống trị trên các tuyến bay có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nước và quốc tế kết nối các thành phố của Việt Nam đến các trung tâm tài chính trong khu vực. Các hoạt động ngoài hàng không cũng phát triển nhanh chóng và có mức sinh lời cao của Vietnam Airlines”, VCSC nhận định.

Với vấn đề biên lợi nhuận hành khách giảm, Vietnam Airlines dự tính dùng hoạt động bán và cho thuê lại máy bay (SALB) để bù đắp.

Trong năm 2019, Vietnam Airlines sẽ nhận 17 tàu A321 Neo, 3 tàu B787-10, 2 tàu A350, trả các tàu bay thuê đã hết hạn, dừng khai thác tàu A321 cũ để chuẩn bị bán thanh lý, cho thuê tàu A321. Tổng số tàu bay khai thác đến cuối 2019 là 98 tàu bay.

Tại ĐHCĐ vừa qua, Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có lịch giao giai đoạn 2021-2025 và đặt hàng có lựa chọn mua thêm 50 tàu bay nữa. Hiện hãng đang khai thác 63 máy bay thân hẹp và sẽ tăng lên 71 chiếc vào cuối năm 2021. Số tàu bay thân hẹp sẽ hết thời hạn thuê, bán thanh lý trong giai đoạn này là 26 chiếc.

Phương thức đầu tư đội tàu bay sẽ được kết hợp giữa phương án mua/thuê mua và thuê lại (Sale & Leaseback), trong đó việc mua theo hình thức mua/thuê mua tối đa không quá 50% tàu bay của dự án. Trước mắt, Vietnam Airlines sẽ giảm quy mô và tỷ lệ vốn vay thông qua thực hiện SALB cho 2 tàu bay A350-900 có lịch nhận năm 2019.