Viglacera tìm đối tác tư vấn thoái vốn Nhà nước

Trần Anh - 17:58, 29/05/2023

TheLEADERViglacera đang có vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Trong năm nay, Bộ lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viglacera.

Tổng Công ty Viglacera (Viglacera) vừa có thư mời báo giá liên quan đến phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước. Theo thông báo, Viglacera đang trong giai đoạn xây dựng và xem xét các đề xuất phương án cháo bán cũng như tiêu chí nhà đầu tư. Công ty sẽ tổ chức các buổi giới thiệu liên quan đến đợt chào bán này.

Hiện, Viglacera đang có vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Cổ đông lớn nhất của Viglacera hiện là Gelex sở hữu 50,21%. Tổng tài sản tại ngày 31/12/2022 đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả là 7,3 nghìn tỷ đồng.

Phản ứng về thông tin này, trong phiên giao dịch ngày 29/5, cổ phiếu VGC đã tăng trần lên 40.200 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ đầu năm.

Động thái này của Viglacera nằm trong chủ trương chung của Nhà nước sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm nay, Bộ lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viglacera. Trước đó, Viglacera đã thoái vốn Nhà nước giai đoạn 1 vào năm 2019.

Kế hoạch thoái vốn cũng được Viglacera nhắc tới trong Đại hội cổ đông năm nay. Ban lãnh đạo Viglacera cho biết quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn trong năm nay nhưng khả năng cao sẽ vẫn phải cần thêm thời gian.

Bên cạnh đó, Viglacera còn lên kế hoạch thực hiện lộ trình tái cơ cấu vốn tại các đơn vị, như tăng vốn tại Công ty ViMariel, tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), góp vốn đầu tư thành lập Công ty Viglacera Thái Nguyên để triển khai đầu tư, xây dựng, kinh doanh và vận hành khu đô thị, đô thị dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2023, Viglacera đặt kế hoạch doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, giảm đến 44% so với năm 2022. Công ty dự kiến giữ mức chia cổ tức như năm 2022 là 20%.

Kết thúc quý 1/2023, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.775 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết trong kỳ doanh thu mảng kinh doanh nhà ở thương mại bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, cùng với đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán và sản lượng tiêu thụ giảm gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Tính đến 31/3, tổng tài sản công ty ở mức 23.317 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, công ty đang ghi nhận 14.092 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 60%. Tổng nợ vay ở mức 4.041 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, Ban lãnh đạo Viglacera tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Công ty cho biết sẽ khảo sát, lập dự án đầu tư và triển khai đầu tư các khu công nghiệp (KCN) mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Đồng thời sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai các dự án.

Cụ thể gồm: KCN Phù Ninh - Phú Thọ (xấp xỉ 450 ha/giai đoạn 1 là 150 ha); KCN Phú Hà giai đoạn 2 (100 ha); Khu A KCN Phong Điền - Thừa thiên Huế (120 ha); KCN Đông Triều - Quảng Ninh (xấp xỉ 425 ha); KCN Hòa Lạc Hữu Lũng - Lạng Sơn (490 ha).

Bên cạnh đó là tổ hợp KCN - Dịch vụ - Đô Thị Tây Phổ Yên - Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha KCN và 200 ha Đô thị, dịch vụ); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại tỉnh Yên Bái (380 ha, trong đó KCN Trấn Yên 254 ha, Khu Đô thị và dịch vụ 126 ha); tổ hợp KCN - Đô thị dịch vụ tại tỉnh Hưng Yên (xấp xỉ 200 ha); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại Khánh Hòa (khoảng 900 ha) và các KCN tại phía Nam và các địa điểm khác.

Đối với phân khúc nhà ở giá rẻ, doanh nghiệp sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao.

Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.

Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP Hà Nội).

Đồng thời tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

Với các dự án nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, Viglacera cho biết sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư các dự án như Khu đô thị mới Tây Bắc TP Bắc Ninh (25,6 ha); Khu dịch vụ, đô thị và NOXH đáp ứng nhu cầu cho người lao động trong KCN Yên Phong II tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (95 ha); Khu nhà ở thương mại đường Hùng Vương- Phú Thọ (khu 14,72 ha).

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (dự án mua Nhà máy Bạch Mã và đầu tư bổ sung), tập trung hoàn thành dây chuyền sản phẩm mới kích thước lớn (Vasta stone) đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của CTCP Viglacera Tiên Sơn.