Vinasun đang hồi sinh?

Trần Anh - 16:38, 25/10/2018

TheLEADERNhờ hoạt động tái cấu trúc, hiệu quả hoạt động của Vinasun đã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây, đồng thời công ty được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các quy định mới trong cuộc cạnh tranh với các hãng 'taxi công nghệ'.

Vinasun, một trong những hãng taxi lớn nhất Việt Nam, đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu đạt 538 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế đạt 39 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Vinasun đạt 1.566 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% và lợi nhuận trước thuế đạt 69,6 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vẫn trong xu hướng giảm, song báo cáo quý 3 của Vinasun cho thấy nhiều điểm tích cực. Nhờ hoạt động tái cấu trúc lại bộ máy hoạt động, cơ cấu doanh thu của Vinasun đã có sự thay đổi rõ rệt.

Trong đó, Vinasun dần chuyển từ mô hình quản lý xe sang mô hình kinh doanh nhượng quyền với tài xế. Tính đến quý 3, hoạt động nhượng quyền thương mại và khai thác taxi đã chiếm tỷ trọng gần 42% (tương đương 653 tỷ đồng), gần bằng tỷ trọng nguồn thu dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi. Cùng kỳ năm ngoái, nhượng quyền mới chỉ đóng góp khoảng 14% doanh thu của Vinasun.

Đáng chú ý, quý vừa qua cũng là lần đầu tiên kể từ quý 1/2017, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi lớn hơn lợi nhuận từ thanh lý xe. Cuối năm ngoái, có thời điểm Vinasun phải lấy lợi nhuận từ việc bán xe để bù đắp cho hoạt động kinh doanh chính thua lỗ. Mặc dù vậy, kể từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình đã dần được cải thiện khi hoạt động vận tải dần có lãi trở lại.

Bên cạnh đó, Vinasun cũng tiến hành cắt giảm mạnh nhiều loại chi phí, bao gồm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Hoạt động này giúp lợi nhuận thuần tăng gần 40% lên 22 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua.

Vinasun đang hồi sinh?
Taxi Vinasun hoạt động tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Có thể thấy, sau khi ‘chạm đáy’ vào cuối năm 2017, đến nay, hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Sau nhiều năm liền chịu sức ép từ các hãng taxi công nghệ như Grab hay Uber, Vinasun đã dần học được cách ‘sống chung với lũ’.

Hồi tháng 5, quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore đã quyết định thoái toàn bộ 5,4 triệu cổ phần đầu tư vào Vinasun. Số cổ phần này sau đó đã được một công ty chứng khoán trong nước là HSC mua vào với mức giá khoảng 104 tỷ đồng. 

Sự góp mặt của một tổ chức tài chính dường như đã đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu nhằm mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động của Vinasun.

Hồi đầu năm, ban lãnh đạo Vinasun từng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là tập trung giữ thị phần và duy trì hoạt động trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Công ty dự kiến đầu tư thêm tối thiểu 700 xe chất lượng và phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, triển khai mô hình thương quyền nhằm tăng độ phủ và giảm gánh nặng chi phí quản lý. Mô hình này cho phép công ty hợp tác với những cá nhân sở hữu xe riêng, nhưng hoạt động như người lao động trực tiếp thông qua việc tuân thủ nội quy, mặc đồng phục và dán logo Vinasun.

Các hãng taxi truyền thống như Vinasun được kỳ vọng hưởng lợi từ quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang trong quá trình dự thảo. Nghị đình này sẽ thay thế nghị định 86 hiện nay.

Theo Vnexpress, Tổ công tác của Chính phủ sau khi rà soát, kiểm tra hồ sơ của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ về nghị định này đã yêu cầu Bộ Giao thông cần có các quy định chặt chẽ để Uber, Grab chịu sự quản lý như taxi truyền thống.Đồng thời, không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” làm phát sinh thêm loại hình vận tải mới, không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Liên quan đến vụ kiện của Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng đang diễn ra tại TAND TP.HCM, mới đây, VKSND đã đề nghị tòa án xem Grab như một doanh nghiệp taxi và tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, đồng thời buộc Grab bồi thường số tiền này cho Vinasun.