VPBank có thực sự buông ‘con gà đẻ trứng vàng’?

Trần Anh - 13:20, 05/05/2021

TheLEADERNguồn tiền từ việc bán bớt cổ phần FE Credit sẽ giúp VPBank hiện thực hoá những tham vọng đã ấp ủ từ lâu nhưng phải gạt sang một bên do chưa đủ nguồn lực.

VPBank có thực sự buông ‘con gà đẻ trứng vàng’?
VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên quy mô dẫn đầu thị trường ngân hàng

Thương vụ bom tấn

Sau nhiều đồn đoán, VPBank cuối cùng cũng chốt việc bán cổ phần FE Credit cho SMBC. Với mức định giá FE Credit lên tới 2,8 tỷ USD, thương vụ mua 49% cổ phần FE Credit được xem là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào một tổ chức tài chính của Việt Nam.

Khoản tiền gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này có thể là nguồn lực bổ sung đáng kể cho VPBank trong bối cảnh các ngân hàng đang chạy đua tăng vốn để mở rộng hoạt động và chiếm lĩnh thị phần. Nhưng, tại sao VPBank lại chấp nhận bán bớt cổ phần FE Credit khi mà công ty tài chính này liên tục là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng suốt nhiều năm qua?

Nhìn lại, tổng lợi nhuận FE Credit mang lại cho VPBank trong một thập kỷ qua đã khoảng 20.000 tỷ đồng, và trong mấy năm gần đây luôn chiếm khoảng 40 – 50% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Năm ngoái, do tác động của dịch Covid-19, đóng góp của FE Credit đã giảm đi, nhưng vẫn chiếm 28% trong tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này là 13.000 tỷ đồng.

Việc bán đi một nửa số cổ phần, trong đó có 1% cho Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, cũng đồng nghĩa với phần đóng góp từ FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank có thể giảm trong những năm tới. Chính lãnh đạo VPBank cũng thừa nhận tại đại hội cổ đông thường niên mới đây rằng, phần đóng góp từ FE Credit có thể giảm hoặc không tăng trong hai năm tới.

Nhưng về lâu dài, vị lãnh đạo này khẳng định tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank “sẽ tăng trở lại”. Từ đó, có thể thấy mục tiêu mà lãnh đạo VPBank đặt ra khi bán bớt phần vốn tại FE Credit là tỷ lệ nắm giữ giảm đi nhưng lợi nhuận vẫn tăng lên, và muốn đạt được mục tiêu đó cần có bàn tay của SMBC.

Hiện tại, FE Credit là công ty cho vay tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 50% thị phần. Lĩnh vực cho vay tiêu dùng rủi ro cao nhưng cũng mang lại lợi nhuận lớn, và mô hình quản trị rủi ro của FE Credit trong nhiều năm qua đã chứng minh là có hiệu quả, với lợi nhuận hàng năm từ 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lợi nhuận lớn nhất của một công ty tài chính tiêu dùng trong nước và lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận của các ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam được nhìn nhận là còn nhiều dư địa phát triển, nhưng dường như “trần” lợi nhuận của FE Credit đã tới hạn. Vì thế, muốn tăng thị phần, đồng thời tăng lợi nhuận lên một tầm cao mới, FE Credit cần được thổi một “luồng gió mới”, và SMBC chính là lựa chọn hợp lý ở thời điểm này.

SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản còn Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) là công ty tài chính tiêu dùng lâu đời nhất, thị phần tín dụng tiêu dùng lớn nhất ở Nhật Bản. Mua cổ phần FE Credit tạo cơ hội cho SMBC thâm nhập vào thị trường cho vay tiêu dùng còn nhiều tiềm năng của Việt Nam, và đối với VPBank, ngoài cơ hội có thể nguồn vốn rẻ, kinh nghiệm quản trị và điều hành của SMBC sẽ giúp FE Credit nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

“Thực tế, nếu chỉ để bán được giá cao, chúng tôi có thể lựa chọn phương án IPO FE Credit. Nếu theo phương án IPO, định giá FE Credit có thể lên đến 4 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định lựa chọn phương án hợp tác với nhà đầu tư chiến lược SMBC, mục tiêu đưa FE Credit lên những tầm cao mới”, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank chia sẻ tại đại hội cổ đông mới đây.

Cũng chính vì thế, ban lãnh đạo VPBank khẳng định sau khi bán vốn, FE Credit vẫn là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng trong dài hạn.

Thả con săn sắt

Mặc dù đóng góp từ FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất có thể giảm đi sau khi bán bớt cổ phần nhưng VPBank vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng tới 27,9% so với năm ngoái và đạt 16.654 tỷ đồng. Mục tiêu này cho thấy ban lãnh đạo VPBank đã tính tới khả năng tỷ trọng đóng góp của FE Credit có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng những lĩnh vực kinh doanh mới có được nhờ nguồn lực tài chính bổ sung từ bán cổ phần FE Credit không chỉ bù đắp thiếu hụt mà còn có thể gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Chia sẻ về chiến lược phân bổ nguồn vốn lớn sắp thu về từ hoạt động bán vốn FE Credit, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank ước tính nguồn tiền này sẽ đẩy hệ số an toàn vốn (CAR) của VPBank nhảy vọt từ mức 11,5% hiện nay lên trên 20%.

Ông Vinh thừa nhận CAR ở mức cao thì an toàn nhưng cũng phản ánh việc sử dụng vốn không hiệu quả, do không có ý định chia cổ tức, ban lãnh đạo sẽ phải tìm hướng để tận dụng nguồn vốn, mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng từ phần thặng dư vốn, cũng như hoạt động đẩy mạnh đầu tư vào các mảng kinh doanh mới sẽ bù đắp lại lợi nhuận từ FE Credit.

Việc tăng vốn của VPBank không đơn thuần là nhằm nâng cao hệ số an toàn vốn, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đang chạy đua tăng vốn, mà quan trọng hơn là giúp VPBank mở rộng sang những lĩnh vực kinh doanh mới.

Ông Vinh cho biết ngân hàng có kế hoạch mở rộng sang mảng ngân hàng đầu tư hay quản lý tài sản, thậm chí rót vốn vào các công ty chứng khoán. Đây là những mảng kinh doanh VPBank từng đặt sang một bên nhưng giờ đã có đủ nguồn lực để quay lại phát triển.

“Bên cạnh đó những cơ hội kinh doanh mới, ban lãnh đạo cũng tìm cơ hội để phát triển mạnh hơn các lĩnh vực lõi như cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ hay ngân hàng số”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh nhấn mạnh, VPBank chưa phải là ngân hàng lớn nhất trên thị trường về tổng tài sản, nhưng đang dẫn đầu ở nhiều chỉ số hiệu quả, có mô hình kinh doanh đa dạng, bao phủ phân khúc khách hàng có tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6%, đạt 376.340 tỷ đồng.

Song song với đó, VPBank cũng dự kiến sẽ có đợt tăng vốn mạnh. Vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ tăng lên 90.000 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng. Nếu nâng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ gấp đôi con số hiện nay của ngân hàng hàng đầu là Vietcombank, trong khi vốn chủ sở hữu cũng gần bằng Vietcombank.

Tính tới cuối tháng 3/2021, VPBank vốn chủ sở hữu gần 56.000 tỷ đồng và vốn điều lệ gần 25.300 tỷ đồng.

Đại diện VPBank cho biết thời điểm tăng vốn có thể là cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Nguồn tiền để tăng vốn ngoài tiền thu về của thương vụ FE Credit, còn đến từ hợp đồng bán bảo hiểm, lợi nhuận tích lũy năm 2021 và cả từ việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược.

Hiện nay, VPBank vẫn còn khá nhiều “room” cho khối ngoại. Ban lãnh đạo ngân hàng đang tìm kiếm đối tác chiến lược chào bán cổ phần, đồng thời sử dụng nguồn cổ phiếu quỹ để phát hành cho nhà đầu tư. Thương vụ này có thể hoàn tất vào cuối năm nay.