VSIP vay thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Dũng Phạm - 09:02, 20/09/2023

Nhà phát triển khu đô thị và công nghiệp hàng đầu Việt Nam tăng vay nợ trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm hơn 55% so cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 442 tỷ đồng.

VSIP vay thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Khu công nghiệp đầu tiên VSIP I tại Bình Dương

Ngày 12/9, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã phát hành thành công lô trái phiếu trong nước có giá trị 1.000 tỷ đồng với thời hạn 7 năm kể từ ngày phát hành, theo đó ngày đáo hạn lô trái phiếu này là ngày 12/9/2030.

Trước đó vào tháng 7/2021, VSIP cũng đã phát hành thành công 1.000 tỉ đồng trái phiếu cho 7 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 1 tổ chức tín dụng, 1 công ty chứng khoán, 1 quỹ đầu tư chứng khoán và 4 công ty bảo hiểm.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm (ngày đáo hạn là 20/7/2028), với mức lãi suất phát hành cố định 9%/năm.

Mục đích phát hành là đầu tư vào các dự án VSIP III - Bình Dương, VSIP Nghệ An và tăng quy mô vốn hoạt động doanh nghiệp. Trong năm 2022, công ty đã chi hơn 84 tỷ đồng để trả lãi cho lô trái phiếu trên.

Về chi tiết các dự án, KCN VSIP III – Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016. Dự án có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng vốn đầu tư thực hiện là hơn 6.400 tỷ đồng.

Còn KCN Đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An có quy mô khoảng 750 ha, trong đó, đất xây dựng khu công nghiệp gần 368 ha và đất xây dựng khu đô thị, dịch vụ, thương mại và nhà ở hơn 382 ha. Cuối năm 2020, VSIP Nghệ An đã đề nghị bổ sung vốn đầu tư giai đoạn 2 của KCN này với số vốn gần 1.855 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, theo công bố thông tin trên HNX, VSIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm hơn 442 tỷ đồng, giảm hơn 55% so cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của công ty đạt khoảng 14.150 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 21%, tương ứng khoảng 10.300 tỷ đồng với lượng dư nợ trái phiếu duy trì khoảng 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của VSIP đi lùi so với giai đoạn trước. Từ 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng đều mỗi năm. Riêng năm 2022, lợi nhuận vọt lên hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2021.

VSIP được thành lập từ năm 1996 với sự liên kết giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) cùng liên minh nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development dẫn đầu. Đến nay, công ty này đang vận hành 10 khu công nghiệp trên cả nước.

Khởi đầu với khu công nghiệp đầu tiên VSIP I tại Bình Dương, sau đó mở rộng ra VSIP II và VSIP III. Tại phía Bắc, công ty đã xây dựng khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Thương hiệu VSIP cũng có mặt tại miền Trung với các tỉnh Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Trị và Bình Định.

Ngày 29/8 vừa qua, tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, có 3 dự án khu công nghiệp VSIP mới được thực hiện khởi công, 2 dự án VSIP được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng 12 dự án VSIP mới được ký biên bản hợp tác phát triển với sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tính đến nay, VSIP công bố các khu công nghiệp đang thu hút khoảng 880 khách hàng từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư nước ngoài 18 tỷ USD. Các dự án tạo ra 300.000 việc làm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Becamex IDC công bố giá trị khoản đầu tư vào liên doanh VSIP đạt hơn 5.300 tỷ đồng và là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Becamex IDC. 

Trong phiên họp cổ đông thường niên năm ngoái, Becamex IDC đặt mục tiêu đưa liên doanh VSIP lên niêm yết trong tương lai để nâng tầm phát triển.