VTVcab kinh doanh kém hiệu quả trước khi cắt loạt kênh hay HBO, Cartoon Network, Discovery

Trần Anh - 13:47, 04/04/2018

TheLEADERHoạt động kinh doanh của VTVcab những năm qua không thuận lợi do khi chi phí vận hành quá cao và sức cạnh tranh đến từ các công ty trong ngành dịch vụ truyền hình.

Mới đây, cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng về việc Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) bất ngờ cắt hàng loạt kênh truyền hình trong gói dịch vụ mà không thông báo với người sử dụng.

Việc bất ngờ xóa xổ 22 kênh truyền hình quen thuộc như HBO, Disney, Cartoon Network, Cinemax,… mà không thông báo tới khách hàng của VTVcab khiến nhiều khách hàng bức xúc. Một trong các lý do được VTVcab cân nhắc khi thay đổi nội dung kênh có liên quan tới chi phí bản quyền.

Chi phí vận hành nói chung từ lâu đã là vấn đề lớn của VTVcab kể từ khi hoạt động đến nay. Năm 2016, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTVcab đạt 2.045 tỷ, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm trước đó nhưng giá vốn và các loại chi phí còn tăng mạnh hơn.

Kết quả, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp còn lại không đáng kể, chỉ khoảng 81 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 4 tỷ đồng so với năm 2015.

VTVcab kinh doanh kém hiệu quả trước khi cắt loạt kênh hay HBO, Cartoon Network, Discovery

Giá vốn hàng bán và chi phí cao khiến kết quả kinh doanh của VTVcab không ấn tượng, bất chấp vị thế đứng thứ 2 thị trường truyền hình trả tiền. 

Nếu quan sát giai đoạn từ 2014 – 2016, có thể hoạt động của VTVcab có xu hướng đi ngang, trong khi đây là giai đoạn tăng nóng của thị trường. Trong khoảng thời gian này, doanh thu của thị trường đã tăng từ 5.800 tỷ đồng lên 12.000 tỷ đồng, số thuê bao cũng tăng từ 6,6 triệu lên 12,5 triệu người dùng.

Sang tới năm 2017, khi thị trường truyền hình trả tiền diễn biến không thuận lợi, tình hình hoạt động của VTVcab còn nghiêm trọng hơn. Tính tới quý 3 năm 2017, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 48 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào báo cáo, có thể thấy VTVcab không phải là "con gà đẻ trứng vàng" cho VTV. Kinh doanh không theo kịp tốc độ tăng trưởng ngành, nhưng trong thông báo về phiên đấu giá ra công chúng, VTVcab vẫn đưa ra mức định giá cao, tới 12.500 tỷ đồng. Vị thế và lợi thế ngành khó tham gia là những yếu tố giúp VTVcab tự tin vào mức định giá cao của mình.

Mặc dù vậy, giai đoạn tới được xem là thời điểm khó khăn với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước. Với làn sóng truyền hình trên Internet ngày càng phát triển, doanh nghiệp nào chậm chuyển mình sẽ phải trả giá. 

Bên cạnh các đài truyền hình, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang thử sức mình trên môi trường Internet. Có thể kể đến các nhà mạng viễn thông như Viettel, VTC, MobiFone,... những đơn vị làm dịch vụ như FPT Play, ZingTV,... và không thể quên các ông lớn nước ngoài như YouTube hay Netflix.