Ý có đang chơi với lửa khi tham gia Một vành đai, Một con đường?

Mai Anh - 08:00, 28/03/2019

TheLEADERViệc Ý tham gia sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc có thể là cơ hội giúp nước này thúc đẩy kinh tế nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng với cả khu vực châu Âu.

Ý có đang chơi với lửa khi tham gia Một vành đai, Một con đường?
Sự gia nhập của nước Ý có thể là cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên khu vực châu Âu. Ảnh: Getty Images News

Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính phủ Ý đã ký thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI), theo đó nước Ý trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 xuất hiện trong dự án này.

Bên cạnh đó, hai bên cũng ký kết 29 thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD trong hàng loạt các lĩnh vực. Ý hy vọng việc tham gia dự án của Trung Quốc sẽ tạo đà thúc đẩy nền kinh tế trì trệ nhưng bước chân này có lẽ sẽ kéo theo nhiều vấn đề hơn là cái nhíu mày của châu Âu và Mỹ.

Thỏa thuận Ý - Trung diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu phối hợp để tiến tới siêu cường.

Việc Ý quyết định trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của châu Âu tham gia vào sáng kiến BRI được CNBC đánh giá làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa quốc gia này với láng giềng.

Trước đó, Ý đã căng thẳng với Brussels về vấn đề nhập cư cũng như kế hoạch chi tiêu và thỏa thuận với Trung Quốc có thể sẽ là một nguồn căng thẳng mới.

Nhà phân tích châu Âu cấp cao tại Eurasia Group nhấn mạnh: "Rõ ràng thỏa thuận lần này làm suy yếu châu Âu và khả năng chống lại Trung Quốc của phương Tây. Đây sẽ là nguồn căng thẳng mới giữa Ý và châu Âu và cuối cùng, gây bất lợi cho nước Ý", CNBC dẫn lời.

Theo Financial Times, tình hình kinh tế, chính trị có lẽ là nguyên nhân khiến nước Ý đi ngược lại quan điểm chung của G7 cũng như châu Âu.

Quốc gia này có lẽ đang kỳ vọng vào những nguồn vốn mới trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Đầu tư cơ sở hạ tầng của Ý ở mức 40%, dưới mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính và một nửa các thành phố tại đây đều cho thấy sự chênh lệch giữa các khoản đầu tư trong 5 năm, trong đó chênh lệch lớn nhất là giao thông đô thị.

Gánh trên vai những khoản nợ lớn, Ý hy vọng “cứu cánh” nền kinh tế bằng việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

BRI được xem là Con đường tơ lụa của thế kỷ XXI với tuyến đường biển, đường bộ kéo dài từ châu Á tới Trung Đông, châu Phi và giờ đã đến châu Âu với cửa ngõ là Ý.

Bước đi mới nhất của Ý được không ít người xem là động thái làm suy yếu khả năng của châu Âu trong cuộc cạnh tranh sức mạnh kinh tế với Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc xem BRI là cách để xuất khẩu thêm hàng hóa tới các thị trường thì không ít nhà phê bình xem sáng kiến này là một dự án làm tăng tình trạng nợ nần tại các quốc gia tham gia. Họ cũng cho rằng BRI tạo ra cơ hội cho Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường và nền kinh tế khác trong khi khép kín cửa thị trường nội địa.

Trọng tâm của những lo ngại chính là sự lan rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc lên các khu vực.

Cả Ý và Trung Quốc đều cố gắng kéo những mối lo ngại đi xuống, cho rằng thỏa thuận lần này không có gì đáng lo lắng. Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pháp nhấn mạnh rằng mối quan hệ hợp tác lớn hơn sự cạnh tranh giữa châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác của EU như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất muốn khối này có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh và nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ thương mại có đi có lại.

Tuần trước, Tổng thống Macron đã tuyên bố chấm dứt “thời kỳ ngây thơ của châu Âu” với Trung Quốc, đồng thời tìm cách tăng cường luật lệ nhằm bảo vệ các ngành kinh tế chiến lược của châu Âu.

Theo The New York Times, những người phản đối cam kết Trung Quốc – Ý trong chính quyền Trump và Liên minh châu Âu lo ngại nước Ý đang trở thành “Con ngựa thành Troia” (một con ngựa gỗ giả chứa đầy quân lính giúp Hy Lạp đánh thắng quân địch), cho phép Trung Quốc vươn tới châu Âu về kinh tế, thậm chí có thể cả về chính trị và quân sự.