Chủ tịch Thế Giới Di Động "bật mí" cách quản lý 1.800 cửa hàng bằng văn hoá doanh nghiệp

Thu Phương - 11:21, 08/12/2017

TheLEADERTheo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, văn hoá doanh nghiệp suy cho cùng là chuỗi giá trị mà doanh nghiệp lựa chọn, doanh nghiệp có thể chọn vì khách hàng hoặc bằng mọi giá để đạt được lợi nhuận.

Chủ tịch Thế Giới Di Động "bật mí" cách quản lý 1.800 cửa hàng bằng văn hoá doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động

Đỉnh cao của nghệ thuật quản lý

Tại hội thảo “Văn hoá doanh nghiệp – Nền tảng hay lực cản” do JCI Hà Nội tổ chức ngày 7/12, chia sẻ về văn hoá doanh nghiệp giúp Thế giới di động phát triển như hiện nay, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng, văn hoá doanh nghiệp phải là sự tự điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, không cần đến các chế tài. Đó mới là đỉnh cao của sự quản lý. 

Trong một doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh, mọi người sẽ có khuynh hướng hành xử đúng chuẩn mà không cần sự giám sát của các lãnh đạo doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp phải cần đến quá nhiều các chế tài để giám sát nhân viên thì đó chỉ là văn hoá "ảo", không thực sự tồn tại. Nó sẽ nhanh chóng mất đi khi không có sự quản lý của người đứng đầu.

Vị chủ tịch chuỗi 1.800 cửa hàng thiết bị điện tử viễn thông cho rằng, trong văn hoá doanh nghiệp, không có chuyện đúng sai, tốt xấu mà là sự lựa chọn các chuỗi giá trị của người lãnh đạo tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp. Văn hoá của doanh nghiệp thường xuất phát từ những người sáng lập hoặc những người có tầm ảnh hưởng nhất.

Ông Tài nêu ví dụ như việc xử lý một tivi model cũ đang tồn kho, nếu Thế Giới Di Động tìm cách giảm giá, tạo khuyến mãi để khách hàng dù thấy model cũ nhưng đáng để mua thì ở Trần Anh trước sáp nhập với Thế Giới Di Động, lại tìm cách tăng mức thưởng cho nhân viên khi bán được.

Khi đó, một tivi khi nhân viên bán được sẽ được thưởng từ 50 nghìn tăng lên 1 triệu đồng, thay cho 3 triệu đồng tiền giảm giá vào chính sản phẩm. Vì thế nhân viên sẵn sàng nói ngang nói ngửa để bán được hàng. 

Đây chính là sự khác biệt của chuỗi giá trị mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn. Có những doanh nghiệp lựa chọn làm thế nào để tạo được niềm tin của khách hàng nhưng cũng có những doanh nghiệp bằng mọi giá để đạt được lợi nhuận. 

"Văn hoá doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp lựa chọn đúng hệ giá trị sẽ phát triển. Ngược lại, chọn sai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Tài cho biết.

6 giá trị cốt lõi của Thế Giới Di Động

Với một hệ thống với hơn 1.800 cửa hàng như Thế Giới Di Động, câu chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều, nếu không có giá trị văn hoá doanh nghiệp phù hợp, hệ thống bán lẻ lớn này sẽ khó tồn tại và phát triển được.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cũng chia sẻ về 6 giá trị ông mong muốn ở nhân viên. Đây cũng được xem là các yếu tố cốt lõi để công ty thành công.

Thứ nhất là tận tâm với khách hàng – những người mang lại doanh thu, lợi nhuận, công ăn việc làm cho công ty. “Tôi không cần nhân viên tận tâm với tôi nhưng họ cần tận tâm với khách hàng, đặt khách hàng lên cao nhất. Vì khách hàng, nhân viên có quyền bỏ qua một số quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo cho khách hàng được phục vụ tốt nhất", ông Tài nhấn mạnh.

Thứ hai là trung thực vì không có giá trị này hệ thống bán lẻ không thể tồn tại được. Từng có cửa hàng phải đóng cửa 1 tháng, sa thải toàn bộ 25 nhân viên sau khi phát hiện những người này thông đồng với nhau, tuồn hàng bên ngoài vào bán.

Thứ ba là nói gì làm nấy, phải giữ chữ tín, điều này đặc biệt đúng khi công ty ngày càng phát triển lên.

Thứ tư là nhận trách nhiệm. Giá trị này, theo ông Tài là sẽ giúp loại bỏ những giải thích kiểu “hôm nay trời mưa không bán được hàng”. Thay vì tìm cách bao biện cho vấn đề, nhân viên sẽ hành động để tạo kết quả mới.

Thứ năm là yêu thương hỗ trợ đồng đội, ở môi trường bán lẻ, nếu từng nhân viên không có được niềm vui họ sẽ không thể nào hỗ trợ khách hàng tốt được. Chúng tôi cần tất cả mọi người cùng chung tay cố gắng vì doanh nghiệp chứ không cần chỉ một ngôi sao sáng chia rẽ sự đoàn kết của nhân viên, ông Tài cho biết.

Thứ sáu là máu lửa trong công việc. Bởi lẽ bán lẻ là ngành năng động, khách hàng thay đổi và đi lên không ngừng, do vậy, nếu công ty chậm chạp thì sẽ không thể thành công được.

'Hoà tan' sự khác biệt về văn hoá doanh nghiệp

Trước câu hỏi với một doanh nghiệp nhỏ mới xây dựng, nên xây dựng văn hoá doanh nghiệp, hệ thống hay con người nên chọn cái nào để có thể phát triển, ông Tài cho biết, đối với một doanh nghiệp mới thành lập, trong 5 năm đầu nên làm sao để sống đã. Cần tập trung vào khách hàng, làm thế nào cho khách hàng quay lại nhiều hơn để phát triển ổn định.

Tuy nhiên, nên đầu tư vào văn hoá doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Đôi khi doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi, thay vì đầu tư vào lợi nhuận thì tập trung cho văn hoá doanh nghiệp, nhưng đó mới là giá trị cốt lõi, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp sau này.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tài, văn hoá không phải là môt cái gì đó đắt đỏ để xây dựng nhưng phải mất nhiều công sức và cần những chiến lược cụ thể.

Đơn cử như việc Hệ thống điện máy Trần Anh sáp nhập với Thế Giới Di Động, sự khác biệt về văn hoá, chất lượng dịch vụ đã khiến Thế giới di động phải đặt mục tiêu làm thế nào để "tẩy não" cho nhân viên cũ của Trần Anh và đồng nhất họ với hệ thống của Thế Giới Di Động.

Với gần 40 cửa hàng, hàng trăm nhân viên với thói quen bám rễ, ông Tài nhận thấy rất khó để “tẩy não” trong thời gian ngắn. Và ông chọn giải pháp là giữ lại 100% nhân viên ở khối siêu thị nhưng không giữ lại đội ngũ quản lý và “cắt nát” toàn bộ số lượng nhân viên đó ra, đưa từng nhóm người nhỏ của Trần Anh về Thế Giới Di Động theo tỷ lệ 80% nhân viên của Thế Giới Di Động, 20% nhân viên của Trần Anh.

“Trong một tập thể đông đảo người của Thế Giới Di Động, 1, 2 người của Trần Anh hoặc đón nhận văn hoá, hội nhập, hoặc là rớt, tự đào thải. Đấy cũng là cách nhanh nhất tạm gọi là “hoà tan các văn hoá”, ông Tài cho biết.