Sử dụng xe điện – xu hướng không thể đảo ngược

Nhật Minh - 08:00, 13/01/2022

TheLEADERNghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng xe điện sẽ trở thành phương tiện giao thông được lựa chọn nhiều trong vài năm tới, và chuyển đổi sang xe điện là xu hướng hiển nhiên.

Kết quả nghiên cứu mới đây đã ghi nhận sự thay đổi sâu sắc trong sở thích của người tiêu dùng, với 2/3 số người được hỏi cho biết họ đang sở hữu, hoặc nghĩ đến việc mua một chiếc xe điện.

Điều này dự báo nhu cầu về xe điện chạy bằng pin (BEV) sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới do giá pin giảm.

Tổ chức Platform for Electromobility và công ty tư vấn năng lượng Element Energy đã đồng thực hiện nghiên cứu, tiến hành khảo sát định lượng lớn nhất về khách hàng mua ô tô, điều tra mức độ sử dụng xe điện ở châu Âu tại bảy quốc gia. Những quốc gia này chiếm tới 80% số lượng người đăng ký ô tô mới ở châu Âu.

Sử dụng xe điện – xu hướng không thể đảo ngược
Giá pin giảm sẽ giúp nhu cầu xe điện gia tăng đáng kể trong thập kỷ tới.

Nhu cầu tổng thể của người tiêu dùng đối với xe BEV ước tính chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu vào năm 2020. Mặc dù mức độ tiếp nhận khác nhau giữa các quốc gia, dự báo nhu cầu xe điện sẽ dần lớn hơn bất kỳ hệ thống phương tiện giao thông nào khác vào năm 2025.

Nếu giá bán của BEV tương đương với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (ICE) vào năm 2028, gần như tất cả người tiêu dùng sẽ chọn BEV vào năm 2035.

Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng sẽ không lựa chọn ô tô chạy bằng nhiên liệu hoá thạch tổng hợp (e-fuel), mà chuyển sang sử dụng xe điện do chi phí vận hành của ô tô truyền thống cao hơn.

Dù vậy, nếu việc triển khai các trạm sạc công cộng không bắt kịp tốc độ phát triển, quá trình chuyển đổi sang xe điện có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

“Hiện tại xe điện chỉ chiếm một phần nhỏ trong số lượt mua mới, nhưng người tiêu dùng đã sẵn sàng! Sự chuyển đổi sang xe điện đang diễn ra nhanh hơn dự kiến ​​của các ngành công nghiệp và các nhà lập pháp”.

“Họ đều cần phải đáp ứng một cách thích hợp nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Nhiệm vụ chung của chúng ta là đảm bảo tất cả mọi người ở châu Âu, dù họ sống ở đâu, đều có thể chuyển sang xe điện sớm nhất nếu họ muốn”, Amélie Pans, tân chủ tịch của Platform for Electromobility, cho biết.

Việt Nam – thị trường xe điện đầy tiềm năng

Tại Việt Nam, xe điện đang nổi lên đáng chú ý, giống như xu hướng chung của toàn cầu trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng nghiêm trọng.

Đơn cử, Na Uy đã quyết định cấm bán ô tô ICE vào năm 2025, trong khi chính phủ Anh gần đây thông báo chính thức động thái tượng tự kể từ sau năm 2030.

Mặc dù xe điện không hoàn toàn không có phát thải, mức tổng phát thải thấp hơn nhiều xe với các loại xe chạy nguyên liệu truyền thống.

Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) trong Nghiên cứu phát triển phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) tại Việt Nam đánh giá: “Trên thực tế, PTGTĐ có tiềm năng rõ ràng là giảm lượng khí thải CO2 xuống gần bằng 0, khi chúng chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió”.

Thị trường xe điện tại Việt Nam hiện chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, với số lượng ở mức khiêm tốn. So với xe điện bốn bánh, xe điện hai bánh, bao gồm xe máy điện và xe đạp điện được sử dụng rộng rãi hơn, và đã có một số nhà sản xuất trong nước.

Theo dữ liệu, doanh số bán PTGTĐ và dòng xe điện hai bánh tại Việt Nam không có sự tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2010 – 2019. Tuy nhiên, với xu hướng tất yếu trong việc sử dụng PTGTĐ cùng với nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển giao thông carbon, thị trường PTGTĐ ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng gần 27 triệu chiếc vào năm 2030, từ con số ước tính chỉ khoảng 3,2 triệu chiếc năm 2019, theo Marketsandmarkets. 

Sử dụng xe điện – xu hướng không thể đảo ngược 1
Doanh số xe điện hai bánh và dòng xe điện hai bánh của Việt Nam so với các nước khác trong giai đoạn 2010-2019.

Phân tích từ GIZ cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho phát triển PTGTĐ trong những năm tới, khi tỷ trọng xe điện của Việt Nam luôn cao hơn các quốc gia Đông Nam Á khác, và chỉ thấp hơn 10 – 30% so với toàn cầu.

Dù vậy, mạng lưới hạn chế trạm sạc cũng như sự vắng bóng của các doanh nghiệp cung ứng hạ tầng trạm sạc sẽ gia tăng thách thức lên quá trình phát triển xe điện tại Việt Nam.

“Việc chính quyền trung ương và địa phương thiếu các ưu đãi liên quan đến phát triển hạ tầng trạm sạc có thể sẽ không khuyến khích các công ty phát triển hạ tầng trạm sạc, ngoại trừ VinFast – công ty đang tận dụng hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart + trải rộng khắp các thành phố lớn”, GIZ phân tích.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cho thấy ít cơ hội trong lĩnh vực sản xuất PTGTĐ, hoặc cung ứng các thiết bị gốc phục vụ cho PTGTĐ, trong bối cảnh chuyên môn và năng lực trong lĩnh vực này còn quá hạn chế.

Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, phụ tải điện trong dài hạn vẫn ở mức cao, tăng trưởng phụ tải đỉnh trên toàn quốc bình quân trong 10 năm qua là 10,7%/năm.

“Khi thị trường xe điện phát triển ngày càng mạnh mẽ, các yêu cầu về số lượng và công suất các trạm sạc điện sẽ tăng mạnh. Do đó, trong lộ trình nghiên cứu và phát triển xe điện, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ điện cho xe điện và các kế hoạch mở rộng phát triển hệ thống điện Việt Nam, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, GIZ khuyến nghị.