Từ câu chuyện của Vietjet Air và U23 Việt Nam đến vai trò của các Think Tanks

An Chi - 10:19, 03/02/2018

TheLEADERTS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Vietjet Air đang có dấu hiệu bắt đầu thao túng chính sách khi tìm mọi cách dùng chuyên cơ đưa các cầu thủ U23 Việt Nam về nước thay vì đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines.

Từ câu chuyện của Vietjet Air và U23 Việt Nam đến vai trò của các Think Tanks
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách

Think Tanks giúp hài hòa lợi ích toàn xã hội

Trong xã hội hiện đại, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và chính sách (Think Tanks) ngày càng có vai trò quan trọng; đặc biệt là các Think Tanks ngoài nhà nước, thuần túy hoạt động trên cơ sở nhu cầu của xã hội. 

Think Tanks là một đầu mối tri thức và thông tin đặc biệt kết nối các nhóm xã hội và khối doanh nghiệp với công chúng và các nhà hoạch định chính sách. Từ đó đề xuất các ý tưởng chính sách mới nhưng khả thi cho nhiều vấn đề kinh tế xã hội quan trọng.

Ở Việt Nam, tuy khái niệm này còn khá mới, nhưng đã bước đầu khẳng định vị thế và có những tác động đáng kể trong xã hội hiện nay.

Tại tọa đàm "Đặc điểm và hướng đi của Think Tanks Việt Nam trong Cải cách và hội nhập 4.0", TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, Think Tanks không phải là tổ chức nghiên cứu thuần tuý mà nó gắn với các chính sách và đời sống, có thể làm thay đổi chính sách của chính phủ và nhận thức của người dân về các vấn đề kinh tế xã hội.

Think Tanks là các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách cho các vấn đề trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, diễn biến kinh tế chính trị khoa học công nghệ và xã hội trên thế giới diễn ra nhanh và phức tạp, ông Thành cho rằng các Think Tanks Việt Nam cũng cần phát triển chuyên nghiệp và toàn diện hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu của xã hội.

Các tổ chức này hoạt động như cầu nối giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách, là tiếng nói độc lập chuyển tải các các kết quả nghiên cứu, mang lại những giá trị và lợi ích thiết thực cho xã hội.

Viện trưởng VEPR cho rằng, nếu xã hội không có các tổ chức này sẽ bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, quyền lực. Một bên là quyền lực của nhà nước, một bên là lợi nhuận đối với doanh nghiệp sẽ làm mất đi tính nhân văn nằm ở giữa. Do đó, các tổ chức Thinks Tanks có mục đích đảm bảo tính trung dung, hài hoà cho lợi ích của toàn xã hội và người dân.

Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Thành cho hay, rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đang thao túng chính sách trong các lĩnh vực hoạt động của mình. 

Điển hình như trên thị trường hàng không. Trước đây thị trường hàng không chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là Vietnam Airlines, chính sách của thị trường hàng không vì thế bị phụ thuộc vào duy nhất doanh nghiệp này. Với nhiều người dân lúc đó, việc được đi máy bay là một ước muốn khá tốn kém.

Chỉ đến khi Vietjet Air tham gia vào thị trường với quyết tâm và nguồn vốn khổng lồ, cục diện thị trường hàng không mới được thay đổi. Hiện Vietjet Air đã chiếm vượt quá 50% thị trường, khiến thị trường bắt đầu có xu hướng cạnh tranh, chính sách của Nhà nước cũng từ đó hướng nhiều đến quyền lợi của đại đa số người tiêu dùng.

"Tuy nhiên, chúng ta lại thấy một nguy cơ khác khi Vietjet Air bắt đầu thao túng chính sách. Một ví dụ nhỏ như vừa qua các cẩu thủ U23 Việt Nam khi về nước đã huỷ vé máy bay của Vietnam Airlines để đi trên chuyến bay của Vietjet Air", ông Thành nói.

Theo ông Thành, đây chỉ là một ví dụ nhỏ để cho thấy là nếu không có một tổ chức xã hội dân sự, hay một nhóm Think Tanks, đứng giữa nghiên cứu và tham vấn chính sách cho Chính phủ không vì lợi nhuận, tiền bạc, lợi ích nhóm thì sẽ rất khó đảm bảo được tính hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

Vấn đề ở đây là cần phải có nguồn lực cho các tổ chức này phát triển. Bên cạnh đó là các vấn đề về thể chế, vận hành sao cho lĩnh vực này được thừa nhận và đóng góp lợi ích cho xã hội, Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh.

Hoạt động còn nhiều khó khăn

Thinks Tanks
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức Think Tanks ngoài nhà nước ở Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động.

Hiện chưa có một khung pháp lý chính thức nào cho các các tổ chức Think Tanks. Điều này đang gây những hạn chế rất lớn cho các tổ chức này hoạt động, đặc biệt là quyền tự do nghiên cứu và tính độc lập trong nghiên cứu.

Các tổ chức này hiện nay vẫn còn rất dè dặt trong việc phản biện chính sách. Họ tự kiểm soát mình trước khi công bố kết quả nghiên cứu từ ngôn ngữ đến lời ăn tiếng nói dẫn đến làm hạn chế rất nhiều năng lực phản biện của họ.

Bên cạnh đó, theo bà Lan, các vấn đề về nguồn lực cho các tổ chức ngiên cứu này cũng rất khó khăn, hạn chế trong huy động nguồn tài trợ. Các tổ chức muốn nhận tài trợ của bên ngoài phải theo quy định xin phép các cơ quan quản lý. Nếu nghiên cứu các vấn đề chính sách thuộc lĩnh vực nhạy cảm thì tất yếu họ cũng không được phép tham gia thực hiện.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là các tổ chức Think Tanks đưa ra rất nhiều phản biện chính sách nhưng các ý kiến đó có được các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu hay không lại là chuyện khác. 

Tại nhiều cuộc hội thảo phản biện chính sách của các cơ quan quản lý đều mời các tổ chức này tham gia góp ý nhưng họ "nói không ai nghe". Điều này đã làm cản trở rất lớn quyết tâm thực hiện, động lực nghiên cứu của các tổ chức này, bà Lan cho hay.

Đồng quan điểm, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) cũng cho rằng, trong khi nhiều viện lớn của bộ ngành nhận ngân sách từ Nhà nước lên tới 50 triệu USD với quy mô 1.000 người thì các tổ chức ThinksTanks lại phải tự nuôi mình, tự sống bằng các sản phẩm của mình. 

Các sản phẩm của họ thường được công chúng chấp nhận khác với các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước thực hiện xong lại đưa vào giá sách.

Trong thòi gian tới, các nguồn lực tài trợ từ bên ngoài đối với các tổ chức này sẽ bị hạn chế rất nhiều, Việt Nam bắt đầu trở thành nước có thu nhập trung bình. Do đó, việc xin nguồn vốn tài trợ cho các tổ chức Think Tanks sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó là vấn đề về nhận sự, rất khó tìm được người có năng lực, đam mê thực sự đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, môi trường xã hội của Việt Nam lại thiếu nhiều điều kiện cần thiết để giữ và phát huy được người tài. Đây là những thách thức rất lớn đối với các tổ chức nghiên cứu chiến lược và chính sách tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Tùng chia sẻ.