15 năm 'lương duyên' giữa VIB và CBA

Trần Anh - 10:52, 16/06/2024

TheLEADERTham gia vào VIB vào năm 2009, mối quan hệ giữa VIB – CBA mang lại thành công vượt trội, giúp VIB thực sự “lột xác” trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ngày 11/6, ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 nhằm thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%, hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Cổ đông đại diện cho hơn 2 tỷ cổ phiếu trên tổng số 2,54 tỷ cổ phiếu đang lưu hành đã bỏ phiếu trong cuộc họp, trong đó có 25,7% (tương đương 538 triệu cổ phiếu) phản đối.

Với kết quả trên, nhiều khả năng đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay của VIB là Commonwealth Bank of Australia (CBA) sẽ thoái vốn khỏi VIB. CBA hiện sở hữu 19,8% cổ phần tại VIB.

Tham gia vào VIB sau thương vụ mua lại cổ phần trị giá khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2009, mối quan hệ giữa VIB – CBA mang lại thành công vượt trội, giúp VIB thực sự “lột xác” trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Sau cái bắt tay chiến lược đó, VIB đã chuyển định hướng trở thành một ngân hàng bán lẻ, với tỷ trọng cho vay cá nhân đứng đầu Việt Nam. Dư nợ cho vay cá nhân của VIB từ mức 32% vào năm 2009 đã tăng lên tới 90% vào năm 2022 và hiện vẫn duy trì ở mức 84%.

Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn thu được từ thương vụ bán cổ phần, CBA đã tiến hành chuyển giao công nghệ ngân hàng, chuyển giao năng lực để tăng cường khả năng hoạt động và kinh doanh của VIB.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông VIB, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ từng chia sẻ, điều quan trọng là CBA đóng góp quy trình, công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng… cho mục đích phục vụ hoạt động bán lẻ. VIB sau đó sẽ nhân rộng mô hình của CBA ra các chi nhánh. Chẳng hạn, ứng dụng ngân hàng MyVIB rất thành công cũng là sản phẩm hợp tác cùng CBA.

Chiến lược cá nhân hóa mang về sự tăng trưởng vượt bậc hiệu quả kinh doanh cho VIB. Nếu năm 2009, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng thì tới năm 2023, con số này là xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động... cũng tăng trưởng gấp nhiều lần.

Các tiêu chuẩn quản trị của VIB cũng được nâng cấp. Năm 2018, VIB được chấp thuận là ngân hàng tư nhân đầu tiên đủ điều kiện áp dụng chuẩn mực Basel II và hoàn thành cả ba trụ cột vào năm 2019. Đến năm 2020, VIB đã bắt đầu triển khai Basel III, đi đầu trong ngành ngân hàng. 

Đến nay, sau 15 năm gia nhập ngân hàng, CBA lại chuẩn bị cho hoạt động thoái vốn khỏi VIB. Trên thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi VIB đã được ngân hàng Úc nhắc tới từ năm 2018. Năm 2019, đối tác ngoại này đã rút khỏi Hội đồng quản trị VIB.

Đây là một phần trong chiến lược trở thành một “ngân hàng gọn nhẹ hơn” của CBA và động thái thoái vốn khỏi các khoản đầu tư được ngân hàng Úc này thực hiện ở quy mô toàn cầu.

Ngoài khoản đầu tư tại VIB, CBA cũng đang góp vốn ở Bank of Hangzhou, Qilu Bank của Trung Quốc và có ngân hàng con PT Bank Commonwealth tại Indonesia. Cuối năm 2023, CBA đã công bố thỏa thuận bán 99% cổ phần tại PT Bank Commonwealth cho OCBC Indonesia với giá khoảng 220 triệu USD.

Với sự ra đi của CBA, câu chuyện về đối tác chiến lược tiếp theo của VIB đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Công ty Chứng khoán Vietcap đánh giá rằng, việc giảm room ngoại xuống 4,99% sẽ cho phép VIB chủ động trong việc lựa chọn đối tác chiến lược tiềm năng và tận dụng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu ngân hàng có kế hoạch huy động vốn trong tương lai.

Sau quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại của VIB, CBA vẫn có thể giữ lại số cổ phần hiện tại là 19,8% tương đương 503 triệu cổ phiếu nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo công ty chứng khoán SSI, điều này đồng nghĩa với việc CBA chỉ có thể bán lại cho các nhà đầu tư trong nước. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá thoái vốn.

“Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, việc tìm kiếm đối tác chiến có thể bị ảnh hưởng sau quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài này”, SSI nhận định.