19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Hứa Phương - 09:47, 01/08/2021

TheLEADERTP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Công điện của Thủ tướng ngày 31/7, yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Đây là yêu cầu áp dụng với các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ hôm 19/7.

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày
19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Các địa phương sau một thời gian giãn cách nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng theo từng khu vực. Với trường hợp nới lỏng khu vực liên tỉnh, địa phương trước khi quyết định phải có thỏa thuận với các tỉnh liên quan và báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.

Các địa phương kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay những biện pháp hỗ trợ về đời sống, y tế để người dân yên tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép.

Lãnh đạo các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự ý ra khỏi địa phương. Với người dân đã đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, chính quyền các nơi phải tổ chức đón, đưa về quê an toàn. Các địa phương xét nghiệm, đưa đón dân bằng xe ca; có thể dùng xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu họ có mang theo xe máy.

Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. Công an các tỉnh, thành tham mưu UBND tỉnh tổ chức đưa đón.

Tổ chức tốt mạng lưới chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 theo các tầng; ưu tiên bệnh nhân nặng, hạn chế người tử vong. Người lao động nghèo, mất thu nhập sẽ được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng diện, đảm bảo an toàn, không để vaccine hết hạn; không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vaccine; lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng diện.

Người vi phạm sẽ bị xử lý. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về phòng chống dịch, trong đó có tiêm vaccine.

Tăng cường huy động cán bộ y tế, nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu, không phân biệt công, tư cùng tham gia chống dịch trên địa bàn. Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Lực lượng y tế các nơi sẵn sàng chi viện cho TP.HCM và các tỉnh có số ca nhiễm lớn ở phía Nam, theo sự điều phối của Bộ Y tế.

Lực lượng y tế và các lực lượng khác trực tiếp chống dịch được đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất. Có kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị y tế.

Bộ Y tế được yêu cầu đẩy nhanh việc sản xuất, cung ứng vaccine, thuốc phục vụ chống dịch theo quy trình rút gọn; đề xuất bổ sung chế độ phù hợp với lực lượng y tế và tuyến đầu chống dịch.

Trước đó ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định giãn cách xã hội đối với 16 tỉnh thành phía Nam gồm TP. Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 19/7.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương đã thực hiện giãn cách trước đó.

Đây là lần thứ ba kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam hàng chục tỉnh, thành đồng thời áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Đợt đầu tiên vào tháng 4/2020, 12 tỉnh thành được đánh giá "nguy cơ cao" gồm Hà Nội, TP. HCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh và Hà Tĩnh.

Đến sáng ngày 1/8, cả nước ghi nhận thêm 4.372 ca nhiễm, trong đó riêng TP.HCM là 2.027 ca, Bình Dương 1.415 ca, Đồng Nai 262 ca… nâng tổng ca nhiễm của cả nước lên 146.198 ca.