2 bài toán khó giải quyết cùng lúc của NHNN

Trần Anh - 14:09, 05/07/2023

TheLEADERNhiệm vụ nới lỏng để nhanh chóng khơi thông tín dụng, đưa vốn đi vào nền kinh tế phải thực hiện song song với một nhiệm vụ thắt chặt khác là kiểm soát, đảm bảo chất lượng tín dụng, "nắn" dòng tiền chảy vào đúng hướng.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.

Theo Thủ tướng, về thực chất, chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; NHNN đã làm nhưng cần làm mạnh hơn nữa. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Thông điệp của Chính phủ là rõ ràng, và nhiệm vụ của NHNN là khơi thông dòng vốn. Cũng tại buổi họp báo Chính phủ, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay. Xu hướng chung tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tiếp theo.

Các ngân hàng thương mại cũng đang thừa thanh khoản tuy nhiên tín dụng vẫn tăng chậm. Đến thời điểm hiện tại, tín dụng mới tăng 4,2%, khá thấp so với mục tiêu 14 – 15% của NHNN. Từ góc độ quản lý, lãnh đạo NHNN nêu ra ba nguyên nhân chính để giải thích cho nghịch lý trên.

Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.

Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp nhỏ đã khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn.

Có thể nói, ngân hàng có tiền nhưng doanh nghiệp lại không đủ điều kiện để vay. Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những khác thường so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh. 

Để thúc đẩy tín dụng quay trở, cùng với đồng loạt các chính sách khác mà Chính phủ đang triển khai, trong thời gian tới NHNN sẽ đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt, tập trung tăng cường hơn nữa để lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, nhiệm vụ của NHNN lại thêm phần khó khăn khi vừa tìm cách tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng.

Trên thực tế, với việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng gần đây, các ngân hàng cũng đều thực hiện các chính sách mạnh tay cắt giảm cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Nhiều nhà băng đã thực hiện giảm đồng loạt 0,5-1% lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1% trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản đảm bảo, bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động kinh doanh sản xuất.

Việc lãi suất cho vay giảm sâu cũng tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn rẻ này có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án, mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế.

Đứng trước rủi ro đó, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư mang ý nghĩa siết chặt nhiều hơn là nới lỏng tín dụng.

Cụ thể, Thông tư 06/2023 được ban hành với 3 nội dung chính: bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay; đốc thúc các NHTM tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua hoặc kinh doanh bất động sản và tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.

Thông tư 06/2023 đề xuất thêm một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó đáng chú ý bao gồm: đảo nợ, để gửi tiền, thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết, thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Có thể thấy, những bổ sung trong thông tư mới phản ánh thông điệp của NHNN: quá trình thúc đẩy tín dụng sẽ diễn ra, nhưng phải được kiểm soát.

Đánh giá hành động của NHNN, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng với việc quy định cho vay thắt chặt thêm, thông tư mới có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn. 

"Tuy nhiên về dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Việc bổ sung thêm các quy định này sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng", nhóm phân tích VNDirect nhận định.