3 mối quan tâm của sếp JICA tại Việt Nam

Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam - 08:41, 15/02/2021

TheLEADERTăng cường hơn nữa hệ thống y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, duy trì mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là ba mối quan tâm hàng đầu của ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam trong dịp đầu xuân năm mới.

3 mối quan tâm của sếp JICA tại Việt Nam
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shimizu Akira. Ảnh: Kiều Giang

Năm 2020 là một năm biến động chưa từng có do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 5/2/2021, thế giới có gần 104 triệu ca nhiễm, hơn 2,26 triệu người tử vong do Covid-19 và dự báo còn tiếp tục gia tăng.

Nhiều hoạt động của người dân bị đình đốn, kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới bị thiệt hại nặng nề, mọi hoạt động xã hội thông thường bị đảo lộn so với trước đây.

Trong tình hình đó, Việt Nam nổi lên là một trong những nước đã sớm kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 bằng những bước đi nhanh và quyết đoán trong năm 2020.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam năm 2020 đạt tỉ lệ tăng trưởng GDP 2,91% so với năm trước đó, duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều quốc gia ASEAN đều tăng trưởng âm.

Trong tương lai, thế giới phải chấp nhận thực tế vừa sống chung với vi rút Corona vừa phải tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế, tôi đặc biệt muốn tập trung vào ba vấn đề chính.

Thứ nhất là việc củng cố và tăng cường hơn nữa hệ thống y tế. Khi Nhật Bản bắt đầu nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, y tế là một trong những lĩnh vực được JICA chú trọng nhất.

Bên cạnh hỗ trợ Việt Nam đầu tư cơ sở vật chất như xây dựng bệnh viện, cung cấp thiết bị... tại các bệnh viện trung ương lớn như bệnh viện Bạch Mai ở phía Bắc, bệnh viện Chợ Rẫy ở phía Nam, bệnh viện Trung ương Huế ở miền Trung, JICA cũng coi trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện và tăng cường hệ thống đào tạo nhân viên y tế. 

Ngoài ra, JICA cũng đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp - SARS xâm nhập vào Việt Nam năm 2003, Việt Nam chưa có đủ cơ sở vật chất để xét nghiệm SARS mà phải tiến hành phân tích bệnh phẩm ở nước ngoài khiến công tác phát hiện lây nhiễm ban đầu bị chậm.

Từ kinh nghiệm đó, Nhật Bản đã tiến hành các dự án hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ vận hành, trang bị cơ sở vật chất giúp Việt Nam có thể phân tích mẫu bệnh phẩm ngay trong nước.

Có thể thấy việc Việt Nam kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 lần này là kết quả minh chứng cho thành quả của những dự án hợp tác đó.

Điều thứ hai là việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy các dự án đầu tư công và coi đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế phát triển.

Cho đến nay, viện trợ ODA của Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như: hệ thống đường bộ với tổng chiều dài khoảng 3.000km; năm cảng quốc tế như Cái Mép, Thị Vải, Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhiều nhà máy điện cung cấp tổng cộng 10% sản lượng điện quốc gia; hệ thống cấp thoát nước; hệ thống đường sắt...

Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện mang lại cuộc sống thuận tiện hơn cho người dân. 

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng cần chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống cung cấp điện cho các khu công nghiệp, phát triển mạng lưới logistics và mạng lưới phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu... để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Cho đến nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện xu hướng đầu tư dịch chuyển về các thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố, các địa phương quy mô vừa và nhỏ. 

Đặc biệt, khi Việt Nam chủ trương đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội tại các tỉnh và địa phương từ nay càng trở thành vấn đề quan trọng.

Một điều quan trọng nữa cần đề cập là Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Nếu không có một mối quan hệ tin cậy, hai nước không thể phát triển hợp tác trong tương lai.

Trước tình hình Covid-19, chúng ta khó có thể lường trước được điều sẽ xảy ra. Vì vậy, cần thiết phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia với nhau. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng cần phải duy trì như vậy.

Để duy trì mối quan hệ này, ở nhiều cấp độ khác nhau, mọi người cần có sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn bao giờ hết trên nhiều phương diện như du học, đào tạo, hợp tác với chính quyền địa phương và khu vực tư nhân...

Cho đến nay, viện trợ ODA được triển khai trên tinh thần đôi bên cùng có lợi giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong năm nay Nhật Bản sẽ nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam. 

Ông Shimizu Akira từng công tác tại Văn phòng JICA Việt Nam ở Hà Nội 10 năm về trước, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 2/2014. Đến tháng 3/2020, ông tới Hà Nội và nhận nhiệm vụ với với tư cách Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam.

Mười năm trước khi mới đặt chân đến Việt Nam, ông đã ngỡ ngàng trước dòng người tấp nập ngược xuôi trong tiếng còi xe ồn ã. Cùng với đó, ông cũng cảm nhận được năng lượng tích cực của con người Việt Nam ở khắp nơi, như hứa hẹn rằng: "Ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai chắc chắn sẽ tốt hơn ngày hôm nay"!

Và quả đúng như cảm nhận của ông Shimizu Akira, kinh tế, xã hội và nhiều phương diện khác của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong thời gian qua.

Đáng chú ý, đến Việt Nam lần thứ hai cũng vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông đã khám phá ra một điều vô cùng mới mẻ về Việt Nam từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh và ông nhận thấy người dân Việt Nam luôn giữ bình tĩnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ông Shimizu Akira cho biết vẫn luôn tự hỏi người Việt Nam đối phó thế nào với mối đe dọa mới này, tại sao họ lại có được sự bình tĩnh như vậy. Cũng từ đó,  đã cảm nhận được sức mạnh tiềm tàng to lớn của con người nơi đây.