5 bài học từ đợt sa thải hơn 200.000 nhân viên của các Big Tech

Hường Hoàng - 09:06, 29/05/2023

TheLEADERTrong thời gian vừa qua, trên khắp thế giới, các Big Tech (những công ty lớn nhất và thống trị thị trường nhất trong ngành công nghệ thông tin của Hoa Kỳ) đang thực hiện những đợt sa thải trên quy mô lớn. Tính đến cuối tháng năm, số lượng nhân viên công nghệ mất việc làm trên toàn thế giới đã lên đến con số 200.000 người.

5 bài học từ đợt sa thải hơn 200.000 nhân viên của các Big Tech
Bộ phận công đoàn của Amazon phản đối quyết định cắt giảm nhân sự của công ty (Ảnh: Al Seib / Los Angeles Times)

Khi đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới, mọi người bắt đầu làm việc và giao tiếp trực tuyến nhiều hơn. Đó cũng là thời điểm Thung lũng Silicon ráo riết tuyển dụng các nhân sự công nghệ.

Một số công ty công nghệ lớn, như Amazon và công ty mẹ của Facebook là Meta, đã tuyển dụng nhân sự gấp đôi để bắt kịp với nhu cầu mới.

Nhưng giờ đây, sự phấn khích đó đã bắt đầu phai nhạt. Ngành công nghiệp đang phải đối mặt với một trong những lần thu hẹp tồi tệ nhất trong lịch sử khi Meta, Google, Microsoft và Amazon đều thông báo sa thải hàng loạt nhân viên trong khoảng thời gian vài tháng. Theo trang layoffs.fyi, từ đầu năm đến nay đã có gần 200.000 nhân viên công nghệ mất việc làm trên khắp thế giới.

Quy mô sa thải mang tính lịch sử đối với ngành công nghệ

Thung lũng Silicon đã từng trải qua những đợt suy thoái lớn trước đây, chẳng hạn như sự sụp đổ của bong bóng dot-com (bong bóng kinh tế xảy ra trên thị trường cổ phiếu khi những cổ phiếu của các công ty công nghệ cao, nhất là các công ty mạng, được đầu cơ) vào đầu những năm 2000 hay sự sụp đổ kinh tế của cuộc Đại suy thoái. Nhưng từ trước đến nay, công nghệ là một ngành có khả năng phục hồi, vượt qua hầu hết các thách thức kinh tế nhờ vào quy mô và tính phổ biến của nó.

Bà Margaret O'Mara, một nhà sử học hiện đại của Hoa Kỳ tại Đại học Washington, cho biết: "Trong khoảng một thập kỷ mở rộng quy mô phi thường của toàn ngành, công nghệ luôn là một ngành có xu hướng phát triển, kể từ các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất vi mạch ở Thung lũng Silicon hơn 50 năm trước."

5 bài học từ đợt sa thải hơn 200.000 nhân viên của các Big Tech
Cùng với nhau, Google, Meta, Amazon và Microsoft đã sa thải tất cả 51.000 nhân sự trong 4 tháng đầu năm nay (Ảnh: CBC)

Mặc dù tỷ lệ sa thải của Big Tech trong thời gian vừa qua tương đối nhỏ, nhưng chúng vẫn mang tính lịch sử: tổng cộng, công ty mẹ của Facebook là Meta, Amazon, Microsoft và Google đã sa thải ít nhất 51.000 việc trong 4 tháng đầu năm 2023.

Bà Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ tiêu dùng của công ty nghiên cứu Creative Strategies, cho biết: "Các nhà phân tích đã nói rằng sự tăng trưởng của Thung lũng Silicon không thể kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm hiện nay đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên".

Việc cắt giảm nhân sự đã diễn ra sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Trong thời kỳ đại dịch, khi những công ty như Amazon và Meta tăng gấp đôi số lượng nhân viên thì các công ty công nghệ lớn khác tăng quy mô với mức độ thấp hơn: Microsoft và Google đã tăng số lượng nhân viên của họ lên hơn 50% trong thời gian này.

Cùng thời kỳ, Apple tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với các đối thủ khổng lồ công nghệ của mình, đồng thời tuyển dụng thêm khoảng 20% lực lượng lao động. Cho đến thời điểm hiện tại, Apple là công ty Big Tech sa thải ít nhất với chỉ khoảng vài trăm nhân viên.

Các Big Tech vẫn chưa thực sự vướng vào rắc rối

Mặc dù đang cắt giảm nhân sự với quy mô lớn, những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon vẫn tiếp tục là những công ty có giá trị nhất thế giới với lượng tiền mặt và lợi nhuận đáng kinh ngạc.

Lấy Microsoft làm ví dụ. Hãng đã cố gắng mua nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard vào năm ngoái với mức giá 69 tỷ USD tiền mặt. Trong quý 4/2022, hãng đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ: hơn 16 tỷ USD.

Không một công ty nào trong số này đang trên bờ vực phá sản, nhưng tôi nghĩ rằng họ đang làm những gì có thể để chuẩn bị cho những điều có thể xảy ra - khách hàng có thể sẽ giảm chi tiêu.
Ông Milanesi
Nhà phân tích công nghệ tiêu dùng của công ty nghiên cứu Creative Strategies

Cùng thời điểm, Meta cho biết lợi nhuận của họ đã giảm mạnh (52%) so với một năm trước đó, nhưng con số đó vẫn lên tới 4,4 tỷ USD. Trong khi đó, Amazon cũng chỉ ra sự sụt giảm lợi nhuận trong quý gần đây nhất, tuy nhiên điều đó có nghĩa là hãng vẫn thu về gần 3 tỷ USD.

"Không một công ty nào trong số này đang trên bờ vực phá sản, nhưng tôi nghĩ rằng họ đang làm những gì có thể để chuẩn bị cho những điều có thể xảy ra - khách hàng có thể sẽ giảm chi tiêu," bà Milanesi nhận định.

Trong khi đó, ông Sam Abuelsamid, nhà phân tích tại công ty tư vấn quản lý Guidehouse Insights, cho biết, việc thắt lưng buộc bụng cũng là một cách các Big Tech gửi thông điệp tới các cổ đông khi giá cổ phiếu của những công ty công nghệ này đang lao dốc.

"Điều họ muốn nói là, 'Chúng tôi đang thận trọng. Chúng tôi muốn quay trở lại con đường tăng trưởng. Chúng tôi không muốn tiếp tục tiêu tiền một cách không cần thiết'", ông Abuelsamid cho biết.

Lo ngại lạm phát cao, giảm chi tiêu công ty và suy thoái kinh tế

Meta là công ty đầu tiên thông báo sa thải hàng loạt nhân viên. CEO của công ty, Mark Zuckerberg trích dẫn việc tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch, những lo ngại về lạm phát cao và suy thoái kinh tế, để giải thích cho việc sa thải hàng ngàn nhân viên.

"Không chỉ hoạt động thương mại trực tuyến quay trở lại xu hướng như thời kỳ trước đại dịch, mà điều kiện suy thoái kinh tế vĩ mô, cạnh tranh gia tăng và doanh thu quảng cáo giảm đã khiến doanh thu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với mong đợi", Zuckerberg viết vào thời điểm đó. "Tôi đã sai, và tôi sẽ chịu trách nhiệm về điều đó."

Mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát của Hoa Kỳ đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức tương đối cao. Đồng thời, nhiều nhà kinh tế dự đoán Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái trong năm nay - năm 2023.

Điều đó khiến các giám đốc điều hành của Big Tech lo lắng rằng, khách hàng của họ sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Và họ phải tìm cách để đón đầu những xu hướng đó.

Công nghệ là động lực chính của nền kinh tế và thị trường chứng khoán

Theo Hiệp hội công nghiệp công nghệ điện toán, tại Hoa Kỳ, gần 9 triệu người làm trong lĩnh vực công nghệ đã đóng góp tổng cộng 1,8 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế nước này.

Thêm vào đó, những biến động trên toàn thị trường chứng khoán phụ thuộc vào hoạt động của các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là Nasdaq, nơi các công ty công nghệ chiếm một nửa chỉ số.

Điều đó có nghĩa là khi các Big Tech thất bại, nền kinh tế địa phương và các khoản đầu tư của người dân, bao gồm cả những khoản nghỉ hưu, có thể gặp nguy hiểm.

Nhiều ngành công nghiệp khác coi công nghệ là một yếu tố quan trọng để đưa ra các quyết định về chi tiêu, tuyển dụng và các quyết định khác, vì quy mô khổng lồ của những doanh nghiệp Big Tech có thể giúp các doanh nghiệp này nhanh chóng hấp thụ hầu hết các cú sốc của nền kinh tế.

Nhà phân tích Abuelsamid nói: “Tôi không chắc rằng những điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế chính thống. Nhìn chung chúng ta vẫn đang phải chịu tình trạng thiếu lao động trong toàn bộ nền kinh tế."

Các nhân viên công nghệ bị sa thải vẫn có triển vọng việc làm khá tốt

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy những nhân viên công nghệ bị sa thải đang nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Theo một khảo sát của ZipRecruiter vào tháng 11/2022, 8 trong số 10 nhân viên công nghệ bị mất việc có thể kí được một hợp đồng lao động khác trong vòng ba tháng kể từ khi họ bắt đầu tìm việc.

8 trong số 10 nhân viên công nghệ bị mất việc có thể kí được một hợp đồng lao động khác trong vòng ba tháng kể từ khi họ bắt đầu tìm việc.

Theo cuộc khảo sát, một số nhân viên công nghệ thậm chí còn may mắn hơn: gần 40% trong số họ tìm được công việc công nghệ mới trong vòng một tháng sau khi bị sa thải.

Bà Milanesi, công tác tại công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies cho biết, nhu cầu của thị trường đối với nhân sự công nghệ không chỉ giới hạn ở những công ty công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp truyền thống, vì vậy những nhân sự bị sa thải đã sớm có những cơ hội công việc mới.

"Mọi công ty hiện nay đều là công ty công nghệ," bà Milanesi cho biết. "Và các lập trình viên, kỹ sư, chuyên gia AI và chuyên gia dữ liệu có thể tìm được chỗ đứng trong rất nhiều ngành khác."