5 vấn đề nóng trên thị trường cho vay tiêu dùng

Quang Vinh - 11:11, 30/10/2017

TheLEADERGhi nhận từ hội nghị về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam2017 do StoxPlus tổ chức với sự hỗ trợ từ Nikkei, Quick và IFC hôm 19/10.

Xu hướng và tiềm năng thị trường: Các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam với kỳ vọng về mức tăng trưởng 20 – 25% / năm.

Động lực đến từ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ với nhu cầu cho chi trả nhà ở và mua sắm sản phẩm gia dụng.

Bên cạnh đó, thị trường phương tiện đi lại cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng khi thuế suất đối với phương tiện nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm về 0%, việc sở hữu ô tô trở nên khả thi và dễ dàng.

Ở khu vực nông thôn, tài chính tiêu dùng chưa phổ biến. Cùng với đó là tiềm năng phát triển theo hướng số hóa và sự tham gia của các công ty Fintech bên cạnh cách tiếp cận và kênh phân phối truyền thống qua các điểm bán hàng.

Xu hướng phát triển sản phẩm: Khi mô hình truyền thống đang có những bước chững lại thì xu hướng số hóa là lời giải cho tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Cụ thể, mô hình mới sẽ được áp dụng cho kênh phân phối (từ điểm bán hàng tới công ty tài chính) và các hoạt động bảo lãnh (underwriting) sử dụng dữ liệu thay thế. Chuyên gia trong ngành nhận định trong 10 năm tới, số hóa sẽ trở thành xu hướng chủ yếu của thị trường.

Bên cạnh đó, Fintech ngày càng chiếm vài trò quan trọng và hỗ trợ tích cực dưới nhiều hình thức. Hệ thống bù trừ điện tử đang được xây dựng để Fintech có thể kết nối và mở rộng mạng lưới với ngân hàng. Thẻ chip đang trong qua trình thử nghiệm và gần đây, NHNN đã cho phép Samsung Pay áp dụng số hoá thẻ.

Ví điện tử là một chủ đề nóng hổi trong thời gian gần đây, mặc dù mô hình này vẫn chưa thực sự được phát triển một cách bài bản tại Việt Nam.

Chính vì vậy, việc có nên kết nối ví điện tử và tài khoản ngân hàng hay việc các công ty Fintech quản lý dòng tiền ra – vào và làm thế nào cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn là các câu hỏi bên cạnh công nghệ Blockchain và tiền điện tử.

Định hướng chính sách: NHNN đang cân nhắc và lập kế hoạch xây dựng khung chính sách cho sản phẩm mới như Fintech và cho vay P2P. Các sản phẩm này có tiềm năng phát triển lớn nhưng chưa thể xác định cụ thể rủi ro kèm theo, dẫn đến sự cần thiết của chính sách đảm bảo sự phát triển an toàn của thị trường.

Nhìn từ trường hợp của Trung Quốc khi nước này cho phép cho cho vay P2P phát triển tự do, không có khung giám sát và quản lý, các tổ chức P2P có thể huy động với lãi suất 12 – 13%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất huy động của ngân hàng. Đó là hình thức cầm tiền của nhà đầu tư mới để trả cho nhà đầu tư cũ. Nó mang đến đến rủi ro cực lớn đối với mô hình cho vay và quyền lợi nhà đầu tư.

Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu chuyển tiền đều phải qua ngân hàng trung gian để đảm bảo sự minh bạch của hoạt động tín dụng và điều tiết thị trường hiệu quả.

Hệ thống thông tin khách hàng dành cho bộ phận người dân không có tài khoản ngân hàng là chủ đề tiếp theo được thảo luận. Các diễn giả đều cho rằng một cơ sở dữ liệu đầy đủ sẽ mang lại sự phát triển bền vững và góp phần làm giảm lãi suất cho vay.

Cơ sở dữ liệu của CIC, phần lớn là thông tin cá nhân, bao gồm thông tin các khách hàng đã, đang và sẽ sử dụng dịch vụ TCTD.

Tính đến thời điểm 30/9/2017, CIC đã có dữ liệu của hơn 32 triệu khách hàng cá nhận và gần 800,000 khách hàng tổ chức. Như vậy, CIC có dữ liệu về khoảng 35% số lượng khách hàng cá nhân trong nước và 60% dân số trong độ tuổi lao động.

Để hỗ trợ quá trình phê duyệt hồ sơ, CIC cung cấp thông tin về các cá nhân có lịch sử nợ quá hạn đến các công ty tài chính và ngân hàng để yêu cầu khách hàng đó ở các ngân hàng khác cũng phải kéo dư nợ đó lên theo đúng nợ quá hạn đó.

Có thể thấy các công ty sử dụng hiệu quả sản phẩm của CIC có tỉ lệ nợ xấu (NPL) thấp, đơn cử như Home Credit chỉ trả 24,900 đồng trên một khách hàng và có tỉ lệ NPL ở mức trung bình toàn ngành chỉ 2.5% trong khi đối thủ của họ có tỉ lệ NPL cao hơn. Tuy nhiên, vẫn cần các công ty cung cấp thông tin chất lượng hơn.

Trần lãi suất cho vay: NHNN tuyên bố rằng lãi suất cho vay sẽ dựa trên thị trường. Trong trường hợp lãi suất quá cao sẽ dẫn đến việc chỉ những người không còn nguồn nào khác mới ký hợp đồng cho vay tín dụng tiêu dùng, dẫn đến tỉ lệ nợ xấu cao hơn và tạo ra các vấn đề trong xã hội. Thị trường sẽ phải tự điều chỉnh về mức lãi suất hợp lý. Hiện nay, NHNN chưa tính đến đặt trần lãi suất cho vay đối với các công ty tài chính tiêu dùng.

Tài chính tiêu dùng Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Tổng dư nợ cho vay của cả ngành ngân hàng và phi ngân hàng tính đến ngày cuối năm 2016 là 605 nghìn tỷ. Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng thuần túy là hơn 56 nghìn tỷ đồng.

Các công ty dẫn đầu thị trường hiện tại là FE Credit (thuộc VPBank), Home Credit, HDSaison và Prudential Finance. Trong khi đó, ngày càng có nhiều tập đoàn nước ngoài tìm kiếm đối tác trong nước để tham gia vào thị trường này.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 48% trong ba năm gần đây từ năm 2014 đến năm 2016, dự kiến tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng thuần túy ​​sẽ tăng mạnh trong năm 2017 và những năm tới.

Mức độ thâm nhập thị trường còn thấp và số lượng đáng kể dân số chưa dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam cho thấy tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng.