8 luồng dữ liệu số quốc gia được xây dựng trong thời gian tới

Nhật Hạ - 16:17, 27/03/2024

TheLEADERTrung tâm dữ liệu dân cư quốc gia sẽ có 8 luồng dữ liệu số gồm dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.

Trong Nghị quyết 175, ngày 30/10/2023, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia.

Theo đó, 8 luồng dữ liệu số sẽ được xây dựng gồm dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.

Trung tâm dữ liệu sẽ giúp kết nối, chia sẻ có hiệu quả, dần tạo nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; tạo nên nền kinh tế số, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên về chuyển đổi số ngày 26/3.

Trước đó, Thủ tướng đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, Việt Nam đứng trong 70 nước về chính phủ điện tử trên thế giới và đến năm 2030 trong top 50 nước khai thác hiệu quả chính phủ điện tử.

Ông Ngọc cho rằng, việc xây dựng trung tâm dữ liệu phải giải quyết được các vấn đề gồm pháp lý, hạ tầng công nghệ, số hóa dữ liệu, giải pháp bảo mật, con người công nghệ và ngân sách.

8 luồng dữ liệu số được xây dựng trong thời gian tới
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, quá trình chuyển đổi số phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp với chuyển đổi số. Theo ông, từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, các nghị định về bảo vệ dữ liệu, thông tư về kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Tiếp đến, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng luật dữ liệu và nâng thông tư bảo vệ dữ liệu lên thành Luật Bảo vệ dữ liệu.

Dữ liệu phát sinh hằng ngày của các cơ quan, các địa phương sẽ được số hóa ngay.

Còn dữ liệu phải số hóa của những hồ sơ giấy trước đây đang lưu trữ được chia làm hai loại gồm loại sạch, đủ, chính xác sẽ được số hóa luôn và loại có nhiều vấn đề phải xác minh, bổ sung, sửa đổi sẽ làm dần từng bước.

Bên cạnh đó, ông Ngọc cho rằng, phải có giải pháp bảo mật. Bảo mật là giải pháp chung, quan trọng nhất là bảo mật chính ở mỗi người. Nếu mỗi người không bảo vệ được chính mình thì sẽ không bảo vệ được hệ thống.

Như vậy thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "đúng – đủ - sạch – sống", dữ liệu số sẽ rất chính xác.

Ông Ngọc cho biết hiện cũng đã có 89 triệu người được định danh và định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Hiện có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.

Thực tế, dữ liệu hiện là nguồn tài nguyên vô giá đối với doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng về công nghệ số đang bùng nổ.

Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ra quyết định thông minh và chính xác trong doanh nghiệp. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện về môi trường và hoạt động kinh doanh đang diễn ra.

Đồng thời, dữ liệu cung cấp những thông tin cần thiết để đánh giá hiệu suất vận hành, xác định xu hướng và dự đoán thay đổi trong tương lai, từ đó có chiến lược phát triển phù hợp.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tại buổi đối thoại, một doanh nhân trẻ đã đặt câu hỏi: trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Phản hồi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Tuy nhiên, để kết nối, chia sẻ dữ liệu, các doanh nghiệp này phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định ví dụ về bảo đảm an toàn an ninh mạng khi kết nối, hay câu chuyện bảo đảm dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.

Khi chưa tìm hiểu quy định, quy trình mà doanh nghiệp vẫn muốn kết nối dữ liệu, Bộ Thông tin và truyền thông thời gian vừa rồi đã cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy dữ liệu mở.

Hiện nay rất nhiều hộ tịch đã cung cấp dữ liệu mở trên trang dữ liệu mở của địa phương mình, trong đó hai địa phương làm đặc biệt tốt là Đà Nẵng và TP.HCM.

Các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các bộ, ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện.