80% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn kinh doanh tốt bất chấp Covid-19
Nhật Hạ
Thứ tư, 25/11/2020 - 08:00
Gần 80% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam hiện vẫn kinh doanh tốt bất chấp những tác động tiêu cực từ Covid-19.
Kết quả đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu (AHK WBO) mới đây của Hiệp hội các Phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) cho thấy, gần 80% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lạc quan về tình hình kinh doanh hiện tại.
Cụ thể, 41% doanh nghiệp nhận định hài lòng, 36% doanh nghiệp đánh giá tốt và chỉ 23% đánh giá chưa tốt.
Với kết quả này, tỷ lệ hài lòng về tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đứng thứ 3 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và New Zealand.
Tỷ lệ doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đánh giá tốt trở lên nằm trong Top 5 khu vực, cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, New Zealand.
Về dự báo tình hình kinh doanh trong năm tới, 50% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng sẽ tốt hơn, 49% cho rằng không thay đổi, chỉ có 9% trả lời tệ hơn.
Đây là kết quả khá lạc quan khi so sánh với các quốc gia khác có doanh nghiệp Đức đầu tư đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Đức cho biết, những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp trong năm 2021 gồm lượng cầu giảm, khung chính sách kinh tế, rào cản thương mại/sự ưu tiên cho công ty địa phương, tỷ giá hối đoái, thiếu hụt nhân công lành nghề, chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng và huy động vốn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
55% doanh nghiệp Đức kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021.
32% cho rằng phục hồi vào năm 2022 và 9% cho rằng Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Do đó, 72% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư thêm tại đây và 27% sẽ tuyển thêm nhân sự. Đây được xem là thành quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam cũng như những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ là một đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay về mức tăng trưởng như hiện tại và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chất lượng tới từ châu Âu và Đức trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã chỉ ra những tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp nhiều nhất gồm hạn chế đi lại, nhu cầu về hàng hóa và sản phẩm giảm, các sự kiện thương mại/hội chợ bị hủy bỏ, các khoản đầu tư bị hoãn/hủy bỏ, các đơn hàng bị hủy bỏ, các vấn đề trong chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ và chỉ 14% doanh nghiệp cho rằng có cả thiếu tài chính.
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng trên, các doanh nghiệp này cho biết, đã áp dụng các biện pháp như giảm chi phí, hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư, tăng cường số hóa trong công ty, giảm nhân sự, thay đổi chuỗi cung ứng.
Tính đến tháng 8 năm nay, Đức có 370 dự án FDI tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 2 tỷ USD; đứng thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU, sau Hà Lan, Anh và Pháp; đứng thứ 18 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tuy tổng mức đầu tư không lớn nhưng các dự án đầu tư của Đức có chất lượng tốt.
Hiện có hơn 300 tập đoàn lớn của Đức đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 2,3 tỷ USD, trong đó có những tên tuổi lớn như Siemens, Messer, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Bosch…
Các ông lớn công nghệ đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của những dự án đầu tư này có thể gặp cản trở bởi sự thiếu hụt về lao động chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Các hình thức ưu đãi thuế, ưu đãi thuê đất thực chất không tạo ra hiệu quả đáng kể trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng lại đang được các nước ASEAN đua nhau lạm dụng, tạo ra nhiều hậu quả tiêu cực.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.