ADB: Đợt dịch Covid-19 thứ tư kéo triển vọng tăng trưởng từ 6,7% xuống 3,8%

Kiều Mai - 12:09, 22/09/2021

TheLEADERDự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại do sự bùng phát trở lại của Covid-19 làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cập nhật mới nhất đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021, từ mức 6,7% trước đó xuống còn 3,8%.

Với giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II/2022, tỷ lệ tiêm phòng đủ hai liều vaccine chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%, vẫn thấp hơn so với con số trước đó.

Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.

ADB: Đợt dịch Covid-19 thứ tư kéo triển vọng tăng trưởng từ 6,7% xuống 3,8%
Tăng trưởng dự báo chậm lại trong năm 2021, phục hồi mạnh năm 2022.

Sự suy giảm của tài khoản vãng lai trong năm nay và năm sau dự kiến sẽ nhiều hơn mức dự báo được ADB đưa ra trước đó. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ ở mức tương đương 1,0% GDP trong năm 2021 do tác động của đại dịch đối với sản xuất sẽ làm chậm tăng trưởng xuất khẩu đến hết năm.

Dự kiến tài khoản vãng lai sẽ trở lại thặng dư, ở mức 1,5% GDP trong năm 2022, do xuất khẩu tăng khi sản xuất trong nước và sức cầu bên ngoài phục hồi.

Tại buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn thách thức.

Nguy cơ chính là một đợt bùng phát Covid-19 kéo dài nếu tỷ lệ tiêm phòng tăng không đáng kể. Do vaccine chưa đến Việt Nam đủ nhanh nên nỗ lực của Chính phủ để bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước trong năm 2021, kết hợp với tăng cường mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch gây ra.

Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch.

Ông Cường cũng lưu ý nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022.

Cùng với đó, cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của chính phủ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch, hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm sau.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối năm 2021, và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.

ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nộj địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.