Triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ chịu rủi ro từ việc thuế quan leo thang kéo theo sự phân mảnh thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng quay trở lại.
Thương mại mạnh mẽ, sản xuất xuất khẩu hồi phục và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm qua. Tuy nhiên, sau tuyên bố tăng thuế quan của Mỹ mới đây, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong hành trình đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, trong môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động như hiện nay, những rủi ro bên ngoài rất đáng kể.
Trước hết, các biện pháp thuế quan và các biện pháp đáp trả giữa Mỹ và các nước khác sẽ khiến nhu cầu thế giới giảm, tăng chi phí, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam, ông Hùng phân tích tại buổi họp báo của ADB ngày 9/4.
Bên cạnh đó, chiến tranh Nga – Ukraina kéo dài, tiếp tục bất ổn định ở Trung Đông cùng tình trạng tăng trưởng chậm lại của các đối tác thương mại lớn sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức đến từ các điều kiện thời tiết bất lợi, tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn chế nguồn cung và đẩy giá hàng hóa lên cao.
“Triển vọng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những bất ổn cao, các đánh giá sẽ phải cẩn trọng, xét đến những rủi ro lớn về thuế quan và thương mại”, ông Hùng nhấn mạnh. ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm nay và 6,5% vào năm sau.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể dựa vào một số động lực, trước hết là FDI.
Trước khi Mỹ đưa ra chính sách thuế đối với Việt Nam, đây vẫn đang là điểm đến FDI tương đối hấp dẫn và điều này đã được thể hiện trong vài năm vừa qua.
“Tuy nhiên, về mặt định tính, chúng tôi cho rằng động lực này sẽ chịu ảnh hưởng của thuế quan gia tăng từ phía Mỹ. Nguyên nhân là bởi phản ứng tự nhiên của các nhà đầu tư sẽ là dừng lại và đợi, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai giải ngân đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”, ông Hùng phân tích.
Ông Hùng giải thích thêm, thời điểm hiện nay còn quá sớm để các nhà đầu tư đưa ra các quyết định mới bởi các biện pháp thuế quan vẫn đang tiếp tục được đàm phán, cần chờ con số cuối cùng và thời gian thuế quan sẽ tồn tại trong bao lâu.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thường lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên triển vọng đầu tư trong dài hạn nên với những thay đổi hiện nay, họ sẽ tạm dừng lại.
Bên cạnh FDI, động lực khác là thị trường bán lẻ cũng tương đối ổn định, góp phần duy trì tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần kích thích nhu cầu này tăng đột phá.
Không chỉ vậy, thực hiện hiệu quả các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng, gồm cả đầu tư công, sẽ là biện pháp trọng yếu nhằm duy trì tăng trưởng và tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Quốc hội Việt Nam gần đây đã quyết định tăng mức đầu tư công trong năm nay lên gấp rưỡi so với năm ngoái, từ 27 tỷ USD lên 36 tỷ USD. Ba tháng đầu năm đã chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực của giải ngân đầu tư công nhưng con số mới dừng lại ở mức 13%, cho thấy khoảng cách giữa hiệu quả thực hiện và mong muốn vẫn còn tương đối xa.
“Trong phần còn lại của năm, chúng ta cần xem hiệu quả đến đâu. Đây cũng là cơ sở cho thấy Việt Nam vẫn còn cơ hội để kích thích tăng trưởng nếu các biện pháp này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả”, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB phân tích.
Ngoài ra, cải cách thể chế toàn diện gần đây và nỗ lực tăng cường hiệu quả được xem là những bước đi tích cực để tinh gọn hoạt động của chính phủ và thúc đẩy phát triển kinh tế.