Ai chịu áp lực nặng nề nhất trong cuộc chiến Vinasun và Grab?

Quỳnh Như - 09:17, 12/11/2018

TheLEADERSau hơn 16 tháng, vụ Vinasun kiện Grab vẫn chưa có kết luận cuối cùng, theo nhiều chuyên gia, chính những quy định chưa rõ ràng đã khiến cuộc chiến giữa 2 doanh nghiệp này kéo dài và chưa có phương án để xử lý triệt để.

Ai chịu áp lực nặng nề nhất trong cuộc chiến Vinasun và Grab?
Các tài xế của Vinasun tới Tòa án TP. HCM để phản đối Grab. Ảnh: Thời Đại.

Tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab ra Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TPHCM vì cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun. 

Theo đó, Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 41,2 tỉ đồng.

Cụ thể, theo Vinasun, Grab đã hoạt động như một hãng taxi hoàn chỉnh khi tự định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá, xử phạt tài xế, việc tăng đột ngột phương tiện của Grab cũng làm cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng…

Ở phía bên kia, đại diện Grab luôn khẳng định, toàn bộ hoạt động của Grab tại Việt Nam đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có đề án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải. Doanh nghiệp này khăng khăng mình chỉ là công ty cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi.

Theo đại diện Grab, Quyết định 24 hoàn toàn cho phép họ xử phạt tài xế vi phạm, còn việc quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn là do phía Grab hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý.

Ngày 23/10/2018, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bối thường ngoài nguyên đơn là Vinasun với bị đơn là Grab, Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM đã đề nghị Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng như yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, tới phiên tòa tiếp theo vào ngày 29/10, Hội đồng xét xử lại cho rằng, cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết quả giám định về con số 41,2 tỷ đồng.

Thế nên, mọi kết luận sẽ phải đợi tới phiên tòa tiếp theo vào ngày 22/11.

Về thuế, trong kỳ kinh doanh từ 2014 - 2016, Grab có doanh thu 1.755 tỷ đồng nhưng chỉ đóng thuế 9,7 tỷ đồng. Sau khi thanh tra, Grab đã nộp thêm 2,9 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước trong 3 năm lên mức 13,4 tỷ đồng.

Năm 2017, trước áp lực của dư luận cũng như việc Vinasun khởi kiện, số tiền nộp thuế của Grab đã tăng lên 189 tỷ đồng; còn trong 7 tháng đầu năm 2018, họ đã nộp 223,5 tỷ đồng tiền thuế, hơn 4 năm trước cộng lại. Hiện, Grab được hưởng mức thuế suất áp dụng với các dịch vụ khoa học – công nghệ là 5% thuế giá trị gia tăng thu trên doanh thu.

Hiện đang có 2 luồng ý kiến trái chiều về vụ việc này: luồng ý kiến đầu tiên cho rằng Vinasun đúng vì Grab không chỉ điều hành app công nghệ mà họ còn quản lý xe và tài xế – điều chỉnh mức giá giống như một công ty dịch vụ taxi bình thường. 

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai cho rằng, Vinasun làm thế là đi ngược xu thế của thời đại, như kiểu "con trâu" đi kiện "máy cày". Nếu tòa án xử Vinasun thắng, có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ nản lòng thoái chí, đi ngược chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 của Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều doanh nhân và chuyên gia về xây dựng thương hiệu và kinh tế mà TheLEADER vừa trao đổi về vụ việc này, thì cả Vinasun và Grab ai cũng có vấn đề của riêng mình, chẳng ai đúng và sai hoàn toàn; còn bên chịu áp lực nặng nề nhất trong vụ việc này chính là phía Toà án – Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch NBN Media, nếu tòa án xử không khéo vụ việc này có thể khiến các startup chạy mất.

Cuộc chiến Vinasun và Grab: Nhà nước chính là bên chịu áp lực nặng nề nhất!
Anh Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch NBN Media

Grab vừa gọi được thêm 250 triệu USD từ Hyundai và Kia để chuẩn bị cho việc đưa ra dịch vụ xe chạy điện, nâng tổng số tiền mà họ huy động được lên có số 2,7 tỷ USD. Dân đầu tư – tài chính dự báo sau khi tin này được loan ra, trị giá Grab có thể lên đến mức đâu đó 7 tỷ USD và đương nhiên là 1 trong 2 startup kỳ lân có giá trị cao nhất ở Đông Nam Á.

Trong khi ấy, cuộc chiến kiện tụng của Vinasun với Grab ở thị trường Việt Nam vẫn đang như quả bom âm ỉ chưa biết sẽ nổ về phía nào. Có dự đoán cho rằng có thể Grab không phải đền bù thiệt hại cho Vinasun hoặc đền rất ít hoặc có khả năng Grab sẽ bị áp đặt mọi điều kiện kinh doanh như một công ty vận tải và như thế coi như xong”, ông Ngọc nhận định.

Theo Chủ tịch NBN Media, sở dĩ ông nói “coi như xong” là do Grab về căn bản vẫn là mô hình mới, công nghệ mới áp dụng cho dịch vụ gọi xe, tức khác hẳn mô hình truyền thống mà nay bị đưa về một giỏ như công ty vận tải, taxi… thì chắc không xong.

Trường hợp Grab có thể bị áp các chế độ như taxi – phỏng theo phán quyết gần đây của tòa ở châu Âu với Uber (dù điều này không chính xác, ít ra Việt Nam đã thu được ít thuế từ Grab trong khi châu Âu thì không với Uber) cũng không ổn, vì như phân tích phía trên, Grab và các công ty taxi truyền thống có xuất phát điểm và tính chất khác nhau nên “quy về một mối” sẽ hỏng.

Trường hợp nữa, nếu phán cho Vinasun thắng họ có khá lên không, ông Ngọc tiếp tục phân tích? “Tôi e là không, cứ nhìn vào cái app thiếu sự tối ưu và dịch vụ khách hàng của họ bây giờ là thấy, ngược lại, các nhân tố tiến bộ như Grab, GoViet… sẽ bị dập tơi tả. Việt Nam có thể trong một sớm một chiều chưa thể làm ra những bộ luật phù hợp với thời đại 4.0, nhưng ít nhất cũng phải hành xử sao cho các startup về công nghệ đừng chạy mất”, ông Ngọc kết luận.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang chia sẻ: Ông không bênh vực Vinasun hay Grab, mà chìa khoá của vấn đề ở đây là Grab và Uber (không phải biến mất là không chịu trách nhiệm) trong mấy năm trước đây đã không đóng thuế. Còn vấn đề quản lý thuế được hay không là câu chuyện và thách thức riêng của Nhà nước. Uber vẫn có thể bị hồi tố và nếu Uber trốn thuế, thì Grab phải trả luôn phần cho họ vì Grab bây giờ cũng là đại diện của Uber tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng chỉ ra: theo lời đại diện của Vinasun, ông thấy cách tiếp cận của doanh nghiệp này chưa đúng, vì khi ra tới luật là phải cụ thể, ví dụ kiện một hành vi cụ thể có trong luật như trốn thuế ảnh hưởng tới cạnh tranh chứ không phải chuyện lập lờ về mô hình kinh doanh.

Đơn cử, Vinasun có thể kiện Grab: vì trốn thuế nên Grab có khả năng liên tục phá giá gây thiệt hại trực tiếp đến Vinasun, Vinasun cũng cảnh báo với tòa đi thu thuế Grab, nếu không Vinasun và hiệp hội taxi sẽ lên án; hay Vinasun có thể kiện Grab cạnh tranh không lành mạnh, vì theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam, khi khuyến mãi hoặc tăng giá là không được trên 30% mà Grab lại thường xuyên “phá giá” vi phạm điều luật này.

Còn chuyện nhiều người nói: nếu xử Grab thua là gây nản lòng cho giới công nghệ và startup chỉ là đang nói quá lên!

Chả nhẽ, anh làm công nghệ để đi trốn thuế và công nghệ của anh tinh vi tới mức có thể trốn thuế? Dĩ nhiên, công nghệ của Grab đã đóng góp nhiều cho nhu cầu cộng đồng, cái đó thì không ai có thể bàn cãi nhưng cho dù là như thế thì anh cũng phải làm đúng luật.

Và thật ra, công nghệ mà Grab đang sử dụng cũng chẳng có gì cao siêu cả, ai cũng làm được, ở Việt Nam có hàng ngàn người làm được công nghệ này; doanh nghiệp chỉ cần có hệ thống ERP cộng với GPS là có thể làm thành công nghệ như Grab. Do vậy, đừng có nhân danh công nghệ mà làm lớn chuyện! Công nghệ của Grab chẳng có gì ghê gớm, cũng chẳng phải công nghệ cao, tất cả startup đều có thể làm được loại công nghệ này, chẳng có cách mạng gì ở đây cả”, ông Quang phân tích.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Trương Công Hải – Giám đốc Công ty Mideas, một startup trong lĩnh vực công nghệ cũng cho rằng, cả Grab lẫn Vinasun ai cũng đầy vấn đề; tuy nhiên, công nghệ của Grab là 4.0 thật, có thể công nghệ nền tảng của nó tương đối đơn giản nhưng để có thể tối ưu hoá được như bây giờ, họ đã sử dụng rất nhiều công nghệ tiêu biểu cho 4.0.

Ai chịu áp lực nặng nề nhất trong cuộc chiến Vinasun và Grab? 1
Anh Trương Công Hải – Giám đốc Công ty Mideas

Ông Hải nhận xét: vì Vinasun bị áp đặt nhiều loại thuế lại không dùng công nghệ giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn nên muốn có lời họ buộc phải đưa ra mức giá cao. Grab bản chất là kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng họ khăng khăng là dịch vụ công nghệ thông tin để được ưu đãi về thuế và các quy định khác. Bây giờ, Vinasun cũng có xe hợp đồng với tài xế, vậy họ cũng đâu có khác gì Grab!

Grab dùng phần mềm còn Vinasun dùng tổng đài để quản lý hoạt động kinh doanh, cách làm khác nhau còn ngành nghề giống nhau, vì vậy, cả hai nên cạnh tranh trên một nền tảng pháp luật. Nhưng, do chúng ta chưa có quy định rõ ràng nên mọi chuyện mới trở thành rắc rối như bây giờ.

Về công nghệ mà Grab áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, theo ông Hải, cái app của Grab chỉ là bề nổi như Uber, họ có mấy nghìn nhân viên kỹ thuật, để tối ưu hóa được app, Grab có một hệ thống áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Thế nên, 90% giá trị của Grab nằm trong hệ thống phía sau cái app, gọi chung là backend như hệ thống server, hệ thống phân tích dữ liệu và xử lý dữ liệu, hệ thống máy học, big data….

Ông Lê Thiết Bảo – Chuyên gia thương mại điện tử nhìn nhận: “Đứng trên góc nhìn luật pháp Việt Nam thì tôi thấy kiện đúng, toà xử đúng, vì nếu không đúng luật thì toà nào dám xử; dù lý do kiện của Vinasun có hơi kỳ lạ. Còn vấn đề của Grab và Vinasun thực chất là vấn đề về luật, luật Việt Nam đi chậm hơn công nghệ rất nhiều. Về cơ bản, các chính sách của nhà nước Việt Nam chưa có quy định rõ ràng nên mới tạo điều kiện cho Grab lách luật hay cạnh tranh không công bằng.

Cũng theo ông Bảo, vấn đề này không mới và Uber đã bị nhiều nước châu Âu cấm hoạt động, Grab bị Chính phủ Singapore tẩy chay vì bị liên doanh taxi các quốc gia này kiện. Ông Bảo không ủng hộ Vinasun nhưng ủng hộ việc các doanh nghiệp FDI tới Việt Nam kinh doanh phải theo luật Việt Nam, mặc kệ anh có bao nhiêu tiền và không thể lấy lý do đầu tư công nghệ để trốn thuế và lách luật mà nên vận động hành lang để có luật.