Ai đứng sau siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam?

Nguyễn Cảnh - 10:48, 16/10/2020

TheLEADERSiêu dự án Dubai Việt Nam với quy mô lên tới 1.142ha vẫn tiếp tục ngóng chủ trương do nhiều vướng mắc liên quan đến quặng titan.

Ai đứng sau siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam?
Khu vực ven biển huyện Bắc Bình, Bình Thuận nơi dự án Dubai Việt Nam dự kiến đầu tư

Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và thương mại nông thị Dubai Việt Nam (Công ty Dubai Việt Nam) đăng ký đầu tư, với diện tích hơn 1.142ha, tổng mức đầu tư hơn 14,6 nghìn tỷ đồng.

Công ty Dubai Việt Nam có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, do ông Phạm Văn Định làm tổng giám đốc. Tại thời điểm đề xuất dự án, thành viên góp vốn của công ty gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA (góp 770 tỷ đồng, tương đương 35%), Công ty TNHH Xây dựng – thương mại Thuận Việt (660 tỷ đồng, 30%), Công ty TNHH Khoáng sản đầu tư Hưng Thịnh (440 tỷ đồng, 20%) và cá nhân ông Hoàng Hữu Huy (330 tỷ đồng).

Cơ cấu cổ đông sau đó đã được thay đổi, tỷ lệ góp vốn của Công ty DHA đã tăng lên 935 tỷ đồng (tương đương 42,5%); Công ty Thuận Việt (thành viên của Tập đoàn SSG) góp 825 tỷ đồng và Công ty Hưng Thịnh góp 440 tỷ đồng. Cá nhân ông Hoàng Hữu Huy đã không còn là cổ đông góp vốn.

Tháng 8/2020, người đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc Công ty Dubai Việt Nam là ông Vũ Quốc Thái. Ông Thái cũng đồng thời nắm giữ vị trí tổng giám đốc tại Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA và Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - giai đoạn từ 11/2019 - 31/8/2020). Cả hai công ty này đều do ông Đặng Hồng Anh (Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công) làm chủ tịch sáng lập.

Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA thành lập năm 2011, kinh doanh bốn lĩnh vực chính gồm bất động sản, y tế, văn hóa, thể thao. Năm 2017, công ty ra mắt thương hiệu DHA Medic, đây là hệ thống phòng khám đa khoa - mô hình y tế mới, thí điểm xã hội hóa y tế tuyến cơ sở đầu tiên của Việt Nam, đồng thời phát triển chuỗi phòng khám DHA.

Trong lĩnh vực bất động sản, DHA Corporation đầu tư chủ yếu căn hộ chung cư, căn hộ studio, nhà phố, biệt thự tại TP. HCM và các vùng lân cận. Một số dự án lớn do DHA phát triển gồm: Chung cư D-Homme (quận 6), dự án D-One Sài Gòn (quận Gò Vấp). Hiện công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Trên website của Công ty DHA, không xuất hiện bất cứ thông tin nào về siêu dự án đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam tại Bình Thuận.

“Canh bạc” tỷ đô lấp lánh ánh Titan

Như TheLEADER đã đưa tin, siêu dự án đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam vẫn đang ngóng chủ trương dù đã được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận gửi hồ sơ xin ý kiến bộ ngành, chính phủ cách đây hơn 2 năm. 

Những vướng mắc đã được hé lộ, cụ thể, về quy hoạch, vị trí đăng ký đầu tư của dự án có 151,45ha thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ và 6,6ha đất rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong quản lý. Hiện trạng trong 151,45ha nêu trên có 54,96ha là rừng tự nhiên và 46,33ha là rừng trồng.

Đáng chú ý, vị trí xin đầu tư dự án Dubai Việt Nam có tới 1.067 ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Theo số liệu tính toán của Bộ Tài nguyên và môi trường, trữ lượng và tài nguyên titan của Bình Thuận dự báo khoảng 599 triệu tấn (chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan của Việt Nam). Tổng giá trị quặng titan tại Bình Thuận theo bộ này ước tính lên tới hơn 138 tỷ USD. 

Như vậy, với diện tích 1.067ha trong khu vực dự trữ quặng titan, giá trị quặng thuộc dự án Dubai Việt Nam đã lên tới hàng tỷ USD - một miếng bánh khá hấp dẫn đối với chủ đầu tư dự án nếu đặt giả thiết khai thác quặng titan xong rồi mới phát triển dự án. 

Tuy nhiên, về nguyên tắc, do nằm chồng lấn trên vùng dự trữ khoáng sản titan nên nếu muốn phát triển dự án phải khai thác quặng xong mới được bàn giao đất cho nhà đầu tư. Trong khi đó, hoạt động khai thác titan đã được cảnh bảo tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cao, thay đổi hoàn toàn địa hình, thiếu nước… Việc phát triển một dự án đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng trên phần diện tích có nhiều nguy cơ như vây chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cả trong quá trình đầu tư và quản lý vận hành sau này. 

Tới năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép đưa phần diện tích này ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan để thực hiện dự án nêu trên.

Chi tiết, tỉnh Bình Thuận báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, tỉnh này cho rằng, khu vực quy hoạch và dự trữ quặng titan đã ảnh hưởng tới hầu hết các quy hoạch ngành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thậm chí, Bình Thuận còn xin hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường (trong các năm 2016 và 2017) nhằm tìm lối ra cho vấn đề. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn luôn khẳng định: Chấp thuận các dự án đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Vậy nên, dù thực tế nhiều nhà đầu tư đăng ký các dự án phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận nhưng đều rơi vào cảnh “xếp hàng chờ gỡ khó” vì nằm trên khu vực dự trữ quặng titan. 

Từ đây, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất đưa khu vực ven biển (ghi nhận một số dự án lớn như sân bay Phan Thiết, Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né của Công ty CP TVTMDV Địa ốc Hoàng Quân, tổ hợp đô thị biển của Công ty CP Toàn Cầu TMS, khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam...) ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan.

Trong thời gian rà soát khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Bình Thuận đề nghị Chính phủ đồng ý cho Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận các dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quặng titan, trên cơ sở phù hợp với các quy hoạch liên quan – với điều kiện chủ đầu tư không được phép khai thác khoáng sản và tỉnh sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong thời gian thực hiện dự án.

Tỉnh Bình Thuận đề nghị giải pháp “trao quyền” nêu trên để chấp thuận trước mắt 49 dự án liên quan (trong đó có dự án Dubai Việt Nam sở hữu hơn 1.067ha chồng lấn trên vùng dự trữ titan). 

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, dự án Dubai Việt Nam (cùng 48 dự án còn lại trong danh mục Bình Thuận gửi Chính phủ) vẫn chỉ dừng lại ở mức được UBND tỉnh cho chủ trương lập thủ tục đầu tư, chưa có quyết định chủ trương đầu tư.