Hoa cỏ của Thủy, Sinh nở của Tâm và Phố xá của Quân

Họa sĩ Lê Thiết Cương - 08:30, 28/01/2020

TheLEADERNghệ thuật nào mà chả là hành trình để người ta khám phá mình, kiếm tìm mình cho dù là viết một câu nhạc, nặn một pho tượng hay vẽ một bức tranh. Đâu cần gì to tát, đôi khi chỉ là vẽ một nụ hoa, một lá cỏ, một ngôi nhà hoặc chân dung mình. Cái này có vì cái kia có, trong cái này có cái kia là vậy.

Tôi chọn giới thiệu 3 họa sĩ Bùi Thanh Thủy, Lê Thị Minh Tâm và Phạm Trần Quân vì trong năm 2019 họ đều có triển lãm cá nhân và là những triển lãm được nhiều người quan tâm.

Khởi thủy là hoa và phong cảnh thiên nhiên để Bùi Thanh Thủy bước vào hành trình đến vô cùng. Khởi thủy là một bông hoa nhưng ở ga đến bông hoa ấy vừa là nó nhưng bắt buộc phải vừa là một nó khác. Nghệ thuật và cuộc sống cách nhau một sợi tóc. Bên này là đời bên kia là đạo rồi.

Những bông hoa mai lan sen cúc gì đó với mầu, dáng vẻ, hương sắc cụ thể và hữu hình khi đi qua Thủy sẽ bước sang một cõi sống ảo huyền, bay bổng, mơ mộng và tự do hơn. Thổ vốn tĩnh, thủy thì động, chuyển động thay đổi, trôi chảy. Đức của trời đất vốn thế mà cũng hợp với tạng người của Bùi Thanh Thủy, hợp với chất liệu lụa/mầu nước, mực mà Thủy chọn hoặc ngược lại chất liệu ấy chọn Thủy. Đó cũng là duyên, nhân duyên, lụa duyên, hoa duyên, phong cảnh duyên. Đó cũng là mệnh.

Hoa cỏ của Thủy, Sinh nở của Tâm và Phố xá của Quân
Tranh của Bùi Thanh Thủy.

Chất thủy của Thủy mạnh đến mức ngay cả khi vẽ bằng acrylic thì Thủy cũng “phiên dịch” acrylic thành mầu nước. Thủy thì động, chất lụa là chất nhòe, loang nhòe của lụa, mầu và nước, nhòe là động. Thủy hài hòa được mảng và nét, mảng nhòe, mảng tĩnh hở nền lụa không vẽ gì, hài hòa có và không, nóng và lạnh, hài hòa động và tĩnh. Để hài hòa được thì có lẽ Thủy đã có đủ vui buồn, được mất, đi về…?

Những mảng tan chảy miên man, loang nhòe rất lụa, rất Thủy, rất “yêu trong nỗi đau tình cờ”, vừa vô tình vừa hữu ý, vừa vô tình vừa hữu tình. Cho nên những phong cảnh của Thủy đã bớt thực đi để sống một đời sống dài rộng hơn. Trẻ thì vẽ hiện thực vẫn được nhưng trừu tượng phải đến một trải nghiệm sống nào đó mới nên vẽ, “còn tuổi nào cho em”. Thủy đã chọn đúng điểm rơi tháng năm/mình cho trừu tượng.

Từ có lý đến vô lý, từ hữu tình đến vô tình, từ hiện thực sang trừu tượng đều bắt buộc phải có sự che chở của thời gian. Sống khó hơn làm nghệ thuật. Sống đã rồi hẵng vẽ. Trừu tượng nào mà chả bắt đầu từ hiện thực. Vẽ cảnh gì không quan trọng nhưng những cảnh ấy luôn là nguyên cớ, là ga khởi hành. Những phong cảnh, những bông hoa là sợi dây để cánh diều bay được từ bờ thực sang bến trừu tượng.

“Cảm ơn hoa đã vì ta nở.”

Mỗi người một cách cảm ơn hoa. Bùi Thanh Thủy chọn lời cảm ơn hoa bằng chính những bông hoa được khai sinh thêm lần nữa trong tranh của mình.

Họa sĩ Lê Thị Minh Tâm lại chọn đề tài về tính dục và tôn giáo. Đã là tôn giáo thì bắt buộc phải có Đấng sáng thế, Đấng sinh thành, Đấng tạo hóa.

Âm dương là sinh thành, là sáng thế và cũng có thể hiểu là Đấng tạo hóa.

Hoa cỏ của Thủy, Sinh nở của Tâm và Phố xá của Quân 1
Tranh của Lê Thị Minh Tâm.

Khai triển, diễn dịch khái niệm Tôn giáo/triết học/tạo hóa từ hình ảnh âm/dương trên một nền tảng tối giản/giấy dó – mực nho và … những “nguệch ngoạc” kiểu cổ tự, ký tự làm người xem liên tưởng đến kinh/bia/bùa chú. Những “ký tự”/tinh trùng ở giây phút ban đầu của quá trình sáng thế ấy sẽ tạo ra một văn bản đặc biệt, văn bản người. Những tác phẩm này của Lê Thị Minh Tâm cũng có thể hiểu là một loại “kinh” nam/nữ, đực/cái, âm/dương, tạo hóa, sinh nở. Kinh nở.

Thân và Tâm vốn bất nhị, Tâm và dục cũng là một. Dục tính sinh nhân tính, sinh ra nghệ thuật tính, khác biệt tính.

Hội họa của Lê Thị Minh Tâm cũng như những tác phẩm Nở, triển lãm năm 2019 là một biểu hiện rõ nhất của dục/tâm, tâm/dục, sáng tạo – hóa/nghệ thuật. Tâm, dục và tác phẩm của Tâm là Một.

Thế mạnh của Phạm Trần Quân là bút pháp, là nét, là những nhát bút hoặc dao vẽ chồng đè mạnh nhẹ, miên man, tung tẩy không đầu cuối, không cố gò vào hình nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy hình ẩn hiện, một chân dung người, một con sông, một góc phố, một lọ hoa… Đó là những đề tài quen thuộc, thậm chí phố cổ Hà Nội là một đề tài đã nhiều họa sĩ thử sức và làm nên tên tuổi của vài họa sĩ. Ấy thế nhưng Phạm Trần Quân vẫn đánh cược mình với phố cổ, sau khi đã đi qua nhiều đề tài, nhiều thể loại (chân dung, tĩnh vật).

Với Quân, anh vẫn nhìn thấy phố cổ có những điểm mà các họa sĩ đi trước chưa khám phá hết hoặc có thể Quân muốn nhìn phố cổ Hà Nội bằng một điểm nhìn khác. Đó là cảm giác của anh về phố chứ không phải là tả kể về phố nên không có gì quá rõ ràng từ mái ngói, đầu đao, cửa gỗ bức bàn, những bức tường lở vôi, cổng ngõ...đều chỉ là gợi hình, gợi màu, gợi buồn bã, gợi hưu quạnh. Nó thiên về những phận phố, phận người, thâm trầm, im lặng, thì thầm, trăn trở hơn là những xô bồ, xanh đỏ, ồn ã, náo nhiệt. Có thể đó là những hồi ức phố, tiếc nuối phố của Phạm Trần Quân.

Quân không trừu tượng nhưng cũng không tả thực, nệ thực, tranh của anh là một dạng biểu hiện trừu tượng. Vẻ đẹp của tranh Phạm Trần Quân chính là sự tự nhiên, phóng túng, phóng khoáng của tổ hợp nét tương phản, nét mầu hay đen trắng, dài ngắn, to nhỏ, lướt nhẹ mảnh mai, mỏng bên cạnh những nhát bút dầy cộm sơn.

Hoa cỏ của Thủy, Sinh nở của Tâm và Phố xá của Quân 2
Tranh của Phạm Trần Quân.

Vẻ đẹp của tranh Phạm Trần Quân là vẻ đẹp của những cặp tương phản, mất trật tự ngược với trật tự, phức tạp ngược với tinh giản, phóng khoáng ngược với chặt chẽ. Ít màu ngược với nhiều sắc độ, những mảng nền phẳng, mỏng với phần hình đắp dầy xù xì. Để ra tay được những nhát bút nhanh như vậy thì phải nghĩ rất lâu vì một đi không trở lại; để mầu ào ạt, để nét động thì tâm phải tĩnh. Cũng như muốn vui thì phải biết buồn là gì. Muốn đến bờ bên kia thì phải qua được bờ bên này đã. Sau nhiều năm kiếm tìm, có lẽ Quân đã “định”, đã bắt đầu đến được con đường về mình, con đường về với phố Hà Nội của mình.

Phong cảnh thiên nhiên, hoa cỏ của Thủy, sinh nở của Tâm và phong cảnh phố xá, nhà cửa, phố cổ Hà Nội của Quân đều là những đề tài khó, những đề tài mà các họa sĩ lớp trước đã “cày xới” và đã có nhiều họa sĩ thành danh với các đề tài ấy nhưng ba họa sĩ họ vẫn không ngại, vẫn muốn “dấn thân”, vẫn muốn “tự làm khó” mình, vẫn muốn phiêu lưu vì họ hiểu nghệ thuật là sáng tạo mà sáng tạo thì vô cùng. Thành công của ba họa sĩ trước tiên là sự tự tin, tin vào con đường mà mình chọn.