Âm thầm săn lùng đất ven hồ

Phương Linh - 13:11, 10/01/2022

TheLEADERMột số đại gia bất động sản tranh thủ xí phần những hồ nước lớn ở các tỉnh phía Bắc.

Âm thầm săn lùng đất ven hồ
Những hồ nước có cảnh quan đẹp như Đại Lải đang trở thành điểm đến của giới nhà giàu

Sức hút cũng như sự tăng giá chóng mặt của các bất động sản ven hồ trong những năm gần đây đã kích thích các doanh nghiệp săn tìm những hồ nước có cảnh quan đẹp và giao thông thuận tiện để phát triển khu đô thị kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng.

FLC từ biển về hồ

Một trong những doanh nghiệp ráo riết săn lùng các bất động sản ven hồ trong suốt hai năm diễn ra dịch Covid-19 phải kể đến Tập đoàn FLC. Nếu như trước đây FLC tập trung đầu tư các dự án lớn ven biển ở Thanh Hóa, Bình Định và Quảng Bình, thì gần đây, tập đoàn này đang tìm cách thâu tóm quỹ đất đẹp ven những hồ lớn ở Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ.

Đáng chú ý trong số bốn dự án doanh nghiệp này đề xuất đầu tư tại tỉnh Hải Dương có dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí hồ Bến Tắm.

Hồ Bến Tắm có diện tích mặt nước hơn 40ha và tại đây, FLC dự kiến phát triển một khu du lịch nghỉ dưỡng với khách sạn, biệt thư, sân golf, bến thuyền, trung tâm hội nghị… với tổng diện tích khoản 502ha.

Với địa hình đồi núi hết hợp với hồ nước, Bắc Giang cũng là tỉnh đang được FLC nhắm đến. Tại đây, FLC đang quy hoạch phát triển hai dự án bên hai hồ nước lớn là hồ Khuôn Thần và Hồ Cốc.

Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 130ha, nằm ở phía Tây Bắc huyện Lục Ngạn. FLC dự kiến sẽ phát triển khu đô thị kết hợp với du lịch sinh thái, thể thao với diện tích lập quy hoạch 873ha, quy mô dân số 10.000 – 13.000 người và khách lưu trú từ 2.500 – 3.000 khách/ngày.

Ngoài dự án trên, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí hồ Hố Cao tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang do Tập đoàn FLC cam kết đầu tư.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch dự án khoảng 426ha, với các hạng mục dự kiến đầu tư bao gồm khu du lịch sinh thái, khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao; khu thương mại, dịch vụ hỗn hợp; trung tâm hội nghị, sân golf. Khu công cộng gồm trường từ mầm non đến trung học cơ sở và đất xây dựng nhà ở.

Hồ Hòa Bình trong tầm ngắm

Với diện tích mặt nước rộng lớn hàng nghìn hecta kết hợp với núi đồi bao quanh, hồ Hòa Bình đang trở thành điểm đến của những dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Theo bản quy hoạch, hồ thủy điện thuộc tỉnh Hòa Bình sẽ được phát triển thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mục tiêu xây dựng 5.900 phòng khách sạn cùng hệ thống tiện ích vui chơi, giải trí.

Sau khi quy hoạch chung xây dựng được duyệt, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đề xuất đầu dự án nghỉ dưỡng có diện tích 356ha tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.

Cũng tại Suối Hoa, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Lạc Hồng – chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Serena tại huyện Kim Bôi – cũng đang xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng 161ha.

Ngoài ra, còn có dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven hồ Parahills Hòa Bình do Công ty Beru Group làm chủ đầy tư. Đây là dự án khu biệt thự 5 sao có bến du thuyền riêng nằm ở vị trí đẹp nhất trên lòng hồ Hòa Bình tại Thung Nai. Trên quy mô 15ha, dự án gồm 135 căn biệt thự, 5 shophouse và 2 căn dinh thự.

Một dự án khác đang được xây dựng là Cullinan Hòa Bình Resort, quy mô lên tới 43,67 ha do Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình xây dựng. Dự án nằm trên đảo Sung, hòn đảo lớn và đẹp nhất nằm giữa vùng lõi của lòng hồ Hòa Bình.

Ngoài ra, những hồ nước lớn khác ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp bất động sản.

Tại Phú Thọ, Licogi 14 đang phát triển dự án khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp hồ Phượng Mao và du lịch trải nghiệm thác Đá Mài với tổng diện tích khoảng 400 ha.

Tại Vĩnh Phúc, TMS cũng gây dấu ấn với dự án khu đô thị TMS Wonder Word Đầm Cói Vĩnh Yên có quy mô tới 154 ha bao xung quanh hồ Đầm Cói có diện tích mặt nước 70ha ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên.

Tại Thái Nguyên, Danko Group cũng đang phát triển dự án Danko City Thái Nguyên trên diện tích 50ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, với điểm nhấn là công viên hồ Mắt Rồng.

Lựa chọn mới của giới nhà giàu

Theo nhiều chuyên gia, những hồ nước lớn có không gian sống xanh, cảnh quan đẹp gắn liền với mặt nước, tạo cảm giác thư giãn cho người dân. Quan niệm truyền thống cho rằng những bất động sản ven hồ luôn có phong thuỷ rất tốt, mang lại may mắn, sức khoẻ, tài lộc cho gia chủ.

Những năm gần đây, với cuộc sống tại các đô thị, thành phố lớn ngày càng ô nhiễm, ngột ngạt, người dân càng có xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai tại các khu nghỉ dưỡng ven hồ.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS, điểm chung của các dự án ngôi nhà thứ hai này là có vị trí gần trung tâm thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, với thời gian di chuyển đến dự án không quá 1 tiếng rưỡi, giao thông thuận tiện.

Theo ông Tuyển, xu hướng sống hưởng thụ đang trở thành nhu cầu tất yếu của những người giàu có. Càng có dịch bệnh, môi trường đô thị càng ô nhiễm, ngột ngạt thì nhu cầu về sản phẩm bất động sản này càng cao.

Mặt khác, theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, các bất động sản nghỉ dưỡng, ngôi nhà thứ hai nằm ở các địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp lại rất phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Ông Chánh cho rằng, trong thời dịch, thay vì ở trong những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc, khả năng lây nhiễm cao, người dân có thể lưạ chọn ở trong các ngôi nhà thứ hai của mình. Các bất động sản này không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân mà còn giúp họ được nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng cuộc sống để tái tạo sức lao động.

Nhất là trong thời điểm hiện nay, với sự hỗ trợ của kết nối mạng, các phần mềm làm việc online, người dân không nhất thiết phải đến văn phòng vẫn có thể làm việc tại nhà và khoảng cách giữa ngôi nhà thứ hai đến trung tâm thành phố chỉ chưa đầy 2 tiếng, xu hướng bất động sản này sẽ càng bùng nổ và thu hút sự quan tâm của các khách hàng, nhà đầu tư.

Thực tế cũng cho thấy, các bất động sản có cảnh quan đẹp, ven hồ thường rất hữu hạn. Không chỉ riêng Việt Nam, các thành phố lớn trên thế giới, bất động sản ven sông cũng được xem là món hàng xa xỉ. Đó là một trong những lý do khiến bất động sản tại các khu vực ven hồ luôn có giá trị cao và tăng giá theo thời gian.

Theo Savills Việt Nam mới đây, giá bất động sản ven sông, hồ tại các thành phố lớn trên thế giới thường cao hơn từ 10 - 50% so với khu vực khác. Ở Hà Nội và TP.HCM, giá bất động sản ven hồ cũng cao hơn khu vực lân cận 20 - 30%. Lợi nhuận đầu tư và thanh khoản của dòng sản phẩm này luôn cao hơn hầu hết các loại hình nhà ở khác.

Trong đó, Tập đoàn Flamingo đã rất thành công với khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort ven hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau hơn 10 năm hoạt động, dự án đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế và vẫn đang chứng tỏ sức hút của một thiên đường nghỉ dưỡng sinh thái bậc nhất miền Bắc. Cùng với đó, giá biệt thự nghỉ dưỡng view hồ Đại Lải của dự án này vẫn đang không ngừng tăng giá theo thời gian. Hiện, những căn biệt thự ven hồ đang có giá từ vài chục đến hơn 100 tỷ đồng.

Cũng tại Vĩnh Phúc, các biệt thự nghỉ dưỡng theo phong cách Bắc Âu nằm trong quần thể sân golf bên hồ Thanh Lanh cũng đang có sức hút rất lớn với khách hàng, mặc dù giá đất mỗi căn biệt thự cũng lên đến hơn 10 tỷ đồng.