Áp dụng cơ chế chưa hiệu quả khiến khoa học công nghệ chậm phát triển

Nhật Hạ - 08:02, 08/06/2023

TheLEADERTrước lo ngại của đại biểu quốc hội về việc thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam chậm phát triển, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, mặc dù cơ chế chính sách để hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước đã sẵn có, nhưng vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Để phát triển thị trường khoa học, công nghệ từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, đại biểu quốc hội phản ánh và cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân cho việc này, từ đó cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ để phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhưng năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Do đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 7/6, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ có cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp.

Áp dụng cơ chế chưa hiệu quả khiến khoa học công nghệ chậm phát triển
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học và công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.

Về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Theo bộ trưởng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Áp dụng cơ chế chưa hiệu quả khiến khoa học công nghệ chậm phát triển 1
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.

Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng cho biết.

Ông mong đại biểu và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro này. Vì tính mới, dấn thân của nghiên cứu nên quá trình có thể thành công hoặc không. Nếu nghiên cứu khoa học không thành công cũng là kinh nghiệm cho cộng đồng, nhà khoa học theo hướng khác.

Theo ông, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ.

Do đó, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. 

Đối với phần trả lời chất vấn trên, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn tỉnh Cà Mau) lại cho rằng, Bộ trưởng chưa nêu ra được điểm ‘kích nổ’ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế.

Theo đại biểu Vân, câu trả lời là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam. Thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, vật liệu mới…

Đại biểu quốc hội cho rằng, liên kết trường đại học và doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc này còn nhiều hạn chế.