Bài học quản trị từ ấm trà Chủ tịch Samsung SDS tặng Chủ tịch CMC

Đặng Hoa - 12:21, 20/12/2019

TheLEADERTrong bối cảnh của nền kinh tế số, yếu tố minh bạch từ chiến lược, tầm nhìn phù hợp với khả năng thực thi của doanh nghiệp sẽ mang tính sống còn để các doanh nghiệp có thể “bắt tay” với những ông lớn quốc tế và phát triển bền vững, trường tồn.

Bài học quản trị từ ấm trà Chủ tịch Samsung SDS tặng Chủ tịch CMC
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC và Chủ tịch Samsung SDS

Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số là chủ đề được nhắc đến rất nhiều tại các sự kiện lớn, nhỏ cũng như trên các mặt báo. Trong nền kinh tế số, điều quan trọng làm nên chiến thắng của doanh nghiệp giờ đây không còn là thành lập sớm hay muộn, quy mô lớn hay bé mà là đi nhanh hay chậm.

Chuyển đổi số được ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC đánh giá là động lực để phát triển kinh tế số, để các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Khi nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng chuyển đổi số là một thứ vượt tầm khả năng thì ông Chính nhận định, cơ hội mà nền kinh tế số mang lại sẽ được chia đều, kể cả với các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Đình Trung- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, các doanh nghiệp Việt dường như đang trong một bối cảnh “thuận buồm xuôi gió”, quá may mắn để phát triển trong thời đại số. Ông Trung cho rằng, chuyển đổi số đơn giản là kết nối các điểm không thể kết nối theo cách làm bình thường. Ông Trung ví điều này như việc chất lỏng chảy len lỏi và lấp đầy các hang cùng ngõ hẻm, đó là cách kinh doanh thời đại số.

Những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sẽ được cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, từ đó mang lại nhiều dịch vụ, giải pháp an toàn và tốt hơn cho thị trường với chi phí thấp hơn, tiếp cận được hàng tỷ khách hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên, mấu chốt theo ông Chính là phải chuyển đổi từ tư duy, văn hoá và chiến lược để tạo các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ nền tảng sẵn có, để bắt tay được với những doanh nghiệp quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối tháng Bảy năm nay, Samsung SDS thuộc Tập đoàn Samsung đã chính thức đầu tư vào 25% cổ phần của tập đoàn CMC và tham gia vào Hội đồng quản trị của CMC, cùng chia sẻ chiến lược kinh doanh và xây dựng chương trình thúc đẩy tăng trưởng lẫn nhau. Vấn đề được đặt ra là tại sao một tập đoàn hàng trăm tỷ USD như Samsung lại cần hợp tác với một CMC “vô cùng bé” mặc dù đứng hàng thứ hai trong làng công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Ông Chính nhận định, có hai điều quan trọng. Thứ nhất, cả hai bên có chung tầm nhìn chiến lược đưa CMC thành công ty toàn cầu. Trong cuộc gặp với TS. WP Hong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung SDS, ông Chính đã được tặng một ấm trà đặc biệt của người Hàn Quốc, đổ 80% nước thì vẫn đầy nhưng đổ đến 100% là mực nước tụt xuống với ngụ ý rằng chỉ cần đạt 70 – 80% ước mơ thì cũng đã thành công. Thứ hai là cả hai bên cùng có chung cách tiếp cận, đều là các doanh nghiệp công nghệ và cùng đặt cược vào việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho toàn cầu.

“Samsung và Hàn Quốc đánh giá rất cao Việt Nam. Họ nhìn nhận, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của khu vực về phát triển kinh tế, về năng lực cạnh tranh…trong 10 năm tới. Họ cũng đánh giá rất cao nguồn lực của Việt Nam với thế hệ trẻ có khả năng tiếp cận học hỏi tốt”, lãnh đạo CMC nói tại Toạ đàm "20 năm Sao Đỏ: Kết nối tạo giá trị trường tồn".

Minh bạch để chuyển đổi số thành công

Một trong những từ khoá được nhắc đến rất nhiều về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây là “khát vọng”. Đó là khát vọng về một Việt Nam hùng cường được tạo nên từ sự kết nối để làm nên các doanh nghiệp quốc gia trong bối cảnh của nền kinh tế số. Như nhận định của ông Lê Phụng Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP thương mại Citicom kiêm Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, chuyển đổi số giờ đây là bài toán sống còn chứ không chỉ là câu chuyện muốn hay không muốn.

“Nếu muốn chuyển đổi số thành công thì không thể không minh bạch, đặc biệt là phải xuất phát từ định hướng của doanh nghiệp, sau đó là sứ mệnh, tầm nhìn. Còn với nhân viên là minh bạch về đường đi, cần có định hướng rõ ràng”, ông Thắng nói.

Bài học quản trị từ ấm trà Chủ tịch Samsung SDS tặng ông Nguyễn Trung Chính
Ông Lê Phụng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Citicom, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam

Đồng quan điểm, Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh cho rằng, quản trị minh bạch để phát triển bền vững sẽ là yếu tố cốt lõi giúp kết nối để tạo giá trị trường tồn. Trong góc nhìn của phát triển bền vững, cần có sự minh bạch xuất phát từ tầm nhìn, chiến lược, minh bạch trong hệ thống rồi mới đến yếu tố về tài chính.

Nhưng vấn đề được đặt ra là liệu minh bạch có cần phải đặt trong sự hài hoà với hệ sinh thái của nền kinh tế hay không. Làm thế nào để doanh nghiệp bảo vệ được sự minh bạch của chính mình khi đối tác không minh bạch, đối thủ càng không minh bạch dẫn đến hệ sinh thái chưa minh bạch? Như PGS. TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp nhìn nhận: “Nếu cửa nhà tôi không khoá thì làm sao tồn tại trong điều kiện nhiều ăn cắp”?

Theo ông Chính, nếu minh bạch xuất phát từ bên ngoài thì không giải quyết được vấn đề, còn nếu xuất phát từ nhu cầu của bản thân doanh nghiệp, minh bạch để hướng đến phục vụ khách hàng thì “không phải sợ gì cả”. Một người tốt sẽ kéo theo nhiều người tốt, sự minh bạch trong một hệ sinh thái cần được hình thành theo thời gian. Một sự minh bạch đem lại sự tưởng thưởng sẽ lôi cuốn được cộng đồng vẫn còn chưa minh bạch và sẽ lan toả giá trị; cao hơn minh bạch là sự tin tưởng, tin cậy.

Ông Chính cho rằng, khách hàng cần sự minh bạch của doanh nghiệp để hình thành nên sự tin cậy. Xây dựng niềm tin, sự tin cậy trong khách hàng bằng nỗ lực làm minh bạch chính mình và hệ sinh thái là xu thế của các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đặc biệt, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nhận định, cần hướng đến sự thay đổi tư duy của các doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp muốn thực sự cạnh tranh và phát triển thì phải có minh bạch từ chiến lược đến quản trị hệ thống, để “tôi thắng bạn cũng thắng và xã hội cùng thắng”.

Sau khi sự minh bạch được hình thành xuất phát trên nhu cầu của bản thân doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhìn nhận, cần có sự giám sát từ xã hội để doanh nghiệp luôn đảm bảo được tính minh bạch và thậm chí là minh bạch hơn. Ông Trung kể lại, có cổ đông đến gặp ông và thắc mắc tại sao không tìm cách đẩy giá trị cổ phiếu lên Cao. Ông Trung trả lời, Hưng Thịnh không làm chiêu trò mà tập trung vào tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch Alphanam Group Nguyễn Tuấn Hải cũng đánh giá, minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp cảm thấy tự tin trong quá trình cung cấp dịch vụ và sản phẩm, lấy được sự tin tưởng từ khách hàng cho doanh nghiệp và tin tưởng từ nhân viên cho người lãnh đạo. Doanh nghiệp lên sàn niêm yết là để xã hội giám sát còn minh bạch có thể xem là giá trị thương hiệu của người chủ doanh nghiệp, câu chuyện niêm yết còn tuỳ vào hành trình phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Bài học quản trị từ ấm trà Chủ tịch Samsung SDS tặng ông Nguyễn Trung Chính 1
Quản trị minh bạch để kết nối tạo giá trị trường tồn được các doanh nhân Sao Đỏ coi trọng

Kết nối tạo giá trị trường tồn

Sự minh bạch trong bối cảnh công nghệ bùng nổ được ghi nhận là sẽ tạo điều kiện để kết nối các khát vọng, kết nối tư duy chiến lược và kết nối các thế hệ doanh nhân.

Với lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh, kết nối có thể thực hiện qua công nghệ hoặc qua giao tiếp, nhưng yếu tố quan trọng được ông Trung nhấn mạnh là sự trân quý dành cho nhau: "Tôi không uống được rượu nên hay né tiếp khách nhưng tôi vẫn có các mối quan hệ tốt. Dù không thường xuyên gặp gỡ nhưng vẫn trân trọng và quý mến nhau”.

Còn trong công nghệ, ông Trung cho rằng cần tăng cường học hỏi và xoá nhoà khoảng cách giữa những người làm công nghệ và những người làm kinh doanh bởi có một thực trạng là một người làm công nghệ và một người làm kinh doanh ngồi với nhau sẽ không bao giờ tạo nên được một sản phẩm gần gũi với đời sống. “Vì vậy từ 1,5 năm trước, tôi đã bắt đầu tìm cách học về công nghệ”, ông Trung cho biết.

Từ góc độ của một doanh nghiệp đứng thứ hai Việt Nam về công nghệ thông tin, ông Chính cho rằng chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp các doanh nhân, doanh nghiệp kết nối và chia sẻ nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Không ai đi một mình trong bối cảnh hiện nay. Có kết nối, có chia sẻ thì chắc chắn tạo giá trị.

Đáng chú ý, sự kết nối này sẽ giúp hoàn thiện công thức "win-win-win" trong sự hợp tác giữa hai bên. Theo đó, không chỉ đôi bên cùng có lợi mà còn mang lại giá trị cho thị trường, môi trường và xã hội. Sự kết nối trong thời đại số không phân biệt tuổi đời, quy mô. Sự kết nối dựa trên các giá trị tương đồng.

Công thức này cũng đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp mới thành lập, cần phải nằm trong chiến lược ngay từ ban đầu của doanh nghiệp.

Trong đó, ông Lê Phụng Thắng cho biết, với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì trước hết phải lo tốt cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, tạo môi trường tốt cho họ làm việc, chia sẻ thoải mái và cân đối giữa công việc và gia đình. Muốn hình ảnh tốt, cộng đồng tốt thì nội bộ doanh nghiệp cũng phải tốt từ trên xuống dưới, đều phải cảm nhận được tính cộng đồng để có thể lan toả giá trị ra bên ngoài.