Bao giờ hết lo thiếu điện?

Nguyễn Cảnh - 14:49, 16/12/2023

TheLEADERBộ Công thương nhận định, năm tới sẽ xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện.

Đảm bảo, nhưng vẫn khó!

Với bản kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 mới phê duyệt, Bộ Công thương cho biết việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt cơ bản sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên, đây sẽ là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung ứng điện như không có nguồn điện lớn nào đưa vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Theo dự báo, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc là khoảng 306 tỷ kWh. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tua - bin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.

Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy điện (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá và thị trường điện. Các đơn vị phát điện có trách nhiệm chủ động đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy và thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) đủ cho phát điện hàng tháng trong năm.

Bộ Công thương nêu rõ, EVN chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu/thông số đầu vào và kết quả tính toán kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024.

Đồng thời, EVN đảm bảo tuân thủ các cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại mua bán điện, cung cấp nhiên liệu đã ký kết, đặc biệt là các hợp đồng/thỏa thuận với các dự án nhà máy điện BOT, chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy tranh chấp theo các điều khoản đã cam kết hoặc để phát sinh các nghĩa vụ pháp lý và tài chính bất lợi cho Việt Nam.

Trước 15/3/2024, EVN báo cáo kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô.

Đặc biệt, trong kế hoạch phê duyệt, Bộ Công thương nhiều lần nhấn mạnh tới các dự án lưới điện trọng điểm trong hoạt động giải tỏa công suất cũng như như truyền tải liên vùng. Theo đó, EVN được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, phối hợp địa phương xử lý dứt điểm các khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.

Đồng thời, EVN chịu trách nhiệm vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500kV Bắc – Trung – Nam.

Kế hoạch cũng xác định, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cùng có trọng trách rà soát, đôn đốc để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối và các dự án nguồn điện dự kiến vận hành năm 2024.

Tính tới hiện tại, 4 dự án thành phần của đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đã được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, tiến độ dự án là 2023-2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2024. 

Trách nhiệm của EVN

Trở lại giai đoạn 2011-2020, Bộ Công thương từng thừa nhận hoạt động phát triển điện lực vẫn tồn tại hạn chế dẫn đến vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, an ninh cung cấp điện bị ảnh hưởng.

Theo đó, các vấn đề chủ yếu xoay quanh chậm tiến độ nhiều dự án nguồn, phát triển nguồn chưa phù hợp với phân bố và phụ tải cũng như hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới mất cân bằng cung - cầu điện xuất hiện trên cả 3 miền.

Cụ thể, theo rà soát mới đây, nhiều nguồn điện chậm tiến độ như miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600MW nguồn nhiệt điện.

Tỷ lệ thực hiện quy hoạch của các nguồn điện lớn từ than, khí (đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh cung cấp điện) chỉ đạt 63%, dẫn tới thiếu hụt nguồn cấp và tỷ lệ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống thấp.

"Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Một vấn đề quan trọng khác là việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nhập khẩu. Để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và thời gian tới đây sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (viết tắt là LNG) cho sản xuất điện.

Theo tính toán, lượng than nhập khẩu ước tính lên tới khoảng 50 triệu tấn năm 2025, khoảng 80 triệu tấn năm 2030; lượng LNG nhập khẩu ước tính gần 3 triệu tấn năm 2025 và gần 10 triệu tấn năm 2030. Bộ Công thương cảnh báo, việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp khối lượng lớn nếu không có chiến lược và chính sách phù hợp sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Đáng chú ý, hệ thống điện vận hành với nhiều cấp điện áp từ hạ áp (0,4kV) đến trung áp (6-35kV), cao áp (110, 220kV) và siêu cao áp (500kV). Lưới điện truyền tải 220 - 500kV giữ vai trò xương sống của hệ thống điện quốc gia. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tỷ lệ thực hiện đường dây 500kV so với quy hoạch chỉ khoảng 72%, đường dây 220kV là 80%, tại một số khu vực vẫn còn xuất hiện tình trạng đầy và quá tải lưới điện.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, bản chất của việc thiếu điện phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt nằm ở hai yếu tố nguồn cung và lưới điện chưa được đảm bảo theo yêu cầu quy hoạch cũng như các chương trình phát triển đề ra. 

Tham chiếu kết quả thực hiện các bản quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, chỉ riêng cho thời kỳ 2011-2020, nguồn cung và lưới điện, chủ yếu thuộc trách nhiệm của các Tập đoàn Nhà nước mà chủ đạo là EVN, đều không hoàn thành trọn vẹn.

Dẫu vậy, sẽ là chưa công bằng và khách quan khi “gán" toàn bộ trách nhiệm cho EVN về điệp khúc thiếu điện hàng năm. 

Dù nắm trên 90% thị phần bán lẻ điện cũng như nắm giữ các dự án nguồn điện trọng điểm của quốc gia, thì EVN cũng khó lòng hoàn thành theo đúng kế hoạch, quy hoạch đề ra. Lý do là còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như quy định, chính sách liên quan hay ý chí của đối tác ngoại ở nhiều trường hợp dự án trọng điểm ngành điện.

Tuy nhiên, về yếu tố truyền tải, đặc biệt là lưới điện liên miền, giữ vai trò mạch máu trong cơ thể điện lực, thì EVN đang chưa tròn vai ở mặt kỹ thuật.

Điều này đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện quy hoạch điện VII điều chỉnh vừa qua, khi EVN không hoàn thành đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao. Cụ thể, đường dây 500kV đạt gần 59%, đường dây 220kV đạt gần 53%, trạm biến áp 500kV đạt khoảng 87%, trạm biến áp 220kV đạt khoảng 93%, nhiều dự án chậm tiến độ.

Tới nay, khi khung phát triển chung về nguồn điện đã rõ nét thông qua quy hoạch điện VIII, cũng như công tác xử lý hậu kỳ cho việc phát triển thiếu quy hoạch điện mặt trời, điện gió thời kỳ trước còn đang tiếp diễn, có lẽ lời giải hợp lý và hợp bối cảnh nhất cho cung ứng điện nằm ở hệ thống truyền tải điện liên vùng.

Nhất là với miền Bắc, vốn nằm ở vùng trũng về phát triển năng lượng tái tạo và phụ tải chủ yếu được đáp ứng bằng nhiệt điện và thủy điện, việc hoàn thành vận hành đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối trước 30/6/2024 sẽ giải đồng thời 2 nút thắt: thiếu điện ở miền Bắc và nỗi khổ bị giảm phát của nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời khu vực miền Trung và miền Nam.

Giữa năm trước, khi quá trình dự thảo quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng đang diễn ra, EVN đã kêu khó đảm bảo cung ứng điện thời gian 2022-2025. Nhất là miền Bắc có nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng ghi nhận thực tế các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn tăng trưởng phụ tải.

Điều này dẫn tới việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 (thời điểm nắng nóng cao điểm), công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Trong khi đó, việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc vẫn bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc – Trung.

Thực tế đã chứng minh cảnh báo trên, những tháng mùa khô vừa qua tại miền Bắc chứng kiến Hà Nội đã phải cắt điện luân phiên nhiều địa bàn và tình thế đã ít nhiều được cải thiện nhờ …thời tiết (mưa lớn tại thượng nguồn, cải thiện lượng nước về thủy điện tại các tỉnh miền nùi phía Bắc).

Tại Nghị trường kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua, vấn đề thiếu điện đã đặc biệt nóng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh, thực tế cho thấy, trong những năm qua hầu như không có dự án nào lớn được đầu tư, nếu có thì cũng chậm triển khai, không đảm bảo tiến độ. Những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm EVN, PVN và Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam.

Nói như đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp thì, tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, hầu như năm nào cũng xảy ra. Vì vậy, cần xem xét cách thức EVN điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian sắp tới để có đánh giá cụ thể về hoạt động của tập đoàn này.

Bàn về kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn, không thể năm nào Nhà nước cũng bù đắp cho EVN được, tiền bù đắp là từ ngân sách, tiền của người dân, nên gây bức xúc đối với người dân.

Đặc biệt, cần cụ thể hóa trách nhiệm và tiến hành thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng để rút ra được nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thiếu điện cũng như tình hình kinh doanh của EVN hiện nay.