Bất động sản Hà Nội tăng trưởng cao hơn TP. HCM

Hứa Phương - 14:39, 21/11/2019

TheLEADERNguồn cung chào bán mới của thị trường căn hộ Hà Nội lần đầu tiên vượt TP.HCM trong nhiều năm trở lại đây, nhưng số căn bán được vẫn thấp hơn và giá sơ cấp cũng tăng thấp hơn.

Trong lịch sử phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, TP. HCM luôn được coi là thị trường dẫn dắt do là địa phương khởi phát cũng như dẫn đầu nguồn cung chào bán mới, khả năng hấp thụ, mức độ tăng giá và xu hướng thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019 lần đầu tiên thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự đảo chiều giữa hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM.

Theo đó, nguồn cung chào bán mới ở thị trường Hà Nội là 26.800 căn hộ, tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi TP. HCM là 21.619 căn và giảm 3% so với cùng kỳ. 

Số lượng căn hộ bán được ở Hà Nội trong kỳ cũng tăng trưởng tới 21% và đạt 21.271 căn, trong khi TP. HCM chỉ tăng 2%. Tuy nhiên, tổng số lượng căn hộ bán được ở TP. HCM vẫn cao hơn, đạt 23.922 căn.

Bên cạnh đó, mức độ tăng giá căn hộ ở Hà Nội chậm hơn TP. HCM. Trong khi TP. HCM được ghi nhận mức giá sơ cấp tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 1.851 USD/m2 thì Hà Nội chỉ tăng 3% và đạt 1.337 USD/m.

Bất động sản Hà Nội tăng trưởng cao hơn TP. HCM
Giá căn hộ ở Hà Nội thấp hơn so với TP. HCM

Bà Dung nhận định, những con số trên cho thấy các công ty bất động sản ở TP.HCM đang gặp khó khăn trong quá trình hoàn thành các thủ tục pháp lý cho dự án mới, dẫn đến nguồn cung giảm, giá tăng cao.

Lý giải sâu hơn về hiện tượng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đặt vấn đề: Vì sao cùng áp dụng một bộ luật mà thị trường ở hai địa phương lại có những biến số trái ngược nhau? Nguyên nhân nằm ở khâu nào?

Ông Châu dẫn chứng thêm, 9 tháng đầu năm 2019, TP. HCM ghi nhận không có dự án bất động sản nào được công nhận chủ đầu tư. Có 32 dự án được bán nhà ở hình thành trong tương lai với 19.000 căn nhưng có đến 31 dự án có quy mô vừa và nhỏ, duy nhất có một dự án lớn với 10.000 căn được bán ra ở khu Đông.

Những dự án căn hộ thuộc phân khúc trung cấp có giá từ 3 tỷ đồng trở xuống được bán hết 100%, và những dự án cao cấp có giá trên 3 tỷ đồng bán hết 70%.

Từ đó, ông Châu nhận định thị trường bất động sản TP. HCM gặp khó không phải do bản thân thị trường mà là do luật pháp và người thực thi luật pháp.

Cụ thể, thị trường bất động sản TP. HCM hiện đang bị tác động bởi bốn yếu tố: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, công tác thực thi pháp luật, quy trình thủ tục hành chính, trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận công nhân viên chức nhà nước.

Do những khó khăn về pháp lý nên khoảng hai năm qua, các doanh nghiệp bất động sản TP. HCM đang chuyển hướng đầu tư vào phân khúc khác như bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản sinh thái... hay đầu tư ra những tỉnh thành vùng ven.

Đây là tín hiệu tốt cho vùng ven nhưng sẽ tạo ra hệ lụy là nguồn cung mới ở TP. HCM giảm, dẫn đến giá tăng cao và đa phần người dân có thu nhập thấp, trung bình có nhu cầu ở thực thì không mua được nhà.

Dù vậy, theo ông Châu, từ đầu năm đến nay, chính quyền TP. HCM đã có nhiều nỗ lực gỡ vướng cho các dự án, đặc biệt là 124 dự án vướng các thủ tục pháp lý phải dừng trước đó.

Cụ thể, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM cho biết, đến tháng 10/2019, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục, 12 dự án đã được cấp phép xây dựng, 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư và 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục liên quan. Một số dự án còn lại đang trong quá trình giải quyết.