Bất động sản Tây Nguyên bất động

An Chi - 11:00, 21/05/2023

TheLEADERQuý I/2023, bất động sản Tây Nguyên đã chứng kiến sự "đứng yên bất động" khi thị trường sơ cấp hoàn toàn không ghi nhận giao dịch.

Bất động sản Tây Nguyên bất động
Thị trường bất động sản Tây Nguyên vốn "sốt nóng" giai đoạn năm 2021 đang trong tình trạng đóng băng thanh khoản

Cách đây gần hai năm trước, nhiều địa phương tại khu vực Tây Nguyên như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum),… đã chứng kiến sự bùng nổ và lan rộng của những cơn sốt đất. 

Một làn sóng từ các sàn giao dịch, nhà đầu tư đã đổ bộ mạnh mẽ vào các thị trường này. Kéo theo đó là sự tăng giá đất phi mã theo cấp số nhân. Đơn cử như tại Đắk Lắk, chỉ trong vòng hơn một năm, tại nhiều khu vực giá đất nền đã tăng cao từ 2 - 3 lần so với thời điểm trước đó.

Giá đất tăng mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu suy giảm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã khiến Tây Nguyên trở thành "miền đất hứa" của nhiều nhà đầu tư bất động sản với kỳ vọng mang lại một khoản lợi nhuận lớn. 

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng nóng, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản cả nước do lãi suất tăng cao cùng các biện pháp kiểm soát dòng vốn vào thị trường và sự suy giảm của nền kinh tế, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã hạ nhiệt. 

Từ giữa năm 2022, sức mua trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. Theo nhiều đơn vị môi giới tại khu vực, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt đi xem đất như giai đoạn trước. 

Ông Lê Thế Quân, Giám đốc Thiên Tâm Land cho biết, tại những khu vực sốt đất của giai đoạn trước, thanh khoản ghi nhận rất trầm lắng, người bán nhiều hơn người mua. Lượng giao dịch trên toàn thị trường khu vực Tây Nguyên thời điểm quý III/2022 đã giảm 50 - 70% so với quý trước. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa ghi nhận tình trạng bán tháo, cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư bất động sản Tây Nguyên vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục trong ngắn hạn.

Đến những tháng đầu tiên của năm 2023, bất động sản Tây Nguyên mới thực sự "đóng băng" khi thị trường sơ cấp hoàn toàn không ghi nhận giao dịch.

Tại Đắk Lắk, làn sóng giảm giá, cắt lỗ bất động sản đã diễn ra mạnh mẽ. Giá bất động sản liên tục giảm nhưng không có giao dịch. Thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, các sản phẩm bất động sản thế chấp tại ngân hàng đã bị hạ mức định giá. Nhiều người vay tiền ngân hàng thế chấp bằng bất động sản đã buộc phải nộp bổ sung tiền, tài sản khác hoặc ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Trên thị trường bất động sản Đắk Lắk chỉ còn một số các sản phẩm thuộc phân khúc đất nền dân sinh có mức giá trung bình và thấp, phổ biến từ 400-600 triệu đồng/nền thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư do mức giá rẻ và đáp ứng nhu cầu ở thực tại khu vực, thay vì đầu cơ, chờ tăng giá để bán lại như giai đoạn trước đây.

Tương tự, tại Lâm Đồng, thị trường bất động sản vốn rất "sốt nóng" giai đoạn năm 2021 cũng trong tình trạng đóng băng thanh khoản. 

Trong quý I/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 19 dự án đang mở bán, chủ yếu là dự án đất nền và biệt thự nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại Lâm Đồng gần như "đứng yên bất động", không có giao dịch. 

Tại Gia Lai cũng không có dự án bất động sản nào đang chào bán ra thị trường. Thị trường đất nền trầm lắng, hoàn toàn không còn sôi động so với trước đây. Tại Kon Tum cũng không ghi nhận giao dịch.

Bối cảnh trầm lắng của thị trường đã khiến hàng loạt doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản đóng cửa, ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này đều cắt giảm nhân sự khoảng 50% so với năm trước, cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc.

Có đến 50 - 60% môi giới bất động sản tìm công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, theo nhiều nhân viên môi giới và sàn giao dịch, họ không đóng cửa hoàn toàn mà chỉ tạm dừng một thời gian đợi thị trường hồi phục.

Dự báo về tương lai của thị trường bất động sản Tây Nguyên trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản khu vực này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khó hồi phục trong ngắn hạn.

Nguyên nhân là do mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển với những quy hoạch đô thị mới, sự phát triển của hạ tầng giao thông, song sự phát triển của bất động sản về cơ bản, vẫn sẽ chỉ bám sát những khu vực đã phân định quy hoạch rõ ràng, nằm trong chiến lược phát triển của địa phương.

Mặt khác, sau đại dịch, xu hướng nhiều nhà đầu tư mong muốn tìm "căn nhà thứ hai" tại khu vực này cũng đã hạ nhiệt. Cùng với đó là cơ hội đầu tư sinh lời không đạt như kỳ vọng do sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến các nhà đầu tư không còn mạnh dạn xuống tiền.