Bền vững hóa, tạo tín chỉ carbon nông nghiệp từ góc nhìn doanh nghiệp

Nhật Phạm - 11:01, 04/02/2024

TheLEADERTrong khuôn khổ các nhóm đối tác công – tư ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiệu quả, tạo ra những giá trị mới.

Bền vững hóa, tạo tín chỉ carbon nông nghiệp từ góc nhìn doanh nghiệp
Nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Ảnh: Hoàng Anh

Cụ thể, báo cáo hoạt động trong năm 2023 của nhóm đối tác công - tư ngành rau quả, đại diện Pepsico Việt Nam cho biết, công ty này đã phối hợp với Syngenta để áp dụng các công nghệ mới trong quản lý tưới tiêu, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất canh tác khoai tây lên gấp ba lần, đồng thời giảm tiêu thụ nước và thuốc trừ sâu.

Bên cạnh đó, nhóm công – tư ngành rau quả cũng tập trung đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cho người nông dân canh tác một số nông sản như dứa, dưa chuột, rau cải, đậu cove. Chương trình tập trung vào nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con tiết kiệm nước tưới và gia tăng thu nhập.

Trong ngành lúa gạo, nhóm đối tác công – tư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Công ty Bayer Việt Nam, doanh nghiệp này đã tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, kiến thức, kỹ thuật canh tác tới các hợp tác xã và người nông dân.

Không chỉ nâng cao thu nhập, tiết kiệm chi phí, Bayer Việt Nam cũng thu thập dữ liệu để thực hiện báo cáo giảm phát thải cho ngành lúa gạo, giúp bà con canh tác lúa bền vững hơn, lúa gạo dễ tiến vào các thị trường lớn trên thế giới.

Đánh giá cao sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp với ngành nông nghiệp Việt Nam, tại hội nghị toàn thể nhóm đối tác công – tư ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thông qua đồng hành với bà con nông dân giúp canh tác, sản xuất nông nghiệp bền vững và hiện đại hơn, doanh nghiệp đang thể hiện trách nhiệm cao trên cả ba khía cạnh là kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Binu Jacob, Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng chủ trì Các nhóm đối tác công – tư ngành nông nghiệp, nhìn nhận, câu chuyện phát triển bền vững ngành nông nghiệp có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong an ninh lương thực, đặc biệt khi thế giới đang trải qua những biến động bất thường và khó lường.

Đồng quan điểm, từ góc nhìn một doanh nghiệp có chuỗi cung ứng gắn chặt với nông nghiệp và nông dân, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến câu chuyện bảo vệ môi trường, giảm phát thải.

Tuy nhiên, những thách thức này đã khơi dậy và thôi thúc trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân hướng tới sự phát triển bền vững.

Từng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con nông dân bền vững hóa hoạt động canh tác và nâng cao năng suất, ông Thòn cho biết, điều khó nhất là các giải pháp phải đảm bảo được thu nhập, sinh kế của bà con nông dân. Đây là nội dung doanh nghiệp cần lưu ý khi triển khai các chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cũng lưu ý câu chuyện tạo ra tín chỉ carbon của ngành nông nghiệp. Ông Thòn cho rằng, hướng đi đúng đắn là giải pháp xây dựng sản phẩm nông nghiệp carbon thấp, hướng đến các thị trường khó tính. Điều này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào công cuộc giảm phát thải.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có giải pháp đo đạc, báo cáo, thẩm định tín chỉ carbon tạo ra được từ hoạt động giảm phát thải. Từ đó, tín chỉ carbon sẽ tạo ra nguồn lợi đáng kể trợ lực cho nông dân và doanh nghiệp.

Góp ý về câu chuyện tín chỉ carbon, ông Huỳnh Tấn Dũng, đồng trưởng nhóm đối tác công – tư về hồ tiêu và gia vị, cho biết, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Việt Nam, nơi ông công tác, đã triển khai một số chính sách giảm phát thải trong chuỗi cà phê, hồ tiêu, tuy nhiên vẫn còn lúng túng vì chưa có chính sách rõ ràng trong việc tạo ra tín chỉ carbon.

Do đó, ông Dũng đề xuất cần có các kế hoạch hành động giảm phát thải ở từng lĩnh vực, đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu, công cụ tính toán, đánh giá, giao cho một số đơn vị làm đầu mối về giảm phát thải.