Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường lắng nghe đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp

Phạm Sơn - 19:59, 18/10/2021

TheLEADERTrước những trăn trở được cộng đồng doanh nghiệp nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã chỉ đạo ban soạn thảo dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sửa đổi 7 vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường lắng nghe đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: PLO.

Ngày 11/10 vừa qua, 11 hiệp hội doanh nghiệp đã cùng ký tên vào thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên môi trường với nội dung “khấn thiết đề nghị xem xét lại một số quy định trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020”.

Nói về kiến nghị này, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiêp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), một trong những hiệp hội ký tên vào thư kiến nghị, doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng tuân thủ quy định về môi trường, cũng như thấu hiểu được các xu hướng phát triển bền vững và cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Việt Nam.

Thực tế, những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu đều đã phải thực hiện các quy tắc về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của đối tác, từ trước cả khi có quy định của luật.

Như vậy, việc gửi thư kiến nghị không phải là phản đối quy định, phản đối luật, mà là phản đối một số nội dung trái luật và bất khả thi, không tạo ra hiệu quả về môi trường mà còn tạo cơ chế thiếu minh bạch, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

“Chúng tôi khẳng định tất cả các hiệp hội đều ủng hộ quy định về môi trường”, ông Nam nhấn mạnh.

Trong các nội dung trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, vấn đề về việc thành lập Văn phòng EPR nhận được sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhận xét, Luật Bảo vệ môi trường 2020 không có nội dung nào về việc thành lập cơ quan này. Bên cạnh đó, Văn phòng EPR được thành lập bởi Bộ Tài nguyên và môi trường nhưng chi phí hoạt động lại lấy từ tiền đóng góp của doanh nghiệp, điều này trái với quy định hiện hành của pháp luật.

“Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để lo lắng về việc thành lập thêm 63 văn phòng EPR cho 63 tỉnh, thành phố, sẽ đội rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp”, đại diện VASEP nhấn mạnh.

Điều 83 trong dự thảo nghị định quy định “Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải thì lập hồ sơ đề nghị gửi về Văn phòng EPR để được xét duyệt hỗ trợ”. Đây cũng là điều bất hợp lý khi có nguy cơ tạo ra cơ chế xin – cho, doanh nghiệp phải đi xin chính tiền mình đóng góp.

Theo kinh nghiệm quốc tế như tại châu Âu, Hàn Quốc, Văn phòng EPR là do các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp lập ra để quản lý tiền đóng góp cho hoạt động thu gom, tái chế. Cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò cố vấn và giám sát.

Sáng ngày 18/10, Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã tổ chức cuộc họp với các hiệp hội doanh nghiệp có kiến nghị xem xét lại một số điều về dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo nghị định, đồng thời chỉ đạo ban soạn thảo sửa đổi 7 nhóm vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung lớn, trong đó bao gồm vấn đề liên quan đến việc thành lập Văn phòng EPR.

Ban soạn thảo dự thảo nghị định cũng tiếp thu ngay một số điều kiến nghị của doanh nghiệp và cho biết sẽ nhanh chóng sửa đổi, cập nhật trước khi trình Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp từ các hội, hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển.