Bức tranh màu tối mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2019

Trần Anh - 15:10, 27/04/2019

TheLEADERNếu năm 2018, đa phần các ngân hàng đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh thì sang năm 2019, bức tranh chung toàn ngành trở nên kém tươi sáng hơn nhiều.

Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào các cuộc họp Đại hội cổ đông đã diễn ra dồn dập trong mấy ngày qua. Thay vì tiến hành suôn sẻ như năm trước, Đại hội cổ đông năm nay ở nhiều ngân hàng diễn ra trong bầu không khí "kém vui" vì nhiều vấn đề như cổ tức, kế hoạch kinh doanh giảm tăng trưởng hay thay đổi nhân sự.

Diễn biến phức tạp nhất trong số này phải kể tới Eximbank. Ngân hàng này tổ chức Đại hội cổ đông trong bối cảnh chức danh Chủ tịch HĐQT do một số thành viên HĐQT bầu không được công nhận. Các thành viên HĐQT của Eximbank, đại diện cho các nhóm cổ đông tại ngân hàng này vốn đã có nhiều bất đồng trong nhiều năm qua.

Cuối cùng Eximbank đã không thể tổ chức Đại hội cổ đông theo kế hoạch do không có đủ số cổ đông có quyền biểu quyết tới dự họp. Ngân hàng dự kiến sẽ tổ chức buổi họp khác trong vòng 1 tháng tới.

Vietcombank, ngân hàng đầu ngành của Việt Nam thì tuyên bố điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận trong năm 2019. Cụ thể, các cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 20.000 tỷ đồng, thấp hơn so với con số 20.500 tỷ đồng mà ngân hàng đã gửi tới các cổ đông trước đó.

Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT của Vietcombank cho biết, trước khi đại hội, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là việc trích lập dự phòng đầy đủ, nhất là các khoản nợ đã bán cho VAMC. Nếu các ngân hàng đã trích lập đủ rồi thì yêu cầu chia sẻ với doanh nghiệp, tức là chia sẻ lợi nhuận bằng việc giảm lãi suất.

Cũng trong nhóm ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối, nhưng tình hình của BIDV phức tạp hơn nhiều. Năm ngoái, BIDV công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Ngân hàng nhà nước sau đó đã chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank.

Tuy nhiên, đến giờ, thời điểm chính xác cho hoạt động tăng vốn của BIDV vẫn là một dấu hỏi. Ban lãnh đạo cho biết quá trình đàm phán tăng vốn đang gặp nhiều vướng mắc về điều khoản chuyển nhượng. Ban lãnh đạo BIDV cho biết sẽ cố gắng hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Việc không thể sớm tăng vốn ảnh hưởng lớn tới khả năng tăng trưởng tín dụng của BIDV. Năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ so với mức đề ra tại tài liệu công bố trước đó. Tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12%. Ngân hàng chưa có phương án chia cổ tức cho cổ đông.

Còn lại Vietinbank, vấn đề tăng vốn trở thành chủ đề nóng tại Đại hội cổ đông của ngân hàng bên cạnh cú sốc thua lỗ trong quý cuối cùng của năm 2018. Ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 9.500 tỷ đồng với điều kiện được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018 và thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.

Ngân hàng dự kiến thoái vốn tại các công ty con, bán danh mục đầu tư, trong đó ngân hàng đang ráo riết thực hiện bán dự án xây dựng trụ sở Vietinbank Tower tại Khu đô thị Ciputra. Đây là dự án quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng đang xây dựng dở dang và bị chậm tiến độ nhiều năm qua do giới hạn về vốn đầu tư vào tài sản cố định của ngân hàng.

Bức tranh ảm đạm mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng 2019
Các cổ đông biểu quyết trong Đại hội cổ đông một ngân hàng

Sacombank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô lớn nhất Việt Nam cũng nói không với chia cổ tức cho cổ đông suốt 4 năm nay. Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo Sacombank cho biết, sau gần 2 năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của Đề án.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cũng trần tình việc không chia cổ tức cho cổ đông kể từ sau sáp nhập đến nay, là do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính, dẫn đến tạo tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông. Sacombank đang là ngân hàng tái cơ cấu, nên mọi hoạt động của Sacombank đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước, khi nào cơ quan này chấp thuận đề nghị chia cổ tức, ngân hàng mới thực hiện.

Mặc dù không chia cổ tức, song Sacombank vẫn thông qua kế hoạch chia thưởng 20% cho cán bộ nhân viên khi lợi nhuận vượt kế hoạch. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, từ sau khi ông Dương Công Minh trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank, Ban lãnh đạo đề xuất giải pháp này nhằm khuyến khích cán bộ nhân viên tăng năng suất lao động từ đó tăng thu nhập.

Không giống Sacombank, thông lệ hàng năm của VPBank vẫn chia cổ tức khá đều đặn cho cổ đông bằng tiền hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, năm nay VPBank cũng thông qua kế hoạch không chia cổ tức để dồn nguồn lực cho phát triển.

Ngân hàng cũng dự kiến lợi nhuận năm 2019 chỉ là 9.500 tỷ đồng, tăng 3% so với năm ngoái. Dù mức tăng khiêm tốn, song ban lãnh đạo của ngân hàng cho biết, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường trong năm ngoái, mức tăng lợi nhuận trước thuế của VPBank rơi vào khoảng 14%, tương ứng mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng của ngân hàng này.

Trường hợp hiếm hoi ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh khả quan là MBBank. Tại Đại hội cổ đông năm 2019, ngân hàng thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.560 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018.

MBB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.604 tỷ đồng lên 25.841 tỷ trong năm nay với các hoạt động phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ESOP và phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Với số vốn điều lệ tăng thêm hơn 4.236 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng để đầu tư xây dựng trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh, công nghệ và trang thiết bị khác cần thiết.