Các quy định đang ‘thắt’ thị trường xăng dầu thế nào?

Kiều Mai - 08:51, 29/06/2023

TheLEADERNhiều quy định được đặt ra nhằm mục đích duy trì ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo an toàn trong lao động và kinh doanh, nhưng trên thực tế, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo VESS.

Nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) trong báo cáo mới nhất về thị trường xăng dầu đánh giá, các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu, cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh.

Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng, từ phân phối tới bán lẻ, tạo thành hiện tượng độc quyền bán. Qua đó, duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp, mà do điều kiện lịch sử đã bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ.

VESS nhận định điều này làm giảm sức hút gia nhập trên các phân đoạn thị trường, cũng như tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng một phân đoạn hoặc trên toàn bộ thị trường.

“Hệ quả là thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây. Như vậy, mục đích chính của quản lý thị trường đã không đạt được”, tổ chức này phân tích.

Các quy định đang ‘thắt’ thị trường xăng dầu thế nào?
Thị phần thị trường xăng dầu Việt Nam 2022. Nguồn: Báo cáo VESS.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ mong muốn đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời hy vọng ổn định mức giá của một đầu vào quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề này có thể hình thành tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh.

Từ đó, theo VESS, ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân, và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, cơ chế hiện hành nhằm thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia đang đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đầu mối, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp này, vì họ phải gánh chịu hoàn toàn các chi phí liên quan.

Gánh nặng này sau đó được chuyển lên vai người tiêu dùng cuối cùng.

Do thay đổi quy định về thời gian dự trữ trong Nghị định 95, trên thực tế, tổng mức dự trữ xăng dầu Việt Nam hiện đang ở mức khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng), khá thấp so với tiêu chuẩn dữ trữ xăng dầu quốc gia của Tổ chức Năng lượng quốc tế (90 ngày nhập ròng).

VESS cho rằng mức dự trữ này khó có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất ngờ, hoặc xảy ra các biến cố trong quan hệ quốc tế.

Nhiều điểm yếu trong cách thức tính giá xăng dầu

Theo báo cáo, cách thức tính giá cơ sở hiện nay có nhiều điểm yếu, khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế, và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.

Cách tính thuế hoàn toàn theo tỷ lệ (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) hiện nay có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột, hoặc khuyếch đại giá trong nước khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột (hiệu ứng gia tốc).

Đồng thời, cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đang gián tiếp làm giảm tính đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu, do doanh nghiệp nhập khẩu có xu hướng tập trung mua xăng dầu từ các quốc gia đã kí kết hiệp định FTA có mức thuế suất thấp hơn mức thuế nhập khẩu bình quân (Hàn Quốc, Singapore, Malaysia).

Các quy định đang ‘thắt’ thị trường xăng dầu thế nào? 1
Vị trí của giá xăng và thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia trên thế giới ngày 03/04/2023. Nguồn: WorldBank và Globalpetropice.

Thực tế cho thấy Việt Nam có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với một vài quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, đồng thời, là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu.

Mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người, thì mức giá này cao hơn so với một vài quốc gia phát triển như Mỹ, Nga, hoặc so với các nước có cùng điều kiện kinh tế như Malaysia, Indonesia.

Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao, do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất.

“Chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế biến động bất thường như hiện nay”, VESS nhấn mạnh.