Các tập đoàn lớn lao đao trong đại dịch

An Chi - 13:12, 17/04/2020

TheLEADERCác tập đoàn lớn, từ tư nhân đến nhà nước, đều hứng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19.

Cơn bĩ cực của các doanh nghiệp lớn như BRG, FLC, Vietnam Airlines, Vingroup trong đại dịch Covid-19 tiếp tục được hé lộ trong hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 16/4.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tập đoàn đã chịu thiệt hại lên tới 1.000 tỷ đồng. Hiện tập đoàn vẫn còn tồn 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.

BRG là tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó có những mảng thiệt hại nặng nề như du lịch, khách sạn và sân golf do nhưng dự án thuộc tập đoàn này như khách sạn Hilton Hanoi Opera, Sheraton Grand Đà Nẵng, sân golf Kings' Island và Legend Hill... hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng.

Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, hoạt động sản xuất ô tô, xe máy, điện thoại đang bị ngưng trệ do thiếu linh kiện, phụ tùng, khiến tập đoàn thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn cũng phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, sau hai tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không chỉ còn có 2-5% năng lực. Với quy mô như hiện nay, nếu kinh doanh tốt sau dịch bệnh và có các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm Vietnam Airlines mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.

Một báo cáo của Ủy ban quản lý vốn nhà nước cho thấy Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với doanh thu hợp nhất ba tháng đầu năm 2020 ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.

Uỷ ban này ước tính, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu Vietnam Airlines cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Đại gia lao đao trong đại dịch
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga phát biểu tại hội nghị

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giãn tiến độ nộp tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp tới 5 tháng, nhưng đại diện các doanh nghiệp tiếp tục kêu gọi hỗ trợ thêm.

Đại diện Tập đoàn BRG đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu giảm thuế cho doanh nghiệp lên tới 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50% và miễn thuế sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Đại diện tập đoàn Vingroup đề xuất kéo dài gia hạn thời hạn nộp thuế lên một năm và miễn tiền thuế đất năm 2020 đối với các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch.

Tập đoàn FLC và nhiều doanh nghiệp khác như Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đề nghị thành phố xem xét giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế, tiền thuê đất năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét miễn hoặc chậm nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp năm 2019 đến hết năm 2020.

Bên cạnh những hỗ trợ về thuế và tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp cũng đề nghị chính quyền Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp triển khai dự án.

Đại diện Vingroup kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch cục bộ chung; sớm công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư sử dụng đất sau khi hết dịch; tổ chức triển khai sớm các dự án đã được phê duyệt và giải phóng mặt bằng. 

Ngoài ra, Vingroup cũng mong muốn nhận được hỗ trợ của thành phố để sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án được phê duyệt vì ở các sở, ngành vẫn có tình trạng đẩy trách nhiệm sang thành phố trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Bà Nga cho rằng, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf khi đảm bảo được công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Chính phủ có thể ra quy định cho phép chơi golf theo nhóm không quá 8 người, giãn cách tối thiểu 2m. Điều này sẽ giúp các sân golf đảm bảo duy trì vận hành, tránh một lượng lớn lao động phải nghỉ việc.

Trả lời các kiến nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về việc cải cách hành chính, đến nay, thành phố đã triển khai 1.818 thủ tục dịch vụ công từ phường đến các sở ngành.

Đáng chú ý, Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời. 

Ông Chung cho biết, Hà Nội đã đưa vào hoạt động ứng dụng Hà Nội SmartCity, ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có thể phản ánh các kiến nghị qua tiện ích của phần mềm này và thành phố sẽ tiếp nhận giải quyết ngay. 

Với các kiến nghị của doanh nghiệp về việc cho phép chậm nộp tiền thuế đất, tiền thuê đất đến hết tháng 6/2021, lãnh đạo Hà Nội cho biết, việc xem xét miễn, giảm tiền thuê đất và tiền sử dụng đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19 đã được Chính phủ quy định cụ thể. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố sẽ giải quyết ngay đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc của Thủ tướng với thành phố, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.