Cách 'đọc vị trận đấu' mùa Covid của Chủ tịch Alpha Books

Quỳnh Chi - 14:46, 30/09/2021

TheLEADERKhả năng “đọc vị và tổ chức trận đấu” của người lãnh đạo là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng sinh tồn của doanh nghiệp.

Cách 'đọc vị trận đấu' mùa Covid của Chủ tịch Alpha Books
Ông Nguyễn Cảnh Bình, nhà sáng lập Alpha Books

Sống chung với dịch

Trong thời kỳ dịch bệnh, mọi kết nối của con người bị đứt gãy, các hoạt động sinh hoạt thường ngày bị tạm ngưng và trì hoãn. Đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, các cá nhân nói riêng và tổ chức, doanh nghiệp nói chung không tránh khỏi những hoang mang, lo lắng, thậm chí là hoảng loạn.

Tuy nhiên trước những khó khăn đó, con người vẫn có thể duy trì một nền tảng vững chắc nhờ vào niềm tin và sự lạc quan về tương lai trước những tín hiệu tích cực của xã hội khi đã có những giải pháp để kiểm soát dịch bệnh.

Sau dịch bệnh, mỗi người trở lại với một trạng thái mới và doanh nghiệp cũng xuất hiện trong một phiên bản khác biệt với bản lĩnh và quyết tâm mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là người lãnh đạo đã truyền được một nguồn năng lượng tốt cho đội ngũ nhân sự.

Dưới góc độ của ngành xuất bản, đại dịch xảy ra khiến Alpha Books trải qua hai vấn đề. Trước hết là tâm lý hoang mang khi tình hình dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng hơn dự đoán. Doanh nghiệp không thể biết được mức độ ảnh hưởng mà trạng thái khủng hoảng tác động đến mình cũng như thời gian “bão tố” sẽ kéo dài.

Vấn đề thứ hai chính là tâm lý của đội ngũ nhân sự khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trở nên xấu đi. Tuy nhiên trong thời kỳ khủng hoảng, với tư cách là người chèo lái doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Bình, người sáng lập Alpha Books trong chương trình Cafe thực chiến do câu lạc bộ CSMO tổ chức đã cho rằng, nhà lãnh đạo trước hết cần tự có ý thức giữ an toàn cho chính bản thân mình thì mới có thể đủ bản lĩnh, đủ an tâm để chỉ đạo và ra những quyết định quan trọng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ổn định tâm lý của đội ngũ nhân sự cũng là việc cần được chú trọng thông qua những hoạt động như duy trì các buổi họp trực tuyến, tương tác thường xuyên với các cấp quản lý, lãnh đạo và tổ chức các hoạt động kết nối.

Dưới góc độ của ngành thương mại, doanh nghiệp cần dẫn dắt đội ngũ nhân sự để chấp nhận tình trạng hiện tại nhằm làm giảm thiểu sự xáo trộn hết mức có thể.

Nếu coi tình trạng này là một khó khăn thì doanh nghiệp phải tìm cách đối đầu với khó khăn đó như duy trì các chuỗi cửa hàng, linh hoạt các hoạt động kinh doanh truyền thống. Nếu coi đây là một cơ hội, thì doanh nghiệp cần tìm hiểu xem cần làm gì để tận dụng tình thế hiện tại, hoặc coi đây là một dịp để cải tổ và làm mới các hoạt động kinh doanh trong thời kỳ mới.

Về mặt vật lý, trong cuộc khủng hoảng này, lượng tri thức mà con người cần tiếp thu còn nhiều hơn trước. Tri thức là kim chỉ nam giúp con người tìm ra lối thoát trong cuộc sống.

Với ngành xuất bản, cuộc khủng hoảng sẽ không làm doanh nghiệp lụi tàn bởi nhu cầu tìm kiếm tri thức của con người không hề giảm đi. Trong ngắn hạn, sức mua của người dân với mặt hàng sách có thể giảm đi. Mặt khác, trong dài hạn, ngành xuất bản vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để những người sản xuất ra tri thức phát triển đa dạng, mạnh mẽ hơn.

Với thực trạng doanh số của sách giấy tại thị trường Việt Nam giảm do tình hình dịch bệnh, Alpha Books đã triển khai loại hình cho thuê sách. Loại hình này cho phép khách hàng có thể đọc sách với giá rẻ, đặc biệt là các đầu sách cho trẻ em.

Dịch bệnh chính là cơ hội để triển khai hình thức kinh doanh mới này với đa dạng mô hình và đối tác như trường học, doanh nghiệp, khu chung cư. Theo ông Bình, mô hình thư viện ở Việt Nam đã tan vỡ trong vòng vài chục năm qua khiến người Việt không quen thuộc với mô hình này nữa.

Trong một nền kinh tế chia sẻ, các doanh nghiệp chia sẻ về nguồn lực, nền tảng sẽ mang lại lợi ích chung, lớn hơn cho một cộng đồng trong thời dịch bệnh.

Tâm thế của người lãnh đạo

Một người lãnh đạo cần nhận thức được trách nhiệm lớn của mình. Đó là trách nhiệm đối với chính bản thân, với doanh nghiệp và với xã hội.

Nếu doanh nghiệp có những ý tưởng có ích cho xã hội nhưng sở hữu nguồn lực hạn chế, việc lan tỏa, chia sẻ là cần thiết để những ý tưởng đó có thể được thực thi, phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ và kết nối của đối tác, để ý nghĩa xã hội được nhân rộng hơn nữa.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách thức nắm bắt cơ hội khác nhau nhưng vẫn phải dựa trên nền tảng là nội lực đã tích lũy trong nhiều năm về đội ngũ nhân sự, sự thấu hiểu ngành nghề và cả khả năng dẫn dắt của người lãnh đạo để từ đó có những đánh giá chính xác về điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp và chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội, chuyển đổi số nhanh hơn.

Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, công nghệ số chỉ là yếu tố mang tính bù đắp cho các thiếu sót của mô hình kinh doanh hiện tại chứ không hoàn toàn là hướng đi bắt buộc cho mọi doanh nghiệp. Khi đó, người lãnh đạo phải nhìn nhận được tình thế để tìm ra hướng đi phù hợp xác định được mục tiêu trong ngắn, trung và dài hạn.

Trong mỗi một “trận đấu”, từng doanh nghiệp ở trong một tình thế khác nhau dựa theo năng lực và vị trí của mình. Từ đó, cách thức chiến đấu với đối thủ, với tình thế hiện tại cũng cần phải linh hoạt cho phù hợp. Người lãnh đạo cần cân nhắc kỹ càng các quyết sách.

Trong thời kỳ biến động hiện nay, không phải mọi doanh nghiệp đều cần phải chuyển đổi số hoặc đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến. Đặc biệt trong ngành xuất bản, trải nghiệm của khách hàng với sách giấy là một yếu tố quan trọng tạo dựng nên sở thích và thói quen đọc sách của từng cá nhân.

Cách 'đọc vị trận đấu' mùa Covid của Chủ tịch Alpha Books 1
Trong ngành xuất bản, trải nghiệm của khách hàng với sách giấy là một yếu tố quan trọng tạo dựng nên sở thích và thói quen đọc sách của từng cá nhân.

“Bẫy công nghệ” trong thời đại hiện nay dường như đang lan tỏa nhanh chóng hơn do sự đứt gãy về liên kết con người. Xu hướng về cộng nghệ là một xu hướng lớn và có thể diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn. 

Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, công nghệ không hoàn toàn giải quyết được mọi vấn đề.

Việc áp dụng công nghệ, số hóa còn phụ thuộc vào đặc điểm và tính chất của doanh nghiệp bởi lẽ công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Các yếu tố về mặt vật lý như các cửa hàng, chi nhánh vẫn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm, tương tác mang tính chân thực. Sự phục vụ từ con người tốt hơn những nền tảng công nghệ, đặc biệt đối với những nhóm khách hàng đặc thù như mẹ bầu, người tiêu dùng sách,... 

Các cửa hàng vật lý giống như như sự thu hút về mặt truyền thông với các sản phẩm thật, người thật và tương tác thật. Các trải nghiệm mua sắm trực tuyến lại là yếu tố bổ trợ, giúp cho các hoạt động kinh doanh được diễn ra hiệu quả hơn.

Khách hàng sẽ là người bắt đầu một xu hướng và doanh nghiệp có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu của họ. Tuy nhiên, một người lãnh đạo doanh nghiệp cần có khả năng để dự đoán xu hướng để nắm bắt thời cuộc nhanh chóng hơn.

Sau dịch bệnh, con người có xu hướng chăm sóc cho tâm trí, cho sức khỏe tinh thần của bản thân nhiều hơn, cũng như sắp xếp lại và làm mới cuộc sống của mình. Doanh nghiệp sau đại dịch cũng cần làm mới mình, chú trọng câu chuyện chiến lược kinh doanh và quan tâm hơn nữa sức khỏe về mặt tinh thần của toàn doanh nghiệp.