Bản lĩnh của Vietjet trong bão Covid-19

Thu Phương - 09:00, 10/02/2021

TheLEADERGiữa lúc ngành hàng không trên toàn thế giới gần như tê liệt trước sức càn quét kinh hoàng của đại dịch Covid-19, Vietjet – một hãng hàng không tư nhân của Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua bao sóng gió.

Bản lĩnh của Vietjet trong bão Covid-19
Vietjet đã vượt dịch ngoạn mục khi đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Kết thúc năm 2020, thông tin từ doanh nghiệp này cho thấy, Vietjet là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam và là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới duy trì được hiệu quả kinh doanh khả quan và không lỗ trong đại dịch. Hành trình vượt dịch thành công của Vietjet là điều rất đáng ghi nhận.

Nhìn lại năm 2020 đầy biến động, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không trên toàn thế giới bước vào giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 100 năm.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không thế giới (IATA), năm 2020, doanh thu hàng không thế giới giảm 419 tỷ USD, mức giảm 60% so với năm 2019, các hãng lỗ 116 tỷ USD. Từ khi bùng phát, Covid-19 đã “đốt” 41% giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết, trị giá 157 tỷ USD.

Theo Flight Global, giá cổ phiếu ngày 31/12/2020 so với ngày 2/1/2020 của nhiều hãng hàng không trên thế giới đã giảm từ 40% đến 90%. Ở châu Mỹ, cổ phiếu của Latam Airlines Group giảm 84%, United Airlines giảm 50%, American Airlines giảm 43%.

Mặc dù chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã hỗ trợ hàng không 173 tỷ USD nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đường bay quốc tế phải đóng cửa, bay nội địa cũng bị hạn chế nên nhiều hãng hàng không đã và đang “chết dần”.

Theo ước tính, gần 300 hãng hàng không trên thế giới thua lỗ, nhiều hãng ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, các hãng may mắn sống sót cũng có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Số hãng hàng không vượt qua được đại dịch Covid-19 chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Ở châu Á, có thể kể đến Korean Air khi 2 quý gần đây liên tục lãi nhờ kịp thời chuyển sang vận chuyển hàng hóa. Ở châu Âu, Ryanair và Wizzair là 2 hãng duy nhất có cổ phiếu tăng trưởng dương trong năm 2020. Ở Mỹ, giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ Allegiant Air cũng tăng trưởng tích cực, đạt 7% trong 12 tháng.

Tại Việt Nam, giữa bối cảnh ngành hàng không trong nước đối mặt với muôn vàn khó khăn, kết thúc năm 2020, Vietjet đã vượt dịch ngoạn mục khi đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 ghi nhận Vietjet không lỗ, đạt mức tăng trưởng dương. Hiện cổ phiếu của Vietjet tuy có giảm chút ít so với trước dịch nhưng luôn ổn định ở mức cao kể cả lúc cao điểm dịch. Hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đang từng bước vươn lên, phục hồi sau đại dịch, trở thành “hiện tượng” không chỉ trong nước mà còn của hàng không thế giới.

Đáng chú ý, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan, Vietjet còn đạt các chỉ tiêu an toàn về con người khi vừa được AirlineRatings đánh giá là 1 trong 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất và an toàn nhất trên toàn cầu.

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Vietjet được AirlineRatings xếp hạng an toàn hàng không tuyệt đối 7/7 sao, mức cao nhất thế giới. Các tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng này dựa trên việc xem xét đạt các chỉ số theo quy định an toàn bay, đặc biệt là việc xử lý tình huống và áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong thời gian qua.

Mặc dù thực hiện hàng trăm chuyến bay từ vùng dịch chở đồng bào về nước nhưng đến hết năm 2020, không một tiếp viên hay một hành khách nào của hãng bị lây nhiễm Covid-19.

Đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc và thành công của hãng hàng không này, PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong khi hàng trăm hãng hàng không lớn trên thế giới đang đứng trước nguy cơ phá sản thì Vietjet vẫn hòa vốn. Trên thế giới chắc chỉ có vài hãng hàng không làm được điều này.

“Đại bàng gốc Việt” đủ sức vươn ra thế giới

Có thể ví Covid-19 như một cơn siêu bão đang bổ bộ xuống toàn nền kinh tế và gây thiệt hại nặng nề chưa từng có cho ngành hàng không. Song trong khó khăn cũng là lúc sức nội lực, bản lĩnh của doanh nghiệp được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bản lĩnh của Vietjet trong bão Covid-19
Một đội bay của Vietjet

Đằng sau những kết quả kinh doanh khả quan là nỗ lực rất lớn từ Vietjet để vượt qua khủng hoảng. Trong đó, một trong những yếu tố khiến hãng hàng không này có thể vượt bão thành công là nhờ tiềm lực tài chính mạnh; đó là tài sản và một số khoản tài chính mà doanh nghiệp tích lũy từ gần chục năm trước và từ chuyển nhượng.

Đặc biệt, với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lý tưởng 1/1, hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới (tỷ lệ này của các hãng hàng hàng không thế giới thường là từ 3-5/1); doanh nghiệp này hiện cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn với chi phí thấp để tăng cường nội lực tài chính, bứt tốc sau dịch.

Đây cũng là lợi thế khiến các đối tác yên tâm hoãn, giãn nợ, giảm nợ trong giai đoạn đại dịch năm 2020 cho Vietjet.

Yếu tố thứ hai quan trọng không kém là khả năng quản trị, kinh doanh hiệu quả. Còn nhớ, giai đoạn cắt giảm các chuyến bay, Vietjet là hãng đầu tiên được Cục Hàng không cấp phép cho chở hàng trên khoang chở khách, trước đó là cấm hoàn toàn. Điều này cũng góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn về doanh thu.

Cùng với đó, Vietjet liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang lại giá trị mới cho hành khách cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Điển hình như chiếc thẻ bay “vạn năng” Power Pass cho phép người dùng bay không giới hạn trên gần 300 chuyến bay mỗi ngày và 45 đường bay của Vietjet phủ khắp Việt Nam. Qua đó, Vietjet đã đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của hành khách, kích cầu du lịch và cải thiện dòng tiền nhờ tăng nguồn thu từ giá vé.

Vietjet cũng là hãng lọt Top 12 thế giới về doanh thu phụ trợ (vốn có tỷ suất lợi nhuận rất cao trên doanh thu).

Yếu tố thứ ba, góp phần trong thành công vượt dịch của Vietjet là ngay từ đầu khi thành lập, doanh nghiệp này đã chọn mô hình hàng không chi phí thấp, giá vé rất hợp lý khiến ai cũng có thể bay.

Trong đại dịch, hãng này tiếp tục cắt giảm chi phí đến 50% khiến chi phí vận hành hãng bay bình quân chỉ còn vài chục tỷ đồng/ngày, giảm mạnh so với trước đây. Năm 2019, chi phí bình quân của Vietjet là 128 tỷ đồng/ngày, Vietnam Airlines ước là 268 tỷ đồng/ngày.

Trong thành công của những điểm sáng hàng không thế giới, có một điểm chung rất đáng lưu ý là 4 hãng hàng không kể trên đều là hàng không chi phí thấp. Các hãng như Ryanair, Wizzair… gần như còn nguyên sau dịch cả về tàu bay, tiềm lực tài chính và niềm tin của các nhà đầu tư.

Giới chuyên gia hàng không cho rằng, những hãng bay chi phí thấp sẽ là cứu cánh để ngành hàng không bật dậy sau dịch, thoát khỏi khủng hoảng.

Kinh tế trưởng Brian Pearce của IATA: “Không nghi ngờ gì nữa, trong điều kiện bắt đầu hồi phục, khách du lịch giải trí nhạy cảm với giá vé, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các hãng vận chuyển chi phí rất thấp là rất lớn so với các hãng truyền thống dùng tàu bay thân rộng có chi phí cao”.

Là một chuyên gia rất tâm huyết với sự phát triển của nền kinh tế và sức sống của doanh nghiệp Việt, GS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tuy mới ra đời nhưng Vietjet đang cho thấy sự lớn mạnh và khả năng cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn hàng không trên thị trường quốc tế.

“Chúng ta đang hô hào lót ổ đón đại bàng nước ngoài, tuy nhiên, thực tế chưa một quốc gia nào trên thế giới trở thành cường quốc bằng “đại bàng” nước ngoài mà phải bằng chính nội lực của các doanh nghiệp trong nước”, ông Thiên nói và nhấn mạnh rằng, những doah nghiệp như Vingroup, Thaco, Vietjet… có thể trở thành “đại bàng gốc Việt” đầy tiềm năng như thế.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp Việt, nếu được sự hỗ trợ, “chăm nuôi” từ Chính phủ, cụ thể là gói hỗ trợ kinh tế thứ hai, trongđó có hàng không, vị chuyên gia này tin tưởng, với tiềm lực vốn có, lứa đại bàng trong nước này sẽ lớn nhanh, đủ sức vươn ra thế giới.