Leader talk
Để chữa lành căn bệnh tinh thần phổ biến nhất của giới doanh nhân
Nếu nói là có một “căn bệnh” phổ biến nhất đối với các CEO thì đó là nỗi sợ hãi và cô đơn.
Wiseducation vừa ra mắt dịch vụ tham vấn và khai vấn tâm lý nhằm giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hóa giải những trải nghiệm cực đoan và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, chuyển hóa bản thân và xây dựng động lực.
Linh hồn của Wiseducation là Tiến sỹ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học đường Đại học California State Long Beach. Sự kết hợp hài hoà giữa những trải nghiệm phong phú và những liệu pháp khoa học, tâm linh, liệu pháp chánh niệm nhận thức đã giúp ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành tâm lý học đường.
Bộ sách “Dạy con trong hoang mang” của ông đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều bậc cha mẹ và giành giải Sách Hay năm 2018 về hạng mục sách giáo dục tại Việt Nam.
Động lực nào lớn nhất khiến ông quyết định trở về Việt Nam và khởi nghiệp một lần nữa với mạng lưới chuyên gia tâm lý của Wiseducation? Khó khăn lớn nhất của ông là gì khi quyết định đặt lại nền móng cho tham vấn và khai vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp ở thời điểm những căng thẳng, lo âu, trầm cảm ngày càng phát lộ, nhất là sau đại dịch, khi những hoang mang, lo lắng về tương lai mờ mịt của cả loài người đang bị đẩy đến cực điểm?
TS. Lê Nguyên Phương: Hành trình về Việt Nam của tôi không phải bắt đầu gần đây mà có thể nói là bắt đầu từ ngày tôi rời khỏi đất nước vào năm 1990. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ sẽ có ngày trở lại để đóng góp khả năng chuyên môn cho đồng bào của mình. Thế rồi mỗi nhân duyên là một lời nhắc nhở về ý nguyện của mình.
Chẳng hạn, tôi còn nhớ khi biết được vai trò của một chuyên gia tâm lý học đường trong môi trường học đường khi đang học ngành nay cuối thập niên 90, tôi đã nghĩ thầm, “giá mà có một chuyên viên tâm lý học đường từ thời mình còn đi học phổ thông thì mình đã bớt nhiều vấn đề về tâm lý và cuộc đời của mình đã thành công và hạnh phúc hơn.” Từ đó, ý nghĩ đem ngành nghề tâm lý học đường nói riêng và các dịch vụ về tâm lý về Việt Nam đã bắt đầu nung nấu trong tôi.
Nhưng chỉ đến năm 2007 khi nghe chuyện bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp bị nhà trường nghi lấy trộm 47.800 đồng nên chuyển qua cho công an thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ không có sự hiện diện của cha mẹ, đến nỗi sau đó em bị hoảng loạn và có nhiều triệu chứng chấn thương tâm lý, tôi mới liên lạc với một số người quen trong ngành tâm lý và vận động để xây dựng tâm lý học đường cho Việt Nam.
Tuy vậy, suốt 13 năm qua về Việt Nam cùng các bạn giáo sư từ nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ để xây dựng ngành, càng ngày tôi càng nhận thấy nhu cầu đa diện và phức tạp của nhiều thành phần và lứa tuổi tại đây mà một phương cách tiếp cận duy nhất chẳng hạn thông qua hình thức tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, cho một nhóm đối tượng duy nhất là các em học sinh, và chỉ làm việc với một đối tác duy nhất như các trường đại học, sẽ có nhiều giới hạn để giải quyết tình trạng chung.
Hơn nữa, với ý thức về nhu cầu sức khỏe tinh thần ngày càng tăng của xã hội, các dịch vụ chẩn đoán, tham vấn và can thiệp tâm lý từ các rối loạn đến khuyết tật ngày càng xuất hiện như nấm sau cơn mưa. Tuy nhiên, tình trạng nở rộ các dịch vụ này xảy ra trong khi các định chế đánh giá và quản lý thiếu sót đã khiến cho nhiều thân chủ hay bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả tai hại. Trong một số trường hợp, vấn đề không chỉ là ăn bánh vẽ, tiền mất tật mang, mà còn là nỗi tuyệt vọng và ý định hay hành động tự sát của thân chủ.
Và một vấn đề khác như bạn cũng đã nhìn ra, những rối loạn tâm lý đặc biệt là lo âu và trầm cảm mà hiện nay nhiều người đang đối mặt không chỉ đơn giản phát xuất từ những nhận thức sai lầm có thể vài buổi tham vấn để tái cấu trúc lại nhận thức mà chúng thường có gốc rễ sâu hơn.
Từ những yếu tố ngoại tại là những cuộc chiến tranh mà dân tộc này đã đi qua, những phân biệt bởi các sai lầm mang tính định ch... khiến cho sự khổ đau và kết uất nội tại lại có cơ hội hình thành nhận thức sai lầm về giá trị và ý nghĩa sống của từng cá nhân. Covid-19 cùng những vấn đề kinh tế đi kèm chỉ là điểm kích phát khiến cho ý thức sự bất ổn về tâm lý và nhu cầu về tâm lý lại càng tăng cao.
Các vấn đề về văn hóa, cơ chế, dân trí,… đan xen lẫn nhau khiến cho việc hỗ trợ, hay tham vọng hơn là chữa lành cho xã hội, đòi hỏi một tầm nhìn toàn diện kết họp với môt phương tiện linh hoạt hơn. Và dĩ nhiên điều đó không thể thực hiện bởi một người. Ở đây có một câu thành ngữ đáng nhớ, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Chấn thương tâm lý của xã hội cần đi xa và đi lâu để chữa lành. Vấn đề còn lại là đi như thế nào và đi với ai.
Với doanh nhân, người đang chịu trách nhiệm nặng nề về số phận của chính mình, của gia đình mình, và cả hàng ngàn nhân viên mình, áp lực ngày càng đè nặng trên vai khiến cho không ít người đã bị đổ vỡ, mất phương hướng, có người đã tìm đến tôn giáo như một cứu cánh, hoặc các khoá huấn luyện tinh thần, các trường đào tạo doanh nhân. Nhưng thật đau xót khi đã có người điên vì thiền, hoặc lại rơi vào một mê cung khác. Trong bối cảnh thực giả lẫn lộn, những triết lý kinh doanh quá coi trọng đồng tiền đang làm mất đi nhân tính của cả người thầy và người trò, ngay cả trong môi trường tâm linh, theo ông, làm thế nào để chữa lành cho chính mình một cách thấu đáo nhất?
TS. Lê Nguyên Phương: Quả thực có nhiều doanh nhân đã quá căng thẳng và áp lực trong công việc của mình khiến họ phải đi tìm những phương tiện giải tỏa mà trong đó có con đường tôn giáo hay tâm linh. Và cũng có những doanh nhân khác xem việc theo một tông phái hay phương thức thiền tập nào đó là “trên gấm thêu hoa” điểm tô cho sự thành đạt về tài chính của mình – nhiều doanh nhân đã “shopping around” tìm kiếm một vị thầy tâm linh như đi mua hàng.
Có nhiều doanh nhân đã quá căng thẳng và áp lực trong công việc của mình khiến họ phải đi tìm những phương tiện giải tỏa mà trong đó có con đường tôn giáo hay tâm linh.
Tuy nhiên, có thể việc truy tầm những giá trị tâm linh của một số doanh nhân hiện nay có những nguyên nhân sâu xa hơn. Thẳng thắn mà nói, văn hóa truyền thống của Việt Nam không xem trọng doanh nhân. Không cần viện dẫn các bảng xếp hạng truyền khẩu như “sĩ nông công thương” mà chỉ cần hỏi mấy ông bố bà mẹ xem họ muốn con họ lớn lên học gì làm gì. Đối với họ trở thành một chuyên gia nhưng bản chất vẫn đi làm công có vẻ vẫn danh giá hơn một người không có khoa bảng nhưng độc lập và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm hàng ngàn người khác.
Nhưng ở mặt khác, trong thâm tâm nhiều người trong xã hội vẫn thèm khát và ganh tỵ sự giàu có của giới doanh gia. Sự ngụy tín tiềm tàng trong văn hóa cộng với việc phá hủy các giá trị truyền thống của những chính sách trước đây đã đẩy nhiều người chúng ta vào cảm thức hư vô, xem mọi tri thức và giá trị là chủ quan, vô nghĩa, và tương đối trong một đời sống không có mục tiêu và giá trị nội tại. Việc bị đánh mất hay không thấy giá trị đích thực của mình cho chính mình và cho xã hội đã đẩy một số doanh nhân lên đường tìm kiếm những ý nghĩa và giá trị sống để bù đắp cho vực thẳm của tâm hồn mình.
Khổ nỗi việc chọn thầy và con đường tâm linh không phải như đi mua hàng. Chúng ta không thể dựa vào những thước đo của sản phẩm hay dịch vụ như số lượng người mua và phản hồi, lại càng không thể lấy diện tích hay sự hoành tráng của tự viện làm thước đo chiều sâu và cao của sự giác ngộ tâm linh của vị thầy. Và kinh nghiệm và giai thoại cũng cho thấy nhiều vị thầy đã bị tha hóa vì cám dỗ tài chính từ đồ đệ của mình.
Để chữa lành cho thấu đáo nhất không gì ngoài con đường nhìn lại để trọn vẹn thông hiểu chính mình với những ý tưởng, cảm xúc, hành vi trong tương quan với hiện thực bên ngoài mà không đánh giá để yêu ghét hay khinh trọng gì cả. Đó có lẽ là nghịch lý nhất của tâm thức. Giá trị đích thực của chúng ta chỉ có thể được tìm thấy khi chúng ta ngưng tất cả giá trị nhị nguyên của tâm thức. Để chữa lành, chúng ta cần cả tỉnh thức lẫn từ bi với chúng ta.
Trong thế giới kinh doanh đầy áp lực và lúc nào cũng phải tiến về phía trước của doanh nhân khiến họ không có cả thời gian để sống cho chính mình, cách tư vấn và khai vấn của Wiseducation có gì khác biệt, để có thể tạo nên sự thay đổi từ bên trong một nhà lãnh đạo, từ đó tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ và lâu dài?
TS. Lê Nguyên Phương: Thời gian để sống cho mình không cần đến riêng một tuần để đi du lịch thậm chí không phải một tiếng đồng hồ để khoanh chân nhắm mắt thiền tọa mà nó tồn tại từng phút giây trong ngày. Khi nào chúng ta có thể trả tâm về trạng thái “rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng” thì năng lực của cả thân tâm đều được phục hồi.
Mạng lưới chuyên gia của Wiseducation được đào tạo từ các quốc gia khác nhau, sử dụng liệu pháp đa dạng, và có những trải nghiệm với thân chủ khác nhau, nhưng chúng tôi ít nhiều đều quen thuộc với các liệu pháp có căn bản chánh niệm, một phương pháp hiệu quả đem con người thực sự trở lại bản tính, tạo sự thay đổi lâu dài từ bên trong phát xuất từ tri kiến chân thực về chính mình.
Với cá nhân tôi, bất cứ khủng hoảng tâm lý nào để tìm đến tham vấn cũng có thể xem là một khủng hoảng hiện sinh hay thậm chí khủng hoảng bản thể để từ đó chúng ta chuyển hóa qua một giai đoạn mới thành công và hạnh phúc hơn trong đời sống của chính mình.
Từng chữa lành cho nhiều ông bố, bà mẹ là doanh nhân, anh có thể cho biết "căn bệnh" phổ biến nhất với các CEO hiện nay là gì? Làm thế nào để giúp họ vượt qua nỗi cô đơn, sợ hãi, những áp lực liên tục?
TS. Lê Nguyên Phương: Tôi không dám nói là đã chữa lành cho nhiều phụ huynh là doanh nhân nhưng có thể nói là có dịp nghe họ chia sẻ và hỗ trợ để họ tìm lại sự bình an và tự tin vào chính mình nhiều hơn. Bạn đã chẩn đoán đúng bệnh đó. Nếu nói là có một “căn bệnh” phổ biến nhất đối với các CEO thì đó là nỗi sợ hãi và cô đơn.
Nỗi sợ hãi dạy con không đúng, sợ mình không cứng cỏi và nghị lực đủ để đối phó với cuộc sống, sợ mình không đủ quyến rũ để giữ lại những mối tình cảm, và dĩ nhiên sợ thất bại trên thương trường, càng thành công càng sợ hãi. Cho dù thành công trên thương trường bao nhiêu đi nữa, ẩn khuất dưới vỏ tự tin và kiêu hãnh đó vẫn là nỗi sợ hãi “chưa đủ” cho một mẫu hình lý tưởng nào đó mà tâm thức phóng chiếu.
Còn nỗi cô đơn? Đó là cảm giác không chốn quay về nương tựa, dù mệt mỏi đến kiệt sức với lượng công việc tràn ngập, với kỳ vọng và sự dựa dẫm của từ nhân viên đến thành viên thân tộc, mà vẫn phải gắng gượng mỉm cười tỏ vẻ mạnh mẽ. Như đã có người nói với tôi, họ không cần những lời tư vấn khuyên bảo mà chỉ cần một ánh mắt và một cái ôm thực sự cảm thông giữa người và người.
Họ đều là những người có kiến thức rộng rãi và ý chí mạnh mẽ, điều họ cần nhất là một người biết lắng nghe sâu sắc với tấm lòng rộng mở để họ có thể tin cậy chia sẻ những điều mà đứa bé vẫn còn hiện diện trong họ tha thiết được thấu hiểu và cảm thông. Và phải chăng ai trong chúng ta, dù là doanh nhân hay không, đều ít nhiều sợ hãi và cô đơn và đều cần cảm thông và thấu hiểu.
Anh có thể kể một vài câu chuyện ấn tượng trong các trải nghiệm của riêng mình với các CEO nói trên?
TS. Lê Nguyên Phương: Tuần trước tôi có dịp tham vấn cho một người chủ và cũng là CEO của một công ty có trụ sở ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Cách đây 12 năm cô ấy đã suýt mất mạng vì tự sát khi bị công ty phá sản, nhà cửa bị tịch thu, chia tay với chồng. Nay lại một đợt khủng hoảng nữa với doanh thu giảm sút gần như zero với nạn Covid-19 mà vẫn phải lo lắng cho nhân viên, đã thế lại còn bị họ hàng nghi ngờ chiếm dụng tiền của bà con mặc dù cô ta đã cưu mang họ trong nhiều năm.
Trong buổi tham vấn với tôi, cô ấy đã chợt nhớ và kể lại một kỷ niệm lúc nhỏ khi còn nghèo khó phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị bà con sỉ vả và nhục mạ. Chính hôm đó cô ấy đã tự nhủ với lòng sẽ thành công và giàu có để mẹ con không phải chịu đựng những cảnh như thế nữa. Và thế là cô ấy đã lớn lên, đã thành công, đã đi đến những quốc gia trên thế giới, và đã quay lại giúp đỡ chính những người đã tấn công mẹ con cô ấy.
Tôi đã đặt câu hỏi để cô ấy tự liên hệ, “có phải đứa trẻ chứng kiến cảnh mẹ mình bị dồn vào chân tường ấy nay lại một lần nữa bị dồn vào chân tường không?”
Mặc dù chúng ta đã lớn lên, đã thành công, đã giàu có, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn còn đứa trẻ nhỏ bé, cô đơn, sợ hãi mà nhiều khi lối thoát lại lầm tưởng là phải chối bỏ cuộc đời này.
Mặc dù chúng ta đã lớn lên, đã thành công, đã giàu có, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn còn đứa trẻ nhỏ bé, cô đơn, sợ hãi mà nhiều khi lối thoát lại lầm tưởng là phải chối bỏ cuộc đời này. Hay nói một cách khác, sự trưởng thành của cảm xúc và trí tuệ cảm xúc của chúng ta không tương ứng với sự trưởng thành của thân xác hay của lý trí tư duy. Cho nên, chúng ta cũng có thể xem tiến trình tham vấn là tiến trình đồng hành cùng thân chủ để họ tự ý thức và trưởng thành về cảm xúc và tình cảm, tương ứng với sự phát triển với thân tâm và lý trí của họ.
Theo anh, thế nào là một nhà lãnh đạo Thiền? Để khai mở và dẫn dắt đội ngũ của mình, nhà lãnh đạo cần phát triển chánh niệm và trí tuệ của mình ra sao? Làm thế nào để chân thực, kiên cường và yêu thương nhiều hơn?
TS. Lê Nguyên Phương: Tôi sẽ không dùng từ “nhà lãnh đạo thiền” và cũng không dùng từ “khai mở” hay “dẫn dắt” khi nói về hành trình của một nhà lãnh đạo đi cùng với các thành viên trong doanh nghiệp của mình.
Khi mới đến Hoa Kỳ vào năm 1990 tôi đã được đọc một nghiên cứu của Alice Eagly và Blair Johnson tại Đại Học Purdue về tương quan giữa giới tính và lãnh đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt căn bản giữa phong cách lãnh đạo giữa nam và nữ; phong cách của nữ giới dân chủ hơn trong khi nam thì chuyên chế hơn. Phụ nữ thường khuyến khích sự tham gia của các thành viên trong doanh nghiệp, kể cả trong những quyết định mang tính chiến lược.
Thật ra, quan niệm và thực hành lãnh đạo đã thay đổi sâu sắc trong nhiều thập niên qua. Thay vì mỗi doanh nghiệp là một hệ thống tập trung như một dàn nhạc giao hưởng với chỉ một người trọn quyền điều khiển giàn nhạc theo một quy trình thống nhất thì trong thời đại mới mỗi doanh nghiệp sẽ là một giàn nhạc jazz mà trong đó mỗi thành viên sẽ tự sáng tạo cho phân khúc của mình và được cơ hội trình bày cho mọi thành viên khác hòa theo.
Sự cảm ứng đồng điệu và dĩ nhiên năng lực của mỗi thành viên của tập thể đó dĩ nhiên đều ở một tầm cao hơn mô hình tập thể cũ. Khuynh hướng lãnh đạo mới cũng đặt nặng vấn đề đồng thuận thay vì áp đặt, thuyết phục thay vì mệnh lệnh.
Vì vậy, có thể nói những người lãnh đạo sẽ cùng “đồng hành” thay vì “dẫn dắt” và sẽ cùng “chuyển hóa” thay vì “khai mở.” Kế đến, thế nào là một nhà “lãnh đạo Thiền”? Tôi nghĩ bạn muốn nói đến một nhà lãnh đạo có “thiền tâm”. Và thiền tâm là gì nếu không phải là tinh tấn, chánh niệm, và tỉnh giác. Chỉ khi có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác thì trí tuệ và từ bi sẽ phát sinh.
Cuộc hành trình này đòi hỏi chúng ta quay trở lại chính mình để ý thức, chú tâm và nhận diện những sức mạnh và yếu kém, niềm vui và khổ đau, tự hào và mặc cảm, can đảm và sợ hãi trong tâm thức. Sự thấy biết bản thân này của chúng ta là bước đầu để dẫn đến những đức tính mà một nhà lãnh đạo cần có cho một thời đại mới đầy tính chất bất trắc và bất định, nhưng cũng đầy hứa hẹn cho sự sáng tạo và chuyển hóa.
Lãnh đạo bằng tình yêu thương phải chăng chính là triết lý kinh doanh của thời 4.0, khi trí tuệ nhân tạo đang là thách thức quá lớn với phẩm chất người trong thời đại máy?
TS. Lê Nguyên Phương: Khi chúng ta chưa biết rõ căn tính của chúng ta là gì thì mọi lý thuyết về một phẩm chất “yêu thương” có thể chỉ là sự phóng chiếu khái niệm của một tâm thức sợ hãi và cô đơn. Khi chúng ta chưa biết chúng ta là ai thì thật khó để tự rạch một biên giới phân biệt chúng ta với trí tuệ nhân tạo.
Nếu tâm thức của chúng ta chưa thực sự được giải thoát khỏi những ham muốn được trở thành để thực sự bình an thì yêu thương sẽ chỉ lại là một gánh nặng giáo điều mà chúng ta đã đề ra, như chúng ta đã đề ra các mục tiêu cho sản phẩm hay dịch vụ, một thứ KPI cho đời sống tâm thức của chúng ta.
Nếu thế, lãnh đạo bằng yêu thương chỉ là một phương tiện để chúng ta chạy trốn sự sợ hãi bị tha hóa bởi máy móc. Chỉ cần chúng ta quay lại để thấy mình cũng chia sẻ mọi khổ đau của thân phận người để từ đó tìm sự bình an trong tâm hồn thì tình yêu thương sẽ thành suối nguồn tuôn chảy như nhiên.
CEO và 'thuật lãnh đạo Thiền'
Gỡ bỏ tâm lý: Bỏ tiền đi thuê trên chính ngôi nhà của mình
Quan điểm "mua chung cư không khác gì dùng tiền đi thuê lại chính ngôi nhà của mình” của nhiều người đã bắt đầu thay đổi.
Tâm lý kinh doanh ngành sản xuất thấp kỷ lục vì Covid-19
Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát giúp các nhà sản xuất tạm thời lạc quan, nhưng tâm lý kinh doanh vẫn thấp do các lo ngại Covid-19 sẽ kéo dài trên toàn cầu.
Nghệ thuật bấm huyệt tâm lý khách hàng của Sabeco và Diana
Những thông điệp truyền thông khác biệt, đi sâu vào cảm xúc bên trong của khách hàng đã giúp Sabeco hay Diana thống lĩnh thị trường trong thời gian dài.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.