Cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu

Kiều Mai Thứ tư, 14/08/2024 - 17:45

Một số chuyên gia cho rằng việc tăng quá nhanh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu có thể gây ra tác động tiêu cực.

Nguy cơ nhiều ảnh hưởng tiêu cực

Bộ Tài chính hiện đang đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia rượu đến 2030, trong đó lộ trình được xây dựng theo từng năm. Tổng mức tăng thêm dự kiến từ 15 – 35% so với mức thuế suất theo luật hiện hành hiện nay.

Theo phương án được Bộ Tài chính khuyến nghị lựa chọn, vào năm 2030, tức là chỉ sáu năm nữa, rượu từ 20 độ trở lên và bia sẽ có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 100%, rượu dưới 20 độ là 70%, cao hơn đáng kể mức thuế hiện tại lần lượt là 65% và 35%.

Điều này có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, nhận định tại hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay.

Nguyên nhân bởi việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động.

Ông Tuấn phân tích thêm, bên cạnh thu hẹp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thu nhập của người nông dân trồng nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan.

Trên thực tế, đã không ít trường hợp tương tự xảy ra. Một số quốc gia phát triển và đang phát triển đã ghi nhận tác động tiêu cực khi thuế suất đối với đồ uống có cồn vượt điểm tới hạn như Anh, Úc, Bỉ, Thái Lan, Malaysia dẫn tới ngay lập tức ngân sách của chính phủ bị hụt thu nghiệm trọng.

Điều này dựa trên nguyên lý đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách từ thuế của chính phủ, theo đó, khi tăng thuế quá cao vượt điểm giới hạn thì sẽ làm giảm tổng thu ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, vị chuyên gia cho biết thêm, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hệ quả là ngân sách càng thất thu trong khi sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng.

Việc tăng thuế nhanh có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư. Ảnh: Hoàng Anh

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ. Nói cách khác, khoảng gần 2/3 lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam có thể từ nguồn nhập lậu hoặc sản xuất cá thể.

Tại hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA), cũng bày tỏ nhiều quan ngại về các tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng quá nhanh.

Bà cho biết, các doanh nghiệp lo ngại rằng việc tăng thuế đột ngột và liên tục sẽ làm giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến giảm sản lượng và lợi nhuận. Điều này sẽ kéo theo việc cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, việc tăng giá rượu bia do thuế tăng cao có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa sản phẩm hợp pháp và sản phẩm phi chính thức (rượu bia tự sản xuất hoặc nhập lậu).

Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả thu ngân sách mà còn gây ra những nguy cơ lớn về sức khỏe khi người dân chuyển sang tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng kém.

Đối với đề xuất đánh thuế nước giải khát có đường, hiện vẫn còn tranh luận về mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và tình trạng thừa cân, béo phì.

“Đứng ở góc độ của doanh nghiệp trong ngành, tôi thấy đây là mức thuế đề xuất cao nhất trong lịch sử. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh ngành này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những khó khăn của đại dịch”, bà Vân Anh thẳng thắn.

Đại diện VBA cho hay, đại dịch Covid-19 đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng và tiêu thụ, kéo theo đó là sự gia tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất.

Tiếp theo đó, xung đột chiến tranh và các biện pháp xử phạt hành chính liên quan đến nồng độ cồn cũng tác động mạnh mẽ đến ngành này.

Theo ghi nhận của VBA, sản lượng tiêu thụ sản xuất trong ngành liên tục giảm, đôi khi giảm đến hai con số.

Đề xuất cân nhắc lộ trình và mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

Bà Vân Anh nhấn mạnh, ngành công nghiệp đồ uống có cồn và nước giải khát luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế.

Tuy vậy, trong bối cảnh ngành còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị rằng việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng, cả về lộ trình và mức tăng, bà khuyến nghị.

Với ngành rượu bia, các doanh nghiệp đề xuất chỉ nên tăng thuế ở mức 5% mỗi năm trong những năm đầu, và sau đó tiếp tục điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chuyển đổi kinh doanh và tránh những xáo trộn lớn trong ngành.

Đối với nước giải khát có đường, các doanh nghiệp cho rằng chưa nên vội vàng bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thay vào đó, cần có những nghiên cứu toàn diện và khoa học hơn để đánh giá tác động của sản phẩm này đến sức khỏe và kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đại diện VBA đề xuất.

Ở góc độ chuyên gia về thuế, ông Tuấn ủng hộ quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông, lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá, và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80%, để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý.

Điều này nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống.

Không chỉ vậy, lộ trình hợp lý còn tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dung thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột.

Doanh nghiệp bia rượu lo sốc thuế tiêu thụ đặc biệt

Doanh nghiệp bia rượu lo sốc thuế tiêu thụ đặc biệt

Doanh nghiệp -  1 tháng

Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh trong vài năm tới sẽ khiến doanh nghiệp bia rượu tiếp tục khó khăn, thậm chí khó có phương án kinh doanh hợp lý.

Bia rượu có thể bị áp thuế lên tới 100%

Bia rượu có thể bị áp thuế lên tới 100%

Tiêu điểm -  1 tháng

Trong phân tích các phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, Bộ Tài chính đang kiến nghị lựa chọn phương án mức thuế 100% vào năm 2030.

Hệ lụy nếu nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Hệ lụy nếu nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tiêu điểm -  2 tháng

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được nhận định có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Bộ giải pháp tổng thể khôi phục sau bão Yagi

Bộ giải pháp tổng thể khôi phục sau bão Yagi

Tiêu điểm -  1 giờ

Thủ tướng yêu cầu nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công nhằm khôi phục kinh tế và hướng tới tăng trưởng sau bão Yagi.

Thủy điện bước vào 'chu kỳ vàng'

Thủy điện bước vào 'chu kỳ vàng'

Doanh nghiệp -  6 giờ

Thủy điện cùng với điện khí LNG ngày càng quan trọng khi điện than hết dư địa tăng trưởng, năng lượng tái tạo mới vẫn thiếu cơ chế, còn điện khí thiên nhiên gặp vấn đề về nguồn cung nhiên liệu.

FPT Software cùng Vilja đẩy mạnh số hóa ngành ngân hàng

FPT Software cùng Vilja đẩy mạnh số hóa ngành ngân hàng

Thương trường -  6 giờ

FPT Software đã công bố hợp tác chiến lược với Vilja, nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng lõi hàng đầu Bắc Âu, đáp ứng nhu cầu ngân hàng số đang ngày càng gia tăng.

Bộ Công thương nói khó ưu đãi cho điện khí Sơn Mỹ I và II

Bộ Công thương nói khó ưu đãi cho điện khí Sơn Mỹ I và II

Phát triển bền vững -  11 giờ

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, các điều kiện ưu đãi, đảm bảo đầu tư để thực hiện dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ I và II chưa có trong quy định hiện hành.

Tạo cơ chế đẩy nhanh giải ngân vốn ODA

Tạo cơ chế đẩy nhanh giải ngân vốn ODA

Tiêu điểm -  11 giờ

Vốn ODA có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi xây dựng cơ chế để thúc đẩy hiệu quả và tăng tiến độ giải ngân các dự án.

Yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tiêu điểm -  11 giờ

Quá trình công nghiệp hóa, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị được cho là ba yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Các dự án PPP sắp được gỡ vướng

Các dự án PPP sắp được gỡ vướng

Tiêu điểm -  11 giờ

Chính phủ đang xem xét sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư theo phương thức PPP nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án PPP trong thời gian tới.