CEO công ty phần mềm lớn nhất châu Âu chia sẻ bí quyết dẫn đầu hoạt động phát triển bền vững

Hường Hoàng - 12:45, 27/03/2022

TheLEADERSAP là công ty phần mềm lớn nhất châu Âu. Trong một buổi trả lời phỏng vấn với Forbes, ông Daniel Schmid (Giám đốc Bền vững của SAP) đã chia sẻ lý do tại sao SAP lại trở thành công ty dẫn đầu trong việc thực hiện các trách nhiệm cộng đồng và hoạt động phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

Từng giữ vai trò quản lý cấp tư vấn cấp cao ở SAP, nhưng sau đó Schmid lại được chuyển sang phụ trách công tác phát triển bền vững vì phong cách lãnh đạo hướng tới sự bền vững của ông: Schmid luôn tập trung vào những mục tiêu trung, dài hạn cũng như luôn quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của nhân viên.

Đối với Schmid, trở thành Giám đốc Bền vững của SAP là một niềm hạnh phúc. Từ khi được bổ nhiệm vị trí này, Schmid đã khẩn trương thiết lập những mục tiêu và phương pháp để làm tròn vai trò này. Bắt đầu bằng việc hỏi các bên liên quan (cổ đông, tổ chức, nhân viên, khách hàng, ….có liên quan đến lợi ích của công ty) rằng họ mong đợi gì từ SAP và công ty nên tập trung vào đâu.

Giám đốc công ty phần mềm lớn nhất châu Âu chia sẻ bí quyết dẫn đầu trong hoạt động phát triển bền vững
Ông Daniel Schmid - Giám đốc Bền vững của công ty phần mềm SAP

Từ những ý kiến đóng góp này, ông nhận ra rằng nếu chỉ thực hiện chiến lược kinh doanh và chiến lược bền vững một cách độc lập sẽ không đạt được hiệu quả. Muốn thực hiện thành công, cần đưa định hướng phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh của công ty.

Từ khi có sự thay đổi về tầm nhìn chiến lược này, SAP đã nhanh chóng thu hái được nhiều thành tựu. Giờ đây, kinh doanh định hướng bền vững đã được xây dựng một cách có hệ thống và trở thành một trong những trụ cột cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của SAP.

Một điều quan trọng nữa đó là vấn đề giảm phát thải. Đầu năm 2009, Schmid đã đề xuất mục tiêu đưa lượng phát thải vào năm 2020 của công ty xuống bằng mức năm 2000. Tuy nhiên ban điều hành của SAP mong muốn đưa mức phát thải xuống còn ¼ so với năm 2000. Và đó là một mục tiêu cực kỳ tham vọng. Mục tiêu dường như là không tưởng này đòi hỏi họ phải sáng tạo và đổi mới hơn, suy nghĩ khác và phân bổ ngân sách theo cách khác hơn.

Cuối năm 2013, SAP đã đặt mục tiêu trở thành một nhà cung cấp nền tảng đám mây sáng tạo nhất. Bằng việc kết hợp mục tiêu môi trường và mục tiêu cung cấp sản phẩm dịch vụ, từ năm 2014, tất cả các trung tâm dữ liệu của SAP đều là những trung tâm dữ liệu lớn (hyperscaler) sử dụng năng lượng xanh chất lượng cao.

Đến năm 2017, họ đã đạt được mục tiêu về giảm phát thải (sớm hơn dự kiến 3 năm) và trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững. Không dừng lại ở đó, Sap đặt mục tiêu trung hạn là sẽ trung tính carbon (khử toàn bộ lượng carbon phát thải ra trong môi trường) trong các hoạt động của công ty vào năm 2025.

Năm 2021, SAP thông báo sẽ trung hòa carbon trong 3 phạm vi phát thải một cách có chọn lọc vào năm 2023. Và đầu năm 2022, SAP đặt mục tiêu cho đến năm 2030, công ty không phát thải carbon (net-zero) trong toàn bộ chuỗi giá trị.

SAP có hơn 400.000 khách hàng doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành công nghiệp trên khắp thế giới. Nhiều khách hàng trong số đó đã và đang vận hành thành công hệ thống của SAP trong phần mềm lưu trữ tại chỗ (on- premises) của công ty họ. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi từ phần mềm lưu trữ tại chỗ lên nền tảng đám mây (cloud) sẽ giúp SAP đạt được mục tiêu đó, vì phần mềm lưu trữ tại chỗ là nguyên nhân gây ra hơn 80% lượng phát thải trong chuỗi giá trị của SAP.

Ngoài ra, SAP còn khuyến khích lực lượng lao động của mình trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững. 94% nhân viên của SAP khẳng định rằng họ muốn công ty mình trở thành một đơn vị phát triển bền vững kiểu mẫu. Những nhân viên yêu thích hoạt động phát triển bền vững sẽ khơi dậy niềm yêu thích của những nhân viên khác, và cứ thế tinh thần này được lan rộng ra toàn công ty.

Hơn thế nữa, SAP chú trọng đồng thời cả hoạt động công bố báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo về phát triển bền vững. Hàng quý, ngoài báo cáo tài chính, nhân viên của công ty có thể truy cập được những chỉ số về phát triển vững của đơn vị mình theo khu vực, theo vị trí địa lý và cách thức tổ chức. Từ đó, họ có thể chia sẻ với nhau cách thức để có thể thực hiện hoạt động phát triển bền vững một cách hiệu quả nhất.

Ông Schmid chia sẻ: “Phát triển bền vững là một nhu cầu cấp bách. Nếu chỉ nhìn vào hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, chúng ta không thể giải quyết được những thách thức của xã hội ngày nay. Giờ đây, chúng ta cần thay đổi hình thức kinh doanh. Và nếu tập trung vào hoạt động phát triển bền vững, chúng ta vừa có thể đổi mới doanh nghiệp, vừa có thể tiết kiệm chi phí.”

Việc tiêu thụ ít năng lượng ít hơn có nghĩa là chi phí sẽ thấp hơn. Lượng chất thải thấp hơn có nghĩa là chi phí sẽ thấp hơn. Tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn có nghĩa là năng suất và lợi nhuận cao hơn. Và với những công ty coi tính bền vững như động lực đổi mới, họ thường thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức sản xuất và phát triển sản phẩm. Những công ty này thường có lợi thế hơn trên thị trường vì giờ đây xã hội có xu hướng lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Chính vì vậy, nhìn tổng thể, tập trung vào hoạt động phát triển bền vững là một cơ hội tuyệt vời.

Theo ông Schmid, mười năm trước, phát triển bền vững là một vấn đề không được nhiều người quan tâm. Nhưng hiện tại, phát triển bền vững là một trụ cột cốt lõi trong hoạt động kinh doanh toàn cầu, chủ đề này xuất hiện trong tất cả mọi cuộc thảo luận của tất cả những vị CEO.

Ngày nay, người ta nói với nhau rằng kinh doanh phải đi liền với định hướng phát triển bền vững hoặc không thực hiện hoạt động kinh doanh. Rõ ràng rằng chỉ những công ty gắn tính bền vững vào chiến lược kinh doanh cốt lõi thì mới có thể đạt được thành công trong dài hạn.

Đó là điều thúc đẩy và khuyến khích SAP cũng như ông Schmid luôn lạc quan về hoạt động phát triển bền vững của công ty và của thị trường trong tương lai.