'Chẳng có nơi nào có thể so sánh với vẻ đẹp của Việt Nam'

Đặng Hoa - 08:36, 16/02/2018

TheLEADERTừng đi du lịch trên dưới 30 quốc gia, làm việc ở ba châu lục nhưng ông Ronan Walshe lại chọn Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng.

'Chẳng có nơi nào có thể so sánh với vẻ đẹp của Việt Nam'
Ông Ronan Walshe quyết định gắn bó với Việt Nam.

Những ngày cuối năm, đường phố Hà Nội nhộn nhịp với từng dòng người đông đúc đi mua sắm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2018, người người hối hả nhanh chóng về nhà để tụ họp với gia đình. Hai bên đường, hoa xuân được bày bán đang chực chờ bung nở khoe sắc.

Trong một căn phòng nhỏ nằm trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội, một người đàn ông tầm tuổi 55 đang vừa tẩn mẩn chăm sóc hàng cây đã sắp úa tàn do người chủ cũ để lại, vừa thưởng thức tiếng nhạc truyền thống của người dân Tây Bắc trong một chương trình quảng bá du lịch Sapa đang được phát sóng.

Ông Ronan Walshe, một cựu giảng viên từng làm việc tại đại học Oxford, ngôi trường đại học lâu đời nhất tại Anh cho biết, ông đã từng đến Sapa khoảng 4 – 5 lần nhưng chưa bao giờ thấy chán. Mỗi lần đến đấy là ông lại tìm được một cảm xúc mới.

Sinh ra tại đất nước Ireland xinh đẹp, lớn lên học đại học tại Anh và có cơ hội làm việc tại một trường khá lâu đời tại viện đại học Oxford trong vòng 13 năm. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, ông đã quyết định rời bỏ ngôi trường danh giá này để đến Ả Rập – một đất nước nằm tại khu vực Trung Đông; một phần vì ông muốn khám phá mảnh đất hồi giáo đầy bom đạn này, một nơi hoàn toàn khác so với nước Anh mà hầu như rất ít người muốn đến và làm việc tại đây.

Làm việc tại Ả Rập, ông được trả mức lương rất cao, được đảm nhiệm vị trí quan trọng và được ký những hợp đồng làm việc đắt giá; mỗi kỳ nghỉ của ông có thể kéo dài tới vài tháng, thậm chí là 5 tháng nhưng đối với ông và nhiều người tây phương, đây quả là một nơi khó sống. 

Cuộc sống ở đây quá hà khắc, người nước ngoài không thể đến đây trong các dịp nghỉ lễ, họ chỉ có thể ở đây vì lý do công việc.

Trong suốt 14 năm làm việc tại Ả Rập, ông đã vô tình khám phá ra vẻ đẹp của Việt Nam qua lời mời đến thăm Việt Nam của một người đồng nghiệp và chợt nhận ra rằng mình đã dành trọn tình yêu cho nơi này.

Các thành viên trong gia đình ông Ronan sống ở 3 đất nước nằm trên 3 châu lục khác nhau; em gái sống ở châu Mỹ, em trai sống tại châu Âu và giờ ông đang một mình tại châu Á. Ông dành hầu hết thời gian của mình để làm việc, đi du lịch và khám phá đó đây.

“Trước khi đến Việt Nam, Campuchia là quốc gia đẹp nhất mà tôi từng đến nhưng giờ đây đối với tôi, chẳng nơi nào có thể sánh với vẻ đẹp của Việt Nam và điều này sẽ không bao giờ thay đổi”, ông Ronan chia sẻ.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

Ông Ronan Walshe: Qua lời mời của một người bạn, năm 2006 tôi đến Việt Nam lần đầu tiên và đã bị đánh gục với vẻ đẹp nơi đây. Có quá nhiều thứ khiến tôi ấn tượng vì nó khác xa với cuộc sống của tôi ở Ả Rập. Việt Nam quá tuyệt vời, ở đây có mọi thứ mà tôi mong muốn.

Với tôi, có lẽ con người Việt Nam là sức hút lớn nhất. Sức hút của một nơi không phải được tạo nên bởi quang cảnh thiên nhiên mà chính là được tạo nên bởi con người. Nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ Việt Nam vì con người nơi đây; họ vô cùng mến khách và thân thiện, tôi luôn được chào đón ở đây. Tôi cảm thấy người dân Việt Nam sống rất hạnh phúc và tự do.

Họ khác với người dân ở nhiều quốc gia khác, họ không ghét bỏ người Mỹ, họ mặc áo, đội mũ có in cờ Mỹ vì đối với người dân Việt Nam, lịch sử là để tự hào với những chiến tích của cha ông, không phải để ghét bỏ và thù hận. Nếu bạn đến Ireland và mặc áo, đội mũ có thêu cờ Anh, đặc biệt là khu vực phía Bắc, bạn sẽ bị đánh; vài năm về trước bạn thậm chí có thể bị bắn chết.

Văn hóa của Việt Nam thật giàu và đẹp với nhiều dân tộc ở khắp tổ quốc như Dao, Mường, Tày. Tôi còn yêu cả vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam với những cảnh đẹp đến mê hồn như vịnh Hạ Long, Sapa.

Cựu giảng viên đại học Oxford “nghiện” thiên nhiên và con người Việt Nam
Một thoáng Sapa.

Đối với ông, Việt Nam bây giờ và Việt Nam của 12 năm về trước có gì khác?

Ông Ronan Walshe: Việt Nam bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hiện đại. Cuộc sống của người dân cũng được nâng cao. Tôi thấy nhiều hơn những ngôi nhà cao tầng, những khu vui chơi giải trí mới. Như bao quốc gia khác, công nghệ cũng đã len lỏi vào nhà của mỗi người dân.

Tuy nhiên, dẫu cách mạng công nghệ là điều không thể tránh khỏi nhưng tôi vẫn mong muốn Việt Nam có thể giữ mãi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của nó. Tôi mong Chính phủ Việt Nam sẽ cân bằng trong việc khai thác thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Có điều gì ở Việt Nam mà ông không thích?

Ông Ronan Walshe: Việt Nam đối với tôi còn khá mới mẻ, có nhiều điều tôi vẫn chưa khám phá và tôi cần tìm hiểu nhiều hơn nữa. Mặc dù đến Việt Nam lần đầu vào 12 năm trước nhưng thời gian sống ở Việt Nam của tôi chỉ mới khoảng vài tháng. Vì thế thật khó để tôi tìm ra một điều gì đó mà tôi không thích về Việt Nam.

Nhưng tôi để ý thấy nhiều người đến từ phương Tây khá sợ hệ thống giao thông ở đây. Có quá nhiều xe máy trên đường và thỉnh thoảng người ta còn đi lên cả vỉa hè. Ở phương Tây, bạn sẽ hiếm khi nhìn thấy người dân đi xe máy trên đường.

Kế hoạch sắp tới của ông ở Việt Nam là gì?

Ông Ronan Walshe: Hiện nay tôi đang dạy tiếng Anh tại một trung tâm của đồng nghiệp cũ hồi còn ở Ả Rập. Giảng dạy là công việc đã theo tôi suốt mấy chục năm cuộc đời.

Sắp tới, sau khi cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã ổn định hơn, tôi sẽ đi du lịch và khám phá Việt Nam nhiều hơn; tôi sẽ đi vào miền Trung Việt Nam vì tôi biết đó là một nơi rất đẹp, tôi sẽ đến những vùng quê nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay và những dãy núi trùng điệp. Tôi cũng sẽ đi vào các tỉnh thành ở khu vực miền Nam. 

Cho đến thời điểm bây giờ, tôi chỉ mới đi đến các địa điểm du lịch ở khu vực phía Bắc. Tôi ước rằng tôi đã có thể đến Việt Nam khoảng 30 năm chứ không phải là 12 năm về trước.

Tôi sẽ học tiếng Việt và định cư ở Việt Nam. Tôi yêu thích ngôn ngữ và học những ngôn ngữ của những nơi tôi đến.

Giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam được hơn 3 tháng, ông cảm thấy sự khác biệt nào giữa học sinh Việt Nam và học sinh ở các nước phương Tây?

Ông Ronan Walshe: Tôi chưa bao giờ dạy sinh viên Việt Nam tại Oxford mặc dù thỉnh thoảng thôi có thấy một vài sinh viên Việt Nam bên đó. Tôi nghĩ hiện nay số lượng sinh viên học tại Oxford đã tăng lên rất nhiều.

Tôi rất ấn tượng với sinh viên Việt Nam cũng như các nước châu Á vì nhiều yếu tố. Thứ nhất, họ rất tôn trọng và kính trọng giáo viên của mình. Có lần tôi vào dạy một lớp toàn sinh viên Nhật Bản và tôi đã phải giật mình vì cả lớp đều đứng lên chào. 

Học sinh Việt Nam cũng vậy, họ kính trọng các thành viên trong gia đình, kính trọng thầy cô và cả những người lớn tuổi bằng cách cúi chào, lễ phép. Ở phương Tây, học sinh cũng kính trọng thầy cô nhưng lại theo một cách khác.

Học sinh Việt Nam rất thông minh và chăm chỉ. Họ biết đặt mục tiêu và nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Họ luôn cố gắng để vượt qua những khó khăn.

Vậy điểm yếu của họ là gì?

Ông Ronan Walshe: Họ rất thông minh, chăm chỉ và rất cẩn thận; họ thường tập trung vào chi tiết, điều này là rất tốt tuy nhiên trong một vài trường hợp cũng cần phải mắc lỗi.

Chẳng hạn như trong việc học tiếng Anh. Tôi đã nhấn mạnh với học sinh của mình là việc mắc lỗi là hoàn toàn bình thường, các bạn phải mắc lỗi thì các bạn mới tiến bộ được. Họ thường có xu hướng ngại mắc lỗi và không để người khác phát hiện ra lỗi của mình để sửa, điều này sẽ cản trở họ tiến bộ.

Ông đã từng ăn Tết tại Việt Nam bao giờ chưa? Và ông đã chuẩn bị Tết như thế nào rồi?

Ông Ronan Walshe: Tôi đã từng ăn Tết tại Việt Nam một lần nhưng không nhớ chính xác là năm nào. Nếu tôi không nhầm thì trong lần đó tôi đã từng được ăn bánh chưng.

Tôi rất thích không khí Tết ở Việt Nam, có nhiều cây cảnh được bày bán trên đường, mọi người lau chùi và trang trí nhà cửa. Trong dịp Tết, các thành viên gia đình có cơ hội đoàn tụ sau một thời gian dài làm việc xa cách.

Tôi đã trang trí lại nhà cửa với những vật dụng có màu đỏ vì tôi được biết đây là màu mang lại may mắn cho năm mới. Tôi sẽ mua thêm cành đào, cây quất, bánh chưng và cả mứt nữa.

Xin cảm ơn ông!