Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ ‘toàn cầu hóa 2.0’

Phạm Sơn - 15:04, 01/02/2021

TheLEADERChủ nghĩa dân tộc về công nghệ đang đe dọa thời kỳ toàn cầu hóa mới, đòi hỏi các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trở thành những người tiên phong xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu.

Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ ‘toàn cầu hóa 2.0’
Vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới của châu Á – Thái Bình Dương sẽ ngày càng được khẳng định. Ảnh: QS.

Năm 2020 là mốc thời gian không thể nào quên, khi đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn thế giới, kéo theo cơn khủng hoảng trường kỳ chưa biết ngày kết thúc, với những tác động đa chiều và thiệt hại nặng nề cho hầu như mọi lĩnh vực.

Theo ông David Morris, Phó chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp bền vững, Ủy ban Kinh tế xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP), những tác động đa chiều này đã điểm hồi kết cho thời kỳ hợp tác toàn cầu cũ, đồng thời đặt dấu mốc cho thời đại toàn cầu hóa mới, “toàn cầu hóa 2.0”.

Toàn cầu hóa 1.0 đã được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại toàn cầu, định hình chuỗi giá trị cũng như dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới. Các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thành công trong việc tận dụng những xu thế này, chớp lấy thời cơ phát triển và dần khẳng định được vị thế.

Cùng với cách mạng công nghệ 4.0, toàn cầu hóa 2.0 được hình thành dựa trên những nền tảng mới về công nghệ. Hệ thống dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) và internet vạn vật (IoT) đang xóa mờ đi những rào cản vô hình mà các hiệp định tự do thương mại vẫn chưa thể vượt qua được.

Tuy nhiên, ông David cũng bày tỏ lo ngại với những xu hướng phi toàn cầu đang dần được hình thành, cụ thể là chủ nghĩa song phương, khu vực hóa, chủ nghĩa dân tộc về công nghệ có khả năng sẽ tạo ra những “hệ thống đối đầu với nhau”, phân chia thế giới thành những mảng tách rời.

Theo McKinsey, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thị trường năng động và sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế, đến năm 2040, châu Á sẽ chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, trở thành trung tâm của kinh tế thế giới. Vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới của châu Á – Thái Bình Dương sẽ ngày càng được khẳng định. 

Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa 2.0, một cuộc chơi với những luật lệ, quy tắc mới, với những cơ hội xen lẫn thách thức, “liệu châu Á - Thái Bình Dương sẽ đi đến đâu”, ông David đặt câu hỏi.

Những thách thức còn tiềm ẩn

Theo đại diện UNESCAP, toàn cầu hóa 2.0 là thời kỳ vô cùng khó lường và rủi ro, chủ yếu bởi 3 yếu tố từng là nền tảng cho thời kỳ trước nhưng đang dần mất đi trong thời đại mới.

Đầu tiên, thiếu hụt những tiêu chuẩn chung cho nền tảng mới. Thời kỳ toàn cầu hóa, tự do thương mại được thúc đẩy bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những quy tắc chung nhất, cơ bản nhất, tạo ra chuẩn mực về sự hợp tác kinh tế toàn cầu cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ ‘toàn cầu hóa 2.0’
Ông David Morris, Phó chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp bền vững, Ủy ban Kinh tế xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cho đến nay, những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản mà WTO đặt ra, như chống phân biệt đối xử, minh bạch hóa hay cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, trong toàn cầu hóa 2.0, những quy tắc này vẫn là chưa đủ để điều chỉnh cuộc chơi toàn cầu. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vẫn cam kết xóa bỏ rào cản thuế quan nhưng đi kèm với biện pháp tăng cường hàng rào phi thuế.

Cùng với đó, những chuẩn mực thống nhất để điều chỉnh các tập đoàn công nghệ khổng lồ trong việc bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng cũng như định hình phát triển công nghệ AI cũng chưa được đặt ra.

Mới đây, WTO đã ra thông báo về việc tiến hành cải cách toàn diện để duy trì mục tiêu thúc đẩy tự do thương mại công bằng và minh bạch, trong bối cảnh công nghệ số cũng như cạnh tranh thương mại đang gia tăng.

Thứ hai, mối quan hệ dựa trên lòng tin đang dần biến mất. Theo ông David, các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên mối quan hệ về lòng tin đã được thiết lập trong toàn cầu hóa 1.0, với sự kỳ vọng về một lợi ích chung cho tất cả.

“Chuỗi cung ứng đã được xây dựng bởi niềm tin các bên liên quan đều phải có trách nhiệm quản lý và giảm thiểu rủi ro. Mọi người tin thực phẩm được sản xuất luôn phải an toàn, cũng như xe hơi luôn được chế tạo với chất lượng tốt nhất”, Phó chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp bền vững nhận xét.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa 2.0, thế giới đang dần mất đi những niềm tin như vậy, khi lãnh đạo nhiều quốc gia đang tỏ ra nghi ngại về các mối quan hệ toàn cầu, theo đó đưa ra những lời kêu gọi rút ngắn, quốc hữu hóa chuỗi cung ứng. Xu thế này tiếp tục mạnh mẽ hơn do những tác động của đại dịch Covid-19.

Thực tế, đây là điều không thể nào tránh khỏi khi những mối lo ngại về an ninh trong nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng gia tăng và bối cảnh địa chính trị cũng trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất là nguy cơ về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, được đánh giá là có thể gây ra hậu quả còn lớn hơn cả đại dịch Covid-19, đe dọa tới mọi khía cạnh, từ nông nghiệp cho tới cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Giải pháp cho thời kỳ mới

Để giải quyết những thách thức trên, theo ông David, “một cơ chế quản trị toàn cầu sẽ là điểm mấu chốt”. Tuy nhiên, cơ chế này cần được thiết kế lại, với những quy tắc nhằm xây dựng giá trị an toàn và linh hoạt, đồng thời duy trì hòa bình và hợp tác.

“Kẻ thù” lớn nhất của cơ chế quản trị toàn cầu là chủ nghĩa dân tộc về công nghệ, thể hiện bởi sự kìm hãm lần nhau giữa các quốc gia, gây áp lực lên các công ty công nghệ, ngày càng rõ nét thông qua cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chủ nghĩa dân tộc về công nghệ cũng là nút thắt cản trở tiến trình phát triển cũng như cơ chế hợp tác chung của toàn thế giới, gây ra nguy cơ về phân hóa và đối đầu, làm suy yếu sức chống chịu của thế giới trước những biến động mang tính phi truyền thống.

Phó chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp bền vững kêu gọi các quốc gia xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan này, thông qua nỗ lực cải thiện khả năng thực thi những tiêu chuẩn về an ninh, bảo mật cũng như các yêu cầu an toàn về công nghệ khác.

Các quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc có thể và cần thiết phải trở thành những người tiên phong trong nỗ lực này, vì sự phát triển chung của toàn thế giới, cũng là đảm bảo cho tương lai thịnh vượng của mỗi quốc gia.