Chìa khóa trong tuyển dụng nhân sự FMCG

Minh Khôi - 12:02, 15/02/2022

TheLEADERSự chuyển động của ngành hàng tiêu dùng nhanh dưới tác động của Covid-19 đã kéo theo nhiều thay đổi trong thị trường tuyển dụng nhân sự, buộc cả doanh nghiệp và người lao động phải luôn trong trạng thái sẵn sàng thích nghi.

Thách thức trong tuyển dụng ngành FMCG

Các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, nhưng nguồn cung lại khan hiếm trên thị trường.

Cùng với đó, các vị trí như bán hàng và tiếp thị có xu hướng chuyển việc thường xuyên, nên dù nguồn ứng viên nghiều, các doanh nghiệp lại rất khó tìm được các ứng viên có chất lượng cao và đạt đủ tiêu chí đặt ra.

Từ đó, các doanh nghiệp phải đưa ra các chính sách cạnh tranh về lương, thưởng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn như chính sách lương tháng 13, bảo hiểm dành cho cả gia đình, dịch vụ xe đưa đón, để thu hút nhân tài, Navigos Group cho biết trong báo cáo mới nhất.

Về phía ứng viên, nhân sự ngành FMCG có khả năng làm việc độc lập, thường xuyên di chuyển, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo, nhưng lại không duy trì sự ổn định lâu tại một công ty. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Do FMCG là ngành có nhiều cạnh tranh liên quan đến doanh số và hình thức vận chuyển (logistics), nên đây vẫn luôn là thách thức cho bất kỳ một nhân viên nào, đặc biệt là bán hàng nếu muốn thành công trong ngành này.

Ngoài ra, nhân sự trong ngành này cũng thường xuyên phải di chuyển, thậm chí làm việc xa nhà – một thử thách với sức bền của đội ngũ này. Bên cạnh đó, họ vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải nếu không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp khi thị trường thay đổi nhanh và liên tục.

Thị trường FMCG đã có những thay đổi về tính chất công việc, từ bán hàng theo hình thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhà sản xuất với người bán buôn, người bán buôn với người bán lẻ, người bán lẻ với người nhập sỉ..), và B2C (trực tiếp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), rồi giờ đây chuyển đổi sang B2B2C (mô hình phổ biến như các trang thương mại điện tử), đồng thời có sự chuyển hướng về khách hàng.

Do vậy, ngành FMCG yêu cầu ứng viên cần có kỹ năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ tốt và rất năng động.

Ngoài ra, người lao động còn cần phải có bộ kiến thức và kỹ năng mới liên quan đến thương mại điện tử, hiểu về bán hàng đa kênh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Navigos Group lưu ý doanh nghiệp ngành FMCG có xu hướng tuyển dụng nhân sự là bán hàng online thay vì tuyển bán hàng tại các kênh truyền thống.

Chính vì vậy, các ứng viên truyền thống sẽ cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng mới liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin để có thể đi được đường dài cho chặng đường trong 5 – 10 năm tới.

Thời điểm hiện tại, các kênh truyền thống vẫn đang tồn tại với số lượng lớn nên các ứng viên quen làm việc với các kênh này vẫn còn cơ hội làm việc trong 1 – 2 năm nữa. Tuy nhiên sau đó, nếu họ không chuyển đổi theo các yêu cầu và kỹ năng mới thì khả năng bị đào thải có thể xảy ra.

Bí quyết để tuyển dụng nhân tài ngành FMCG

Về phía doanh nghiệp, Navigos khuyến nghị nhà tuyển dụng nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì các ứng viên đã có sẵn kinh nghiệm và kỹ năng đối với yêu cầu mới. Tiềm năng này thể hiện ở khả năng học tập, thích nghi, kỹ năng công việc, tầm nhìn.

Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào đào tạo, khai vấn/coaching, không chỉ về kỹ năng nghề nghiệp, mà còn trong tư duy, định hướng, khả năng chịu đựng áp lực và thay đổi cho nhân sự giai đoạn mới để bắt kịp với sự chuyển dịch.

Ngoài ra, cần đầu tư chuyển đổi tỷ trọng sang kênh mới, nhưng vẫn kết hợp tận dụng phát triển ưu thế kênh truyền thống, nhằm tối ưu hóa nguồn lực.

Về phía ứng viên, người lao động cần mở rộng các khả năng của bản thân trong việc chấp nhận thay đổi để thích nghi, chấp nhận đi công tác xa, đi công tác nước ngoài.

Cùng với đó, ứng viên cần trang bị thêm kiến thức và kỹ năng về các nền tảng công nghệ mới, các ứng dụng công nghệ mới trên thế giới đã áp dụng vào ngành, để chuẩn bị sẵn sàng cho các yêu cầu mới trong công việc.

Tiếng Anh là bắt buộc, không chỉ trong giao tiếp, mà hiện giờ trong sử dụng và áp dụng các ứng dụng công nghệ, đọc hiểu tài liệu, cập nhật kiến thức.