Tiêu dùng nhanh giảm tốc sau cú nhảy nhờ Covid-19

Hoài An - 11:35, 19/05/2021

TheLEADERMặc dù ngành tiêu dùng nhanh tăng trưởng chậm lại, giá trị chi tiêu các sản phẩm vẫn tương đương với thời kỳ cao điểm giữa Covid-19 vào năm ngoái.

Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chậm lại ở cả khu vực thành thị bốn thành phố chính (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam, tuy nhiên vẫn giữ tốc độ cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Trong ngắn hạn, giá trị chi tiêu cho FMCG trong quý I/2021 tương đương với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm tăng cao do tác động của dịch, theo phân tích mới nhất từ Kantar.

Khi so với 2020 – một năm tăng trưởng đột biến của thị trường FMCG, hầu hết các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng âm trong ba tháng đầu năm, ngoại trừ đồ uống đang có dấu hiệu phục hồi ở khu vực thành thị bốn thành phố chính.

Thực phẩm đóng gói tại khu vực này giảm mạnh 7% trong quý I/2021 sau khi “nhảy” tới 32% trong quý I/2020.

Đáng chú ý, sản phẩm chăm sóc cá nhân ghi nhận mức tăng cao so với mặt bằng chung ở khu vực nông thôn khi có tốc độ tăng tới 10% so với ba tháng đầu năm ngoái.

a
Nguồn: Kantar.

Ngoài ra, dầu ăn cũng là một trong những ngành hàng tiêu biểu khi đạt tăng trưởng tốt về giá trị và khối lượng tiêu thụ với tốc độ lần lượt là 11% và 8% so với cùng kỳ. Sản phẩm này hiện chiếm 1/5 thị phần về lượng giao dịch ở các kênh hiện đại.

Kantar cho biết thị trường dầu ăn nhiều cạnh tranh hơn ở các kênh hiện đại khi 80% thị phần ở kênh này đóng góp từ 11 thương hiệu, so với chỉ 8 thương hiệu ở tổng các kênh.

Mặc dù thị trường FMCG giảm nhẹ trong quý đầu năm, các kênh mua sắm mới nổi vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, kênh trực tuyến (online) vượt xa các mô hình bán lẻ quen thuộc khác, ghi nhận tốc độ tăng 47% giá trị so với ba tháng đầu năm ngoái.

Tuy vậy, tiệm tạp hóa vẫn là kênh bán lẻ chủ đạo, chiếm hơn nửa thị phần thị trường bán lẻ trong quý đầu năm, theo sau là siêu thị và đại siêu thị (14%). 

a 1
Nguồn: Kantar.

Ông David Anjoubault, Giám đốc điều hành bộ phận Worldpanel Division của Kantar, từng lưu ý về sự nổi lên của các kênh bán lẻ mới và người tiêu dùng ngày càng mở rộng số lượng kênh khi mua sắm sản phẩm tạp hóa.

Tính trung bình, một người dân thành thị hiện mua sắm FMCG thông qua khoảng 7 kênh khác nhau. Do vậy, xác định và hiểu được vai trò của từng loại kênh với mỗi danh mục hoặc thương hiệu là điều quan trọng để doanh nghiệp có thể chiến thắng trong lâu dài. Vị chuyên gia khuyến nghị hiện nay là thời điểm quan trọng để các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phát triển chiến lược đa kênh hiệu quả.

Cùng với sự phục hồi kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng Việt lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong thời gian tới khi tỷ lệ người đồng ý cao hơn so với các quý trước và gần hơn với con số ở thời điểm trước dịch.

Cụ thể, có tới 81% hộ gia đình được khảo sát tại khu vực thành thị 4 thành phố chính đánh giá tình hình kinh tế sẽ khá hơn hoặc duy trì như hiện tại trong vòng 12 tháng tới. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn một chút so với kết quả khảo sát vào tháng 8/2019 – thời điểm chưa có Covid-19.

Những lo lắng của người tiêu dùng giai đoạn đầu năm 2020 đã được cải thiện hơn trong ba tháng đầu năm nay với sự gia tăng tự tin về khả năng tài chính trong những tháng tới.

Sức khỏe và an toàn thực phẩm tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Lo ngại và thu nhập và ổn định công việc thì giữ nguyên, tuy nhiên vẫn cao hơn trong dài hạn.