Chiến lược bản quyền: Lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp SME (phần I)

Trâm Nguyễn * - 09:36, 23/05/2023

TheLEADERTrong bối cảnh kinh doanh phát triển nhanh chóng ngày nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là xương sống của tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, nhiều doanh nhân có thể đã bỏ qua vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ (IP) trong việc bảo vệ ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ của họ.

Chiến lược bản quyền: Lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp SME (phần I)
Ngày nay, chiến lược sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với chiến lược sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp (Ảnh: ultimatemedical.ed)

Bản quyền là một trong những loại tài sản trí tuệ rất phổ biến và được thể hiện dưới nhiều hình thái trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp. Tuy vậy, chỉ khi doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng và nhận diện được những loại tài sản này, họ mới có thể khai thác được chúng một cách triệt để.

Dưới đây là trao đổi giữa hai chuyên gia sở hữu trí tuệ: bà Trâm Nguyễn (luật sư thuộc Văn phòng luật IPCOM) và ông Nguyễn Ngô Thành Danh (chuyên gia về hợp đồng sở hữu trí tuệ độc lập) nhằm làm sáng tỏ tầm quan trọng của các chiến lược bản quyền đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bài viết nằm trong khuôn khổ chuỗi bài “Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam” do TheLEADER và văn phòng luật IPCOM thực hiện. Đây là chuỗi bài chia sẻ những câu chuyện về quản trị và kinh doanh tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Là một chuyên gia về sở hữu trí tuệ, theo anh, bản quyền đóng vài trò như thế nào đối với hoạt động hàng ngày của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)?

Trước hết, có lẽ chúng ta cần phải nói qua về thuật ngữ “bản quyền”. Mặc dù đây là một tên gọi phổ biến, nhưng nó lại không phải là một thuật ngữ chuẩn xác về mặt pháp lý. Theo quan niệm phổ thông, bản quyền có thể được hiểu theo hai cách. Theo nghĩa thông dụng, bản quyền là một tên gọi thay thế của quyền tác giả - một thuật ngữ pháp lý chính thức trong pháp luật Việt Nam. 

Nhưng đôi khi, bản quyền cũng được dùng theo nghĩa rộng để ám chỉ các độc quyền đối với mọi loại tài sản trí tuệ, tức bao hàm cả quyền tác giả, các loại quyền sở hữu công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng. Và để tránh nhầm lẫn, chúng ta sẽ thống nhất theo cách hiểu đầu tiên.

Chiến lược bản quyền: Lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp SME (phần I)
Ông Nguyễn Ngô Thành Danh, chuyên gia về hợp đồng sở hữu trí tuệ độc lập

Quay lại câu hỏi chính, theo tôi, việc bảo vệ bản quyền luôn tạo ra các tác động và ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù mức độ của chúng có thể khác nhau tuỳ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo hay nghệ thuật, bản quyền có thể được coi là những tài sản mang nhiều giá trị nhất và là nguồn tạo ra doanh thu chính cho doanh nghiệp. Do đó, việc bảo vệ bản quyền trong các doanh nghiệp này, có một vai trò rất quan trọng, thậm chí là mang tính sống còn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Còn ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, việc bảo vệ bản quyền thường có một vai trò có phần kém quan trọng hơn so với các mục tiêu khác của doanh nghiệp, như là việc tăng doanh số, lợi nhuận hay marketing. Mặc dù vậy, việc bảo vệ bản quyền vẫn là điều cần thiết, vì các doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ít hay nhiều đều liên quan đến các tài sản trí tuệ, các tác phẩm được bảo hộ bản quyền.

Thật ra, với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, thì xu hướng chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đều hướng đến việc đầu tư sáng tạo và phát triển các sản phẩm trí tuệ, công nghệ mới - vốn có thể được bảo hộ phần nào bởi bản quyền. Theo đó, bản quyền có thể được sử dụng để ngăn cản đối thủ cạnh tranh “ăn cắp”, đạo nhái hay sử dụng các biểu tượng, khẩu hiệu tương tự có thể gây nhầm lẫn trên thị trường.

Bản quyền cũng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường nếu các sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng được cụ thể hoá do doanh nghiệp làm ra được bảo vệ bản quyền. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp biết tận dụng và xây dựng được một chiến lược phù hợp, thì trên thực tế, việc bảo vệ bản quyền trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ chiếm một vai trò quan trọng không kém những mục tiêu khác.

Vậy đâu là những thách thức phổ biến liên quan đến bản quyền mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải trong hoạt động kinh doanh hàng ngày và đâu là cách giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả?

Một trong những thách thức phổ biến liên quan đến bản quyền đó là nhận diện các sản phẩm được bảo hộ, mà theo luật hiện hành gọi là tác phẩm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc doanh nghiệp không đủ khả năng để quản trị, đánh giá và nhận biết được những sản phẩm nào sẽ được bảo hộ và ngược lại. Việc nhận diện không chính xác có thể dẫn đến những rủi ro trong tương lai mà một trong số những hệ quả quan trọng nhất là không xây dựng được một chiến lược, quy trình quản trị và khai thác các tài sản trí tuệ phù hợp và hiệu quả – vốn cũng là một trong những thách thức phổ biến khác mà các doanh nghiệp hay gặp phải.

Khi đó, hoặc doanh nghiệp bỏ sót những sản phẩm có thể được bảo hộ, bỏ lỡ những cơ hội và lợi thế kinh doanh của mình, hoặc doanh nghiệp lại chú tâm vào những đối tượng không đủ điều kiện được bảo hộ, từ đó làm lãng phí công sức, thời gian và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Để có thể có những đánh giá phù hợp cũng như có thể xây dựng được một chiến lược quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tư vấn và luật sư.

Một vấn đề khác thường gặp đó là việc doanh nghiệp thường ít quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục đăng ký bản quyền. Mặc dù bản quyền được bảo hộ một cách tự động mà không cần phải thông qua các thủ tục đăng ký, song một khi có bất kỳ tranh chấp liên quan nào xảy ra, thì việc đầu tiên luôn là chứng minh quyền lợi. Việc đăng ký bản quyền sẽ góp phần giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh này, giúp cho doanh nghiệp có thể an tâm hơn trong quá trình khai thác và bảo vệ bản quyền.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tiếp cận bảo vệ bản quyền như thế nào và các chiến lược hiệu quả nhất mà họ có thể thực hiện để bảo vệ tài sản sáng tạo của mình là gì?

Có nhiều cách khác nhau để bảo vệ bản quyền, nhưng thông thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sử dụng các phương pháp như giữ bí mật, ràng buộc bằng cách ký hợp đồng, và ít phổ biến hơn là thông qua việc đăng ký bản quyền. Mặc dù vậy, việc áp dụng những cách thức bảo vệ này thường tiềm ẩn nhiều thiếu sót về mặt pháp lý. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức và hiểu rõ về quyền sở hữu trí tuệ cũng như các mục đích, hệ quả mà những biện pháp bảo vệ nói trên đem lại.

Để có một chiến lược hiệu quả, trước hết các doanh nghiệp cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia về bản quyền để có được tầm nhìn tổng quan và cụ thể, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định các chiến lược, biện pháp bảo vệ bản quyền phù hợp. Sau khi nhận được các tư vấn phù hợp, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc thực hiện các biện pháp bảo vệ kỹ thuật số như mã hóa, chữ ký số… để hỗ trợ cho việc bảo vệ bản quyền, ngăn chặn việc sao chép hoặc sử dụng trái phép các tác phẩm của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức về sở hữu trí tuệ để có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ hiệu quả cho các tác phẩm của mình.

Xin chân thành cảm ơn anh!

* Bài phỏng vấn do bà Trâm Nguyễn, luật sư thuộc Văn phòng luật IPCOM, thực hiện.