Chiến lược đầu tư bất động sản công nghiệp của KCN Việt Nam

Hứa Phương - 16:44, 26/07/2022

TheLEADERDù là “tân binh” trên thị trường bất động sản công nghiệp nhưng KCN Việt Nam đang thể hiện tham vọng bằng việc đẩy nhanh hoàn thành những khu công nghiệp đã có, tích cực mở rộng quỹ đất nhằm tận dụng cơ hội đón các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc.

Mới gia nhập thị trường được gần hai năm nhưng KCN Việt Nam đã sở hữu quỹ đất 250ha với 6 dự án ở 5 tỉnh, thành phố. Không chỉ thể hiện tham vọng bằng cách tích cực mở rộng quỹ đất, KCN Việt Nam còn cung cấp đội ngũ tư vấn cùng dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện, giúp khách hàng nhanh chóng đi vào hoạt động.

Ngoài việc tận dụng cơ hội đón các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, KCN Việt Nam cũng muốn liên kết, hỗ trợ các công ty sản xuất vừa, nhỏ nội địa, để cùng phát triển. TheLEADER.vn đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành KCN Vietnam để rõ hơn về chiến lược phát triển của doanh nghiệp thời gian tới.

Mới được thành lập khoảng 2 năm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, KCN Việt Nam gặp những khó khăn gì?

Bà Huỳnh Bửu Trân: Với một doanh nghiệp mới, lại tham gia phân khúc có tính cạnh tranh khốc liệt như bất động sản công nghiệp nên KCN Việt Nam gặp một số khó khăn.

CEO KCN Việt Nam: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành KCN Vietnam

Cụ thể, thị trường hiện có nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản công nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Do đó thị trường ngày càng cạnh tranh đòi hỏi các nhà đầu tư không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm và nâng tầm dịch vụ để phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm về quỹ đất, trong khi giá đất ngày càng tăng. Quy trình cấp phép của cơ quan quản lý chưa quy chuẩn. Đơn cử như KCN Việt Nam hiện có 6 dự án tại 5 tỉnh thành, và mỗi tỉnh có những khác biệt nhất định về quy trình. Giá vật liệu xây dựng tăng trong khi nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Dù khó nhưng KCN Việt Nam cũng có những thế mạnh để khác biệt và phát triển. Đơn cử như KCN Việt Nam là công ty trong nước nhưng có kinh nghiệm quốc tế phong phú. Chúng tôi không chỉ cung cấp bất động sản công nghiệp mà còn cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành, đồng thời hỗ trợ khách thuê trong khâu cấp phép.

KCN Việt Nam luôn cam kết chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hướng đến phát triển bền vững. KCN Việt Nam theo đuổi chiến lược phát triển lâu dài vì không bị áp lực về thời gian hoàn vốn đầu tư như các nhà phát triển/nhà đầu tư khác.

Tất cả các doanh nghiệp khi tham gia thị trường đều xác định một sản phẩm thế mạnh. Với KCN Việt Nam thì sản phẩm nào là thế mạnh?

Bà Huỳnh Bửu Trân: KCN Việt Nam phát triển đa dạng sản phẩm bao gồm: nhà xưởng xây sẵn (RBF), nhà kho xây sẵn (RBW) và kho xưởng xây theo yêu cầu (RBH). RBH là một sản phẩm cải tiến về thiết kế và công năng vì có thể chuyển đổi từ kho sang xưởng tùy mục đích sử dụng của khách hàng.

Hiện tại, chúng tôi đang trong những bước đàm phán cuối cùng để bổ nhiệm một đơn vị quốc tế nhằm tư vấn, lắp đặt và vận hành hệ thống các tấm năng lượng mặt trời áp mái cho các dự án của KCN Việt Nam. KCN Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tái chế trong khu vực dự án của mình.

Sản phẩm của KCN Việt Nam không chỉ dừng lại ở nhà kho và nhà xưởng, chúng tôi cung cấp đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp cùng dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện, giúp khách hàng nhanh chóng đi vào hoạt động. KCN Việt Nam muốn liên kết, hỗ trợ các công ty sản xuất vừa, nhỏ nội địa, để cùng tăng trưởng và phát triển.

Vừa qua Tập đoàn Framas của Đức thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại Đồng Nai, Tập đoàn Fuchs của Đức thuê một khu đất để xây nhà xưởng theo yêu cầu ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Có điểm chung là hai tập đoàn này lựa chọn là diện tích thuê lớn, vị trí gần cảng biển, sân bay…đó cũng là yêu cầu của các tập đoàn khác khi có nhu cầu đặt nhà máy tại Việt Nam…KCN Việt Nam giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bà Huỳnh Bửu Trân: Quỹ đất gần nội đô và các trung tâm sản xuất đã phát triển như TP.HCM và Bình Dương ngày càng khan hiếm. Các nhà đầu tư có nhu cầu lớn về quỹ đất cần xem xét các vị trí xa hơn trong điều kiện khoảng cách đến các trung tâm kho vận, hải cảng, cảng hàng không hợp lý và giá thuê đất chưa tăng quá cao.

KCN Việt Nam muốn liên kết, hỗ trợ các công ty sản xuất vừa, nhỏ nội địa, để cùng tăng trưởng và phát triển.
Huỳnh Bảo Trân
Giám đốc điều hành KCN Việt Nam

Chiến lược của KCN Việt Nam là đầu tư vào các vị trí có giá thuê đất phù hợp, có ưu đãi thuế, nguồn lao động dồi dào, gần các công ty sản xuất chủ lực, chi phí giao thông đến trung tâm thành phố, cảng và cảng hàng không phải chăng.

Các dự án hiện tại của KCN Việt Nam đã bảo chứng cho chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đang có dự án tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An. Hiện KCN Nhơn Trạch đã xây dựng xong và cho thuê được 30% diện tích, các khu còn lại đang được đẩy nhanh xây dựng.

Thời gian qua giá cho thuê bất động sản công nghiệp, trong đó có nhà kho, xưởng xây sẵn liên tục tăng. Dưới góc nhìn của một người có thâm niên trong nghề, theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá này?

Bà Huỳnh Bửu Trân: Chúng tôi chưa ghi nhận sự tăng đáng kể về giá cho thuê nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tuy nhiên, giá thuê đất được ghi nhận có sự gia tăng đáng kể bởi nhiều nhà đầu tư/nhà phát triển dự án mới gia nhập thị trường và sự khan hiếm quỹ đất.

Sự di dời một phần các dây chuyền sản xuất để giảm rủi ro của các tập đoàn đa quốc gia nhằm tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề tắt nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Dù là “tân binh” nhưng KCN Việt Nam đã sở hữu 250ha quỹ đất. Chiến lược phát triển quỹ đất của KCN Việt Nam trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?

Bà Huỳnh Bửu Trân: KCN Việt Nam luôn chọn lựa các vị trí gần trung tâm hậu cần và giao thông trọng điểm, đồng thời gần các nhà máy sản xuất lớn trong chiến lược phát triển dự án. KCN Việt Nam tập trung cho chất lượng sản phẩm, đồng thời theo đuổi phát triển xanh và bền vững.

KCN Việt Nam hướng đến cung cấp dịch vụ toàn diện, bao gồm nhà kho và nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao, quản lý và vận hành dự án đã cho thuê, hỗ trợ khách hàng trong khâu cấp phép và các hỗ trợ khác khi có yêu cầu. KCN Việt Nam đang xây dựng hệ thống mạng lưới liên kết các nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng.

Nhìn chung thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng tích cực. Cụ thể, FDI trong nửa đầu năm 2022 đạt 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và bất động sản chiếm khoảng 75% (theo báo cáo của Cushman & Wakefield)

CEO KCN Việt Nam: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư 2
Một góc dự án của KCN Việt Nam ở Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Nghị Định 35 ban hành giúp tháo gỡ một phần khó khăn trong quy trình cấp phép, đồng thời hỗ trợ phát triển xanh, cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ đối với phát triển bất động sản công nghiệp. Các kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông cũng đang được tập trung triển khai.

Do đó, về dài hạn KCN Việt Nam tiến tới là nhà cung cấp dịch vụ toàn diện và định hướng trở thành nhà phát triển bất động sản công nghiệp đầu ngành.

Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia đã dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, bà nhận định như thế nào về vai trò của Việt Nam trong các điểm đến mở rộng?

Bà Huỳnh Bửu Trân: Covid-19, mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung, chiến sự Ukraine đang là những tác động bắt buộc các tập đoàn phải đa dạng hóa dây chuyền sản xuất, tránh tập trung tại một quốc gia. Trong các điểm đến để mở rộng và phân hóa đầu tư, Việt Nam thuộc danh sách 10 điểm đến tiềm năng nhất.

Bởi vì Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược với cảng sông, cảng biển, cảng hàng không và quỹ đất dồi dào là những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam phát triển công nghiệp, kho bãi và hậu cần.

Chính trị ổn định và sự hỗ trợ của chính phủ trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng tiêu dùng nội địa nhanh. Việt Nam là một trong những nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trên thế giới. Do đó, tăng trưởng tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Điều này giúp Việt Nam trở thành một thị trường cạnh tranh bởi sự gia tăng về sức mua nội địa.

Xin cảm ơn bà!