Chiến lược giúp lợi nhuận Sabeco phục hồi

Trần Anh - 10:08, 26/11/2020

TheLEADERChiến lược kiểm soát chặt nguyên liệu, chi phí cùng với việc phủ sóng sản phẩm mọi phân khúc giúp Sabeco phục hồi lợi nhuận nhanh chóng.

Trong quý 3 vừa qua, Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt khoảng 8.100 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Từ khi kết quả kinh doanh chạm đáy trong quý 1 do tác động kép từ dịch Covid-19 và Nghị định 100, đến cuối tháng 9, Sabeco đã phục hồi mức lợi nhuận sau thuế tương đương thời điểm trước dịch, như các quý 2 và 3 năm ngoái.

Đáng chú ý, kết quả khá bất ngờ này đến khi tổng doanh thu của Sabeco vẫn giảm khoảng 17% so với cùng kỳ. Việc lợi nhuận phục hồi chủ yếu nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp gia tăng, đây cũng là mục tiêu mà Sabeco ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức 30,7% trong quý 3/2020 so với mức 24,6% cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, Sabeco ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng doanh thu thuần, vẫn giảm gần 29% so với cùng kỳ 2019, trong khi lợi nhuận giảm chỉ giảm 20%, đạt khoảng 3.400 tỷ đồng.

Chiến lược giúp lợi nhuận Sabeco phục hồi
Lạc Việt là một sản phẩm phân khúc giá thấp mới ra mắt của Sabeco

Ban lãnh đạo công ty cho biết gần đây Sabeco đã chốt giá nguyên vật liệu theo các hợp đồng dài hạn hơn (cho cả malt bia và nhôm) để tận dụng vùng giá thấp và duy trì chi phí nguyên vật liệu ổn định, song song với các sáng kiến tiết kiệm chi phí như chuyển một số chi phí cố định thành chi phí biến đổi; giảm chi phí vận chuyển và sử dụng hệ thống Sabeco 4.0.

Cùng với những chiến lược kiểm soát chặt nguyên liệu và chi phí, Sabeco cũng có chiến lược mới về sản phẩm.

Trong thời kỳ dịch bệnh, công ty vẫn ra mắt hai nhãn hiệu chiến lược mới là Lạc Việt (phân khúc tiết kiệm) và Saigon Chill (phân khúc cận cao cấp) nhằm giúp Sabeco hoàn thiện khả năng cạnh tranh ở tất cả các phân khúc.

Ban lãnh đạo kỳ vọng các nhãn hiệu mới này sẽ giúp tăng trưởng doanh thu cũng như cải thiện cơ cấu sản phẩmm qua đó giúp tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Dù không công bố số liệu thị phần, song theo ban lãnh đạo, thị phần của Sabeco hiện đã cải thiện gần về mức trước khi có một số tin sai sự thật và ảnh hưởng đến Sabeco cuối năm ngoái. Thị phần của Sabeco tại thời điểm cuối năm 2019 là 39,6%, tiếp theo là Heineken (33,5%), theo số liệu của Euromonitor.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, trong năm 2021, doanh thu của Sabeco có thể không phục hồi bằng năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2021 vẫn có thể vượt mức năm 2019 nếu Sabeco tiếp tục duy trì được tỷ suất lợi nhuận gộp tốt như hiện nay.

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo công ty Sabeco chia sẻ, tiêu thụ bia có thể vẫn gặp thử thách do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 đến thu nhập và tâm lý người tiêu dùng. Điều này có thể thấy rõ ở xu hướng tiêu thụ các sản phẩm kinh tế hơn.

Trong dài hạn, báo cáo phân tích của SSI vẫn đánh giá tương lai của Sabeco rất khả quan theo đà phục hồi của toàn ngành bia.

Theo Tổng cục thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ bia giảm 5,4% so với cùng kỳ trong tháng 10, mức độ giảm đã đỡ hơn nhiều so với mức giảm của các tháng trước, cho thấy tín hiệu phục hồi của toàn ngành.

So với đầu năm, tổng nhu cầu tiêu thụ bia giảm 13,1% so với cùng kỳ, đạt 3,65 triệu lít. Có vẻ như chu kỳ giảm/tăng dự trữ hàng tồn kho của các nhà sản xuất bia có vẻ sẽ trở về mức bình thường khi tác động của dịch Covid19 dịu bớt.

Số liệu của Euromonitor ước tính sản lượng bia năm 2020 giảm 20,5% so với năm ngoái và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng là 2% về sản lượng trong giai đoạn 2019 – 2024, thấp hơn khi so với mức ước tính tăng trưởng 5% trước dịch Covid-19 và Nghị định 100 có hiệu lực.