Chiến lược 'không tiền mặt' của NextPay

Việt Hưng - 18:26, 12/06/2020

TheLEADERMục tiêu của NextPay là phát triển 300.000 điểm thanh toán thẻ tại Việt Nam vào năm 2023, đóng góp 20% thị phần các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, sự chuyển biến tích cực của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian qua đã thúc đẩy các giao dịch qua Internet, di động ngày một tăng trưởng.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Các chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất của thanh toán không tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin khách hàng, nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Còn theo số liệu của Tập đoàn IDG Việt Nam, tỉ lệ thanh toán tiền mặt ở nước ta dù đã giảm, nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn - 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.

Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh và chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt với 28,4%, thanh toán qua thẻ các loại 38% và thanh toán qua kênh di động Mobile Banking khoảng 30%...

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hiện có khoảng 88,5 triệu tài khoản ngân hàng - chiếm 63,7% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Chiến lược 'không tiền mặt' của NextPay
Thanh toán không tiền mặt lên ngôi tại Việt Nam

Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Với cơ cấu dân số trẻ hơn 95 triệu dân, đến nay, Việt Nam có khoảng 70% dân số am hiểu công nghệ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, ứng dụng ngân hàng di động và ví điện tử...

"Đây chính là cơ hội phát triển cho các nền tảng thanh toán đa tiện ích", ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO NextPay nhận định. Được biết, chiến lược mà NextPay hiện đang theo đuổi đó là tập trung vào việc xây dựng mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt trong bán lẻ truyền thống.

Vừa qua, chiến lược này đã được công ty cụ thể hóa bằng việc ra mắt thiết bị thanh toán SmartPOS. Đây là dòng thiết bị được NextPay kết hợp với 4 ngân hàng gồm: Vietinbank, BIDV, Vietcombank và Sacombank.

Sản phẩm là sự kết hợp 3 trong 1 gồm: điện thoại thông minh, thiết bị đọc thẻ và máy in trên cùng một thiết bị. SmartPOS hỗ trợ mọi hình thức thanh toán thẻ CHIP, thẻ từ, thẻ Contactless, QR-Code, chụp ảnh eKYC và có thể in hoá đơn.

Thiết bị đã được tích hợp với giải pháp thanh toán toàn diện mPOS và được cấp chứng nhận kiểm thử với các tổ chức thẻ quốc tế, cho phép tích hợp với các hệ thống bán hàng POS, các hệ thống phần mềm quản lý bán hàng, quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý khách sạn, hệ thống bán vé trực tuyến và tích hợp các dịch vụ thanh toán công.

CEO Nguyễn Hữu Tuất cho biết, mục tiêu của NextPay là sẽ phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam vào năm 2023, đóng góp 20% thị phần các điểm chấp nhận thanh toán tại Việt Nam.

Hiện công ty đã hợp tác 25 ngân hàng lớn và tổ chức tài chính, đồng thời triển khai hơn 60.000 thiết bị thanh toán ra thị trường và trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc phát triển các điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại thị trường trong nước.

Trước đó, ví điện tử VimomPOS - 2 thành viên thuộc Tập đoàn NextTech đã chính thức sáp nhập và được đổi tên thành NextPay. Hậu sáp nhập, NextPay sử dụng giấy phép trung gian thanh toán của ví điện tử Vimo.

Công ty cho biết đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động khoảng 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Số vốn trên sẽ được sử dụng cho kế hoạch tăng trưởng tại Việt Nam và mở rộng sang thị trường Myanmar và Indonesia.