Chiến lược ngành tiêu dùng nhanh cho trạng thái bình thường mới

Minh Nhật - 15:17, 26/05/2020

TheLEADERNgành hàng tiêu dùng nhanh sẽ phải thay đổi như gia tăng hàm lượng công nghệ, tăng hiện diện thương hiệu địa phương khi người tiêu dùng có sự thay đổi hành vi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Theo mô hình phục hồi, khi bước ra từ cuộc sống cách ly trong khoảng thời gian ngắn (3 tháng), người tiêu dùng có xu hướng khôi phục lại những hành vi trước đó nhưng một số thay đổi sẽ trở thành chính yếu và có khả năng duy trì vĩnh viễn.

Công ty đo lường và phân tích dữ liệu toàn cầu Nielsen cho rằng người tiêu dùng sẽ có nhu cầu phòng ngừa nhiều hơn, từ vệ sinh cá nhân đến vệ sinh môi trường xung quanh; ưa chuộng không gian mở hơn là không gian kín cũng như hạn chế tiếp xúc; tham gia những hoạt động trực tuyến nhiều hơn.

Người tiêu dùng cũng ưu tiên tiện nghi gần nơi ở như cửa hàng, khu vui chơi; đánh giá cao những thứ thiết yếu, đơn giản hóa bữa ăn và luôn dự trữ thức ăn. Đáng chú ý, người tiêu dùng cũng sẽ hạn chế tài chính như trì hoãn các kỳ nghỉ, các mặt hàng có giá trị lớn như nhà, xe, phụ kiện.

Theo mô hình vực dậy, khi trải qua cuộc sống bị cách ly dài hơn (từ 3 tháng đến gần 6 tháng), những mong đợi sẽ trở nên ngày càng quan trọng và ảnh hưởng đến việc thay đổi nhu cầu và hành vi tiêu dùng.

Khi thu nhập càng trở nên căng thẳng, người tiêu dùng sẽ đặt nặng lợi ích, khẩu phần sử dụng và từ bỏ những sản phẩm ngoài dự kiến cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm địa phương và đặc biệt, chuyển từ hạn chế tài chính sang thắt chặt chi tiêu. Tạp hóa sẽ trở thành một phần quan trọng trong chi tiêu gia đình và rất ít thu nhập được chi tiêu cho những nhu cầu phát sinh như nâng cấp nhà cửa, công nghệ, du lịch.

Chiến lược ngành tiêu dùng nhanh cho trạng thái bình thường mới

Theo mô hình tái tạo, khi sống trong thời kỳ cách ly quá lâu (trên 6 tháng), cùng với những mong đợi từ những mô hình trên, nhiều mong đợi khác của người tiêu dùng sẽ trở nên đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng đến việc thay đổi nhu cầu và hành vi tiêu dùng.

Cụ thể, người tiêu dùng chuyển từ đề cao sang phụ thuộc và sang tồn tại dựa trên những nhu cầu thiết yếu. Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế, tài chính và tình trạng thất nghiệp, sinh kế và thu nhập của nhiều người tiêu dùng bị giảm sút nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ tái ưu tiên những gì họ có thể mua ở mức chỉ mua thực phẩm thiết yếu để sống.

Với nguồn cung bị gián đoạn và sụt giảm nghiêm trọng, người tiêu dùng sẽ phụ thuộc sâu sắc vào những nhà cung cấp cực nhỏ tại địa phương để có được hàng hóa cơ bản với giá phù hợp, chuyển từ hỗ trợ sang phụ thuộc và cuối cùng là phụ thuộc sâu sắc.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và nhiều người sẽ hạn chế chi tiêu bằng cách phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp tài chính và thức ăn để đảm bảo cuộc sống cơ bản.

Ông Scott McKenzie, Trưởng nhóm Nielsen Global Intelligence, đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ để lại ảnh hưởng sâu sắc hơn bất kỳ điều gì từng thấy và tốc độ chuyển biến cũng xảy ra nhanh đến phi thường. Thói quen của người tiêu dùng cũng đang biến đổi theo tốc độ chóng mặt và xét trong bối cảnh của những viễn cảnh nêu trên, việc ưu tiên cách thức điều chỉnh để đáp ứng các hoàn cảnh thay đổi do Covid-19 sẽ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam Louise Hawley cho biết trong khi Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giống như các nước láng giềng, có một sự tăng trưởng đột biến diễn ra tại những ngành hàng như sợi ăn liền, thực phẩm đông lạnh và sản phẩm vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, do việc đóng cửa các cửa hàng ăn uống, doanh số của các ngành hàng như bia, nước ngọt và thuốc lá bị giảm sút mạnh.

Trong thời gian tới, một số hành vi của người tiêu dùng học được trong thời kỳ dịch bệnh sẽ tiếp tục như là ăn tại nhà thường xuyên hơn so với thời kỳ trước dịch và sử dụng thương mại điện tử để thỏa mãn nhu cầu mua sắm nhiều hơn trong tương lai.

Vai trò then chốt của công nghệ

Các phân tích từ Nielsen chỉ ra rằng công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong việc định hình một thị trường thông minh hơn khi nói đến tương lai của các cửa hàng bán lẻ FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) và mua sắm tạp hóa.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn (93%) người tiêu dùng nói rằng họ sẵn sàng sử dụng công nghệ di động 5G và 60% cho biết sẵn sàng sử dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo để tiếp cận với sản phẩm. Ở nhiều thị trường, dịch Covid-19 đã làm tăng tốc việc sử dụng các nền tảng trực tuyến.

Ông McKenzie lưu ý các nhà bán lẻ và thương hiệu cần phải nhanh chóng kiểm tra tình hình sản phẩm đang cung cấp và các động lực định giá phù hợp với hai mẫu hình người tiêu dùng mới nổi. Một phần, người tiêu dùng sẽ thể hiện sức chi tiêu bị tổn hại do thất nghiệp, nghỉ việc hoặc các thách thức khác liên quan đến Covid-19 trong khi phần còn lại, sẽ có những người tiêu dùng được bảo đảm nhiều hơn về khả năng chi tiêu.

Do đó, các giỏ hàng FMCG sẽ trải qua quá trình tái cân bằng nhanh chóng và có một sự tái điều chỉnh liên tục dưới ảnh hưởng của môi trường suy thoái không thể tránh khỏi này. Người tiêu dùng cũng sẽ nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mua sắm mới nổi như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, điều này sẽ làm gia tăng nhu cầu muốn hiểu thêm thông tin trên tất cả các kênh

Ở nhiều thị trường, các bối cảnh hiện tại đang nằm trong phạm vi giữa đời sống hạn chế và chuyển sang một cuộc sống bình thường mới tùy thuộc vào mức độ phòng chống dịch bệnh và các điều kiện thị trường phổ biến để giảm bớt các hạn chế.

Trong một khảo sát nhanh về sự chuyển biến của hành vi người tiêu dùng trong chu kỳ đại dịch Covid-19, cuộc sống hậu Covid-19 sẽ bị chi phối bởi ba chất xúc tác là công nghệ, thương hiệu địa phương và chất lượng, hiệu quả.

Các mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp FMCG, nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất có thể lên kế hoạch để thích nghi với những điều kiện trong tương lai, khi các xu hướng mới phát triển một cách đáng kể và người tiêu dùng điều chỉnh hành vi mua hàng và động lực tiêu dùng của họ theo hướng “bình thường mới”.